Bàn về "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều đại Tây Sơn
10:17', 16/10/ 2005 (GMT+7)

Trong lịch sử loài người, bất kỳ một vị hoàng đế nào sau khi lên ngôi cũng đều có chiếu chỉ an dân như chiếu cầu hiền, chiếu khuyến học, chiếu khuyến nông... đó là việc thường tình, dễ hiểu, dễ thấy, nhưng nhà vua phải ra một chiếu chỉ như "Chiếu cầu lời nói thẳng" thì quả là hiếm thấy, hình như chỉ thấy xuất hiện ở thời đại triều Tây Sơn mà thôi.

Chớ nên ngây ngô nghĩ rằng: Các vị hoàng đế của các triều đại khác trong xã hội của họ đều là những người nói thẳng nên không cần có chiếu cầu lời nói thẳng. Chỉ có thể giải thích: hoặc là họ sợ những lời nói thẳng, hoặc là họ chẳng cần thiết lời nói cong hay là lời nói thẳng miễn là nói thế nào cho họ vừa lòng.

"Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều Tây Sơn do Ngô Thời Nhậm viết thay cho Nguyễn Quang Toản (có tài liệu nói theo di chúc của vua Quang Trung). Chiếu này ra đời vào lúc thái sư Bùi Đắc Tuyên đã bị giết bởi tội chuyên quyền lộng hành, gây quá nhiều tổn thất về thanh danh, uy tín của triều đại Tây Sơn.

Đọc "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều Tây Sơn, chúng ta cảm động nhất là từ đầu đến cuối nhà vua bằng một thái độ rất mực khiêm nhường, trình bày cặn kẽ mọi thực trạng xã hội cho dân chúng biết, không hề che đậy, giấu giếm. Cũng phải vậy thôi, muốn cầu lời nói thẳng mà nhà vua lại không dám nói thẳng, nói thật thì ai tin mà cầu.

Mở đầu chiếu viết: "…Vận nước gặp lúc gian nan, họ ngoại thích trộm quyền cương, điềm trời luôn hiện, việc binh hỏa không lúc nào ngơi, người hành dịch có khi bị chìm đắm dưới sóng gió, có khi mắc vào chốn gươm đao, nào là phải vận tải đưa lương, nào là bị tham quan đục khoét".

Tiếp đó nhà vua cất lời than: "Than ôi, chơi bời là cái điều nguy ngập, khoe khoang là cái cớ diệt vong". Ai chơi bời, ai khoe khoang? Người dân thì kẻ "bị chìm đắm dưới sóng gió", người thì "bị tham quan đục khoét", vậy chỉ có những người có chức có quyền bấy giờ chơi bời, khoe khoang chứ còn ai vào đấy nữa.

Điều cảm động nữa là nhà vua biết sợ hãi: "Nay quốc gia đất rộng người nhiều, thực là nhờ công ơn của tiên hoàng đế (chỉ vua Quang Trung) mở mang khi trước. Nhưng đất rộng mà lắm chỗ bỏ hoang, dân nhiều mà nhiều nơi ta thán. Trẫm run rẩy sợ hãi như sắp sa vào vực thẳm. Từ xưa công sáng nghiệp đã khó mà sự thủ thành lại càng khó hơn. Trẫm cùng các đại thần thân cận toan tính lo lường nhưng chưa biết thế nào là phải", dù sao thì người đời sau cũng phải ghi nhận ở đây chút lòng thành của một ông vua trẻ biết mình, chứ không như lão Bùi Đắc Tuyên già cỗi chỉ biết ham danh hám lợi, cậy thế cậy quyền, rồi dẫn đến cái chết tất yếu mà muôn đời còn nguyền rủa.

Sau khi vừa dẹp xong đại địch Mãn Thanh, đất nước còn ngổn ngang trăm mối, thì vua Quang Trung tạ thế quá ư đột ngột, cho nên "trong thì triều đình, ngoài thì châu quận, xa thì nơi biên tái, kỷ cương chưa được thiết lập, chấn chỉnh nhiều chỗ sai lầm, việc quan lại cai trị, việc binh cơ dân chính, còn nhiều thiếu sót, lấp chỗ này thì hở chỗ khác". Trước thực trạng xã hội đó nhà vua kết luận: "Tóm lại cái tệ trễ biếng là do cái lòng tự mãn tự túc sinh ra, tích tụ chất chứa đã lâu, không sao kể xiết".

Xin hiểu chữ "trễ biếng" mà nhà vua dùng ở đây với hàm nghĩa chỉ trích rất nặng nề: chỉ lo hưởng lạc, không lo việc dân việc nước, còn chữ "tự mãn tự túc" dùng ở đây cũng không nhẹ nhàng như ngày nay chúng ta dùng trong sinh hoạt phê bình, đối với văn học cổ nó là thứ tư tưởng kiêu căng ngạo mạn đến mức đáng sợ, ý nói sau khi chiến thắng được quân Thanh rồi thì tự cho mình là cái rốn của vũ trụ.

Mục tiêu cơ bản của "Chiếu cầu lời nói thẳng" là nhà vua "mong rằng thần dân trong ngoài khuyên bảo để cho trẫm được đức hạnh tốt" và nhằm "nghĩ cách để bổ cứu" tình trạng xã hội vừa nói trên, xem "việc nào làm trước, việc nào làm sau, việc nào thư thả, việc nào gấp rút, trẫm cùng các đại thần tính toán tìm ra con đường đúng mà vẫn chưa thấy con đường nào là thích hợp".

Nói cách khác, tinh thần cơ bản của "Chiếu cầu lời nói thẳng" là lấy dân làm gốc một cách thực sự chứ không phải giả vờ. Nội dung của tờ chiếu không chỉ yêu cầu dân chúng góp ý tham gia vào việc triều chính mà còn góp ý ngay với bản thân nhà vua để thấy lỗi sửa mình.

Có điều là thời bấy giờ chưa có điều kiện báo chí rộng rãi như chúng ta ngày nay nên nhà vua chỉ sử dụng biện pháp duy nhất là: "Hỡi những kẻ bầy tôi và dân chúng, các ngươi hãy dâng thư dán kín, nói hết, đừng giấu giếm. Trong kinh thì nộp cho triều đình, ở ngoài thì nộp cho các quan trấn để chuyển đệ. Trẫm sẵn lòng nghe theo lời nói phải để thi hành ra chính sự, mong đổi được tệ cục, làm được việc hay".

Xin thưa, nhà vua thì mong muốn như vậy, chứ với điều kiện thông tin hạn chế thời đó đã chắc gì những bức "thư dán kín" kia không bị các quan trấn địa phương bóc ra xem trước khi nó đến tay vua, thậm chí, đã chắc gì đến tay vua nếu như những "thư dán kín" ấy có điều động chạm các quan trấn địa phương.

. Vũ Ngọc Liễn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mắm cua đồng  (14/10/2005)
Võ Bình Định với hát bội Bình Định  (12/10/2005)
Lễ hội cầu mưa của người Chăm Vân Canh  (11/10/2005)
Rượu nếp - Tôm chua - Khổ qua dồi   (09/10/2005)
Vương triều Tây Sơn với Hoàng Sa - Trường Sa  (06/10/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (04/10/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (03/10/2005)
Chiến thuyền thời Tây Sơn  (02/10/2005)
Rong câu và xa xa  (30/09/2005)
Một đạo sắc của năm Cảnh Thịnh thứ hai  (29/09/2005)
Di tích Tây Sơn tại Huế  (27/09/2005)
Lòng cá chẻm  (25/09/2005)
Chuyện bánh trái trong văn học dân gian  (23/09/2005)
Truông Mây: một di tích bị lãng quên  (22/09/2005)
Giai thoại về Đào Duy Từ - nét mới trong kho tàng giai thoại Việt Nam  (21/09/2005)