Đồn lũy trên đất Tây Sơn
8:45', 18/10/ 2005 (GMT+7)

Trong suốt 30 năm, tính từ lúc phong trào bùng nổ đến khi triều Tây Sơn đổ, nghĩa quân Tây Sơn đã hoạt động trên hầu khắp mọi miền của đất nước. Trong số các địa điểm hoạt động đó, phải kể đến vùng miền núi Tây Sơn. Tại đây, các lãnh tụ của phong trào đã bắt tay xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng. Và cũng chính tại nơi đây cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ.

Nơi phong trào dấy lên đầu tiên là ấp Tây Sơn thời chúa Nguyễn. Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30 thì Tây Sơn có hai ấp Nhất và Nhị, nay là An Khê và Cử An (1).

Xưa kia nhân dân địa phương dùng danh từ Tây Sơn để chỉ cả vùng đất nằm phía Tây đèo An Khê. Sau này người ta quen gọi vùng Phú Lạc - Kiên Mỹ (tức ấp Kiên Thành) (2) nơi sinh trưởng của các lãnh tụ Tây Sơn cũng là Tây Sơn. Để phân biệt, người ta gọi ấp Tây Sơn là Thượng Đạo, còn vùng Phú Lạc - Kiên Mỹ là Hạ Đạo. Từ đó có khái niệm "Tây Sơn Thượng Đạo" và "Tây Sơn Hạ Đạo".

Vùng Tây Sơn Thượng Đạo vốn là địa bàn cư trú của đồng bào Thượng, chủ yếu là người Ba Na. Người Kinh mới lên đây khai phá đất hoang sinh cư lập nghiệp vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17. Gia phả của một số dòng họ lâu đời ở đây cho biết những người được thờ làm tiền hiền (người có công khai phá đầu tiên) mới chỉ cách đây từ 6-7 đời. Ông tổ 4 đời của ba anh em họ Nguyễn (vốn là họ Hồ) bị chúa Nguyễn bắt từ Nghệ An vào đây cũng là một trong những người có công khai phá miền đất này.

Xét về mặt địa hình, hai xã An Khê và Cửu An tương đối bằng phẳng, bốn bề có núi bao bọc. Từ phía Đông lên bắt buộc phải đi qua đèo An Khê. Đó là cửa ngõ phía Đông của vùng Tây Sơn Thượng. Vì vậy mà tiếng Ba Na gọi đèo này là Mang (có nghĩa là cửa). Theo các cụ già địa phương, khi thực dân Pháp chưa mở con đường 19, đèo Mang rất dốc và còn là một vùng hoang vu rậm rạp, nhiều thú dữ. Việc đi lại rất khó khăn.

Trước khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ, Tây Sơn Thượng Đạo là nơi chính quyền chúa Nguyễn kiểm soát rất lỏng lẻo. Là người thường xuyên qua lại vùng này để buôn bán, có giao kết rộng rãi với đồng bào Thượng, Nguyễn Nhạc sớm nhận ra vị trí hiểm yếu của vùng núi Tây Sơn. Ông đã chọn nơi đây làm căn cứ địa đầu tiên cho cuộc khởi nghĩa.

Vào nửa thế kỷ 18, khi các lãnh tụ Tây Sơn bắt tay vào công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa, người Kinh đã lên làm ăn ở An Khê khá đông. Tuy nhiên cư dân chủ yếu ở vùng này vẫn là người Thượng. Quá trình xây dựng căn cứ địa được bắt đầu bằng việc vận động đồng bào Thượng. Hầu như khắp vùng Tây Sơn, trong các làng Ba Na dân chúng đều biết tới Bok Nhạc. Xuôi theo sông Ba chừng 7km về phía nam, dưới chân núi Kon Krúi có Plây Đê-chơ-găng là làng Ba Na gần đường giao thông nhất. Có lẽ đó chính là "sách Man" mà Đại Nam thống nhất chí chép đến (3).

Ở đây, trong nhân dân còn lưu truyền nhiều câu chuyện về những lãnh tụ Tây Sơn. Họ nói về những cử chỉ tốt đẹp của Nguyễn Nhạc đối với dân làng và một hòn đá lớn nằm bên suối Chơ Ngao mà dân làng gọi là "Tờ mo bok Nhạc", tương truyền ông Nhạc thường hay qua lại, nghỉ ngơi tại hòn đá này, được mọi người coi là vật thiêng liêng của làng.

Xa hơn nữa về phía Phú Bổn, dân làng Ta Nia còn thờ trên dàn bếp một dí gạo, một dí (4) muối được Nguyễn Nhạc cấp cho khi thiếu đói.

Có thể nói Nguyễn Nhạc và các lãnh tụ Tây Sơn đã thành công trong việc vận động đồng bào Thượng tham gia, ủng hộ cuộc khởi nghĩa.

Công cuộc chuẩn bị còn bao gồm việc xây dựng một cơ sở hậu cần tại chỗ. Ở thôn Tú Thủy (5) có một vùng đất khá rộng mang tên "cánh đồng Cô Hầu" (theo nhân dân địa phương thì Cô Hầu là vợ bé người BaNa của Nguyễn Nhạc, đã cung cấp nhiều lương thực và voi, ngựa cho nghĩa quân; nhà Cô Hầu rất giàu). Cánh đồng này xưa kia là nơi cấy lúa cung cấp lương thực cho nghĩa quân.

Lại có truyền thuyết nói rằng Nguyễn Nhạc còn cho đào hồ thả cá. Ở gần Phú Bổn hiện nay vẫn còn di tích một hồ cá khá lớn xây bằng đá ong. Dân quanh vùng gọi đó là "hồ ông Nhạc". Câu nói phổ biến trong địa phương: "Sa khổng lồ, hồ ông Nhạc" cho thấy truyền thuyết trên là điều đáng được suy nghĩ.

(còn tiếp)

. Theo Địa chí Bình Định

 

(1) Xem Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, bản chữ Hán. Q.30, tờ 2a.

(2) Nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn

(3) Đại Nam thống nhất chí (bản dịch) tập III, Hà Nội, 1971, tr. 38.

(4) Dí: một loại túi nhỏ đan bằng tơ dừa.

(5) Nay thuộc xã Tứ An, thị xã An Khê (Gia Lai)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bàn về "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều đại Tây Sơn  (16/10/2005)
Mắm cua đồng  (14/10/2005)
Võ Bình Định với hát bội Bình Định  (12/10/2005)
Lễ hội cầu mưa của người Chăm Vân Canh  (11/10/2005)
Rượu nếp - Tôm chua - Khổ qua dồi   (09/10/2005)
Vương triều Tây Sơn với Hoàng Sa - Trường Sa  (06/10/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (04/10/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (03/10/2005)
Chiến thuyền thời Tây Sơn  (02/10/2005)
Rong câu và xa xa  (30/09/2005)
Một đạo sắc của năm Cảnh Thịnh thứ hai  (29/09/2005)
Di tích Tây Sơn tại Huế  (27/09/2005)
Lòng cá chẻm  (25/09/2005)
Chuyện bánh trái trong văn học dân gian  (23/09/2005)
Truông Mây: một di tích bị lãng quên  (22/09/2005)