Đối diện về phía nam thị trấn An Khê có một thôn mang tên An Lũy (6). Xưa kia thôn này còn tên là An Khê (còn một thôn nữa là thôn Đồn Bảo). Trong thôn còn di tích của một thành đất cổ.
Trong mục núi sông, khi nói núi Trụ Lĩnh, sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Núi Trụ Lĩnh: ở thôn An Khê, phía tây nam huyện, có tên nữa là núi Phong Sơn, hình thế cao dốc, kéo dài mấy trăm dặm; gần về phía tây có núi Yên Sơn, núi Cắt Sơn, núi Đại Sơn, phía tây bắc có núi Vụ Sơn, phía tây núi Đại Sơn có núi rừng già, trong rừng núi có núi Mô-ô, phía bắc núi là bảo An Khê, ở đây có trường giao dịch. Nguồn gọi là ngườn Phương Kiệu, tức là chỗ khởi binh của Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ… lại có núi Hinh Hốt là chỗ ở của sơn man, núi Chí Công, bốn phía đều rừng già" (7).
Cũng theo sách này thì "Nguồn Thượng Kiệu ở cách huyện Tuy Viễn hơn 150 dặm về phía tây, thủ sở ở địa phận thôn An Khê, trước có trường giao dịch… Thôn An Khê nguyên trước là trại của Tây Sơn, đất đai bằng phẳng, ở phía trên sông Ba mấy dặm đã thuộc sách Man…" (8).
Ở thôn An Lũy còn dấu vết khá rõ của một nguồn sở xưa. Các cụ già trong thôn cho biết xưa kia địa phận của thôn là nơi đặt trạm thu thuế những người qua lại buôn bán. Tiền thuế đó được trích một phần để hàng năm nhân dân trong thôn tổ chức hát bội, gọi là hát cầu huê. Trong những ngày đó, người dân tộc thiểu số ở các miền lân cận đến rất đông. Tục lệ này cho đến trước năm 1945 vẫn còn. Hiện nay, nhân dân vẫn tiến hành tế lễ ở hai nơi "An Khê đình" và "An Khê trường".
Có lẽ "An Khê trường" này là dấu tích của trường sở thu thuế xưa. Cách về phía tây An Khê trường khoảng 300m có một bãi đất cao, khá rộng mang tục danh Gò Chợ.
Như vậy, thôn An Lũy ngày nay là thôn An Khê trước kia. Ở đó có trường giao dịch, có nguồn Phương Kiệu và là nơi nghĩa quân Tây Sơn dấy binh.
Xét về mặt địa thế, thôn An Khê được vây kín ở mặt đông và nam bằng một dải núi cao, trùng điệp kéo dài từ đường 19 ngày nay đến gần sông Ba. Có thể đây chính là dãy Trụ Lĩnh chép trong Đại Nam nhất thống chí. Trong dãy núi này, từ đông sang tây có các hòn núi mang tên hòn Lớn (Đại Sơn), Mò-o (Mô-ô), Hảnh Hốt (Hinh Hốt)… phía tây bắc thôn có hòn Cong (chắc là Chí Công).
Dấu vết thành đất trong thôn còn khá rõ. Theo nhân dân địa phương, cách đây vài chục năm thành đất này còn tương đối nguyên vẹn. Thời Ngô Đình Diệm nhiều đoạn lũy đã được lợi dụng làm hàng rào ấp chiến lược. Những đoạn này được đắp cao thêm, song ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa đất cũ của lũy và lớp đất mới đắp. Những năm gần đây, nhiều người san lũy, làm nhà lên trên, nên nhiều đoạn thành bị phá hoại nghiêm trọng. Một số đoạn chỉ còn nền và có đoạn bị san phẳng.
Tuy nhiên, với những di tích còn lại, vẫn có thể khôi phục được hình dáng của thành.
Thành được xây đắp trên một khu đất bằng phẳng và cao hơn các vùng xung quanh. Thành mở bốn cửa ra bốn hướng đông, tây, bắc, nam.
Cạnh bắc của thành dài 426m. Cửa bắc cách góc tây bắc 66m, được nối với trục đường giao thông chính (nay là quốc lộ 19) bằng một con đường khá lớn, dài 230m. Cửa này hiện nay được dùng làm lối đi vào thôn. Theo các cụ già trước đây cổng xây bằng đá nhưng sau đó dân làng phá đi để lấy đất. Chiều rộng của lối vào hiện nay (khoảng hơn 10m) chắc chắn không phải là kích thước của cổng thành xưa. Dưới nền cổng hiện nay còn nhiều đá tảng, nhiều chỗ đá trồi lên mặt đất.
Về cơ bản, cạnh thành phía bắc, đã bị phá hoại, chỉ để lại dấu vết. Ở khoảng giữa còn một đoạn dài 12m, có chiều cao trung bình 50 - 60 cm là đoạn cao nhất.
Từ góc đông bắc, thành chạy theo hướng bắc - nam một đoạn dài 206m. Đây là đoạn thành trùng với hàng rào ấp chiến lược, nên cấu trúc của lũy còn khá rõ. Chiều cao trung bình của đoạn thành đông này khoảng 1m. Tường thành gồm hai bờ lũy đắp cao và hệ thống rào ở giữa. Bề mặt hiện nay của lũy ngoài rộng 3,5m, lũy trong 3m. Miệng hào rộng 3,5m, đáy hào 2,8m. Như vậy toàn bộ mặt lũy, kể cả phần miệng hào rộng tới 10m. Trên hai mặt lũy có tre già ken dày.
Theo các cụ già trong thôn thì toàn bộ mặt lũy trước kia đều có tre già phủ kín. Cách góc đông bắc thành, ở sát mặt ngoài có một gò đất cao 1,2m, rộng chừng 4-5m.
Đang từ hướng bắc - nam, thành chạy xiên theo hướng đông - đông nam một đoạn 126m. Đoạn này hầu như đã bị san phẳng.
Cạnh phía đông của thành dài 108m, cao khoảng 1m và chiều rộng trung bình của mặt thành khoảng 5m. Cách đầu phía bắc của cạnh này 8m là cửa đông. Góc đông nam thành nằm trên một gò đất có bề mặt rộng khoảng 60m. Trên đó có khá nhiều đá tảng. Mặt gò đã bị bào mòn đi nhiều, hiện nay chỉ cao hơn mặt ruộng 60cm.
Từ đây, đường thành chạy theo hướng đông bắc - tây nam một đoạn 258m, rồi tiếp tục theo hướng chính tây một đoạn 362m, tạo thành mặt phía nam thành. Cửa nam thành cách góc tây nam 200m.
Phần đất ngoài thành phía nam có địa hình thoai thoải, dốc dần về suối Cái (9).
Cạnh thành phía tây đo được 450m. Tổng số những đoạn lũy còn nguyên cấu trúc dài khoảng 108m, cao 1,21m. Cửa tây mở chính giữa, thẳng hướng với "An Khê trường".
Nhìn chung toàn bộ hệ thống lũy ở An Khê đều đắp bằng đất, không thấy dấu vết đá kè, trừ các cổng thành và trên các gò đất, đất đắp mà chưa rõ công dụng. Đất đắp thành được lấy ngay gần đó. Ở phía bắc thành có một cái bầu lớn mang tên "Bàu Đắp". Theo dân địa phương thì sở dĩ có cái tên đó là vì người ta đã đào đất ở đây để đắp thành.
Thành ở An khê với chu vi 1.938m, có thể nói là thành đất khá lớn.
Căn cứ vào những đoạn thành còn lại, ta có thể ước tính khối lượng đất đá dùng để đắp thành khoảng trên dưới 20.000m3.
Thành cấu trúc theo kiểu hình ống với hệ thống hào, lũy và lớp tre gai ken dày là một công trình quân sự kiên cố. Xung quanh thành không thấy dấu vết hào nhưng Bàu Đắp phía bắc, suối Cái phía nam và nhiều khu ruộng trũng quanh thành đã tạo nên một hệ thống "hào" tự nhiên.
Nằm kề đường giao thông bộ, bên cạnh sông Ba, thành An Khê chiếm cứ một vị trí xung yếu. Cách thành chừng 6-7km về phía nam là rừng già, có núi Mô-ô và Kon Krúi. Đó là địa bàn cư trú của người dân tộc thiểu số. Một căn cứ quân sự như vậy vừa thuận tiện khi phòng thủ, vừa lợi hại lúc tiến công.
Hình dáng của thành khá đặc biệt. Thông thường những thành đất truyền thống ở nước ta và quy mô như thành An Khê đều được đắp theo hình vuông hoặc hình chữ nhật. Ở đây thành gần như được đắp bằng một hình chữ nhật với một hình thang nhỏ. Cửa đông trổ ngay tại đáy nhỏ của hình thang.
Điều đáng làm ta phải suy nghĩ ở đây là hai gò đất nhỏ, một nằm trên đoạn thành vuông với cạnh phía bắc và một nằm trên góc đông nam. Xét về mặt địa hình, mặt bắc và mặt đông của thành là những nơi cần được tăng cường phòng thủ. Nó là nơi tiếp giáp với trục đường giao thông chính và là hướng mà quân địch có thể tấn công vào. Hai gò đất này không lớn lắm, và chắc chắn là được đắp cùng với thành. Những khối đá còn lại trên mặt gò chứng tỏ người ta phải lấy đá từ nơi khác đến và nơi đây trước kia đã từng có những hệ thống xây đắp cần dùng đến đá.
Rất có thể đây là những ụ pháo (?). Những ụ pháo được sắp đặt so le với cạnh thành, như vậy sẽ phát huy được lợi thế đến mức tối đa về hướng bắn. Và giữa chúng có thể chi viện đắc lực cho nhau lúc cần thiết.
Bên cạnh những hệ thống phòng thủ bằng hỏa lực mà có lẽ chúng ta chưa biết được đầy đủ, cấu trúc của hệ thống lũy cũng đáng được chú ý.
Cắt ngang một đoạn lũy còn lại, ta thấy lũy được tạo bởi hai lớp tường đất khá dày, khoảng trên dưới 3m mỗi lớp. Chen giữa hai lớp tường đất là một tường hào. Đường hào này vừa là chướng ngại vật chặn kẻ địch bên ngoài vừa là đường vận động thuận lợi của các chiến sĩ bảo vệ thành. Trên mặt thành được trồng tre gai ken dày. Đó là loại hàng rào có tính chất truyền thống của Việt Nam. Với đặc tính ưu việt: thân cứng, rễ bám chắc, nhiều cành, có gai, từ lâu tre đã được sử dụng để rào vườn, rào làng. Dần dần tre được dùng trong các hệ thống phòng thủ quân sự.
Thành An Khê với hai lớp rào tre gai, kẻ địch tấn công từ bên ngoài khó lòng có thể vượt qua. Đứng sát hàng rào tre có thể quan sát rất rõ khu vực thành. Trái lại, từ xa nhìn vào, kẻ địch không thể thấy được những hoạt động của các chiến sĩ trên mặt thành, sau lớp rào tre. Hai lớp rào tre ken dày có thể cản được tên nhọn và thậm chí cả đạn pháo thời kỳ đó.
Tuy nhiên, không thấy có tài liệu thư tịch nào nói về những trận chiền đấu ở đây. Trong ký ức của nhân dân vùng này cũng không thấy nhắc đến chiến sự. Có lẽ quân đội chúa Nguyễn không đủ sức để mở những cuộc hành binh lên đây. Dù vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, thành đất này chắc phải là một căn cứ quân sự quan trọng của nghĩa quân Tây Sơn.
(còn tiếp)
. Theo Địa chí Bình Định
(6) Nay thuộc xã Phú An Cư, thị xã An Khê (Gia Lai). (7) Đại Nam nhất thống chí (bản dịch), tập III, Hà Nội, 1971. tr 18. (8) Đại Nam nhất thống chí, đã dẫn, tr.81. (9) Suối Cái rộng 10m, cách cạnh phía nam thành 150m.
|