Dấu ấn của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn trên vùng Thượng Đạo còn được thể hiện ở tên hai quả núi nằm kề ngay phía bắc Đèo Mang (tức đèo An Khê) - hòn Ông Bình (10) và hòn Ông Nhạc.
Hai quả núi này cách thành đất An Khê không xa, khoảng 8 km theo đường chim bay. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép đến hai quả núi này:
"… Lại ở thôn Định Chiêu về phía tây bắc huyện Tuy Viễn có núi Bình Sơn và Nhạc Sơn, lưng núi đều có đường đi đến An Khê" (11).
Theo nhân dân địa phương thì hai quả núi Bình Sơn và Nhạc Sơn (mà nhân dân quen gọi là hòn Ông Bình và hòn Ông Nhạc) là hai nơi ông đóng quân và luyện tập trước đây.
Hòn Ông Bình là quả núi cao nhất trong hệ thống núi quanh Đèo Mang, cao 793m. Hòn Ông Nhạc nằm chệch về phía tây nam và nhỏ hơn hòn Ông Bình. Hai quả núi này nằm án ngữ phía bắc đèo.
Di tích còn lại ở đây là một hệ thống lũy đất kéo dài từ hòn Ông Bình sang hòn Ông Nhạc. Phần còn lại của lũy khoảng 350 m. Lũy được đắp dựng đứng, với kích thước khá lớn. Chỗ cao nhất là nơi tiếp giáp giữa hai quả núi, khoảng 11 m. Đoạn này mặt lũy rộng tới 6,5 m.
Lũy thấp dần về phía hai sườn núi. Ở những đoạn này, chiều cao phía trong và phía ngoài lũy có sự chênh lệch. Phía trong lũy (phía Xóm Ké) chiều cao trung bình khoảng 1,5 m, trong khi đó phía ngoài tới 3 m. Bề mặt đoạn này không đều, trung bình rộng 2,5-3 m.
Theo nhân dân địa phương, hệ thống lũy đất này trước đây rất dài và bên sườn núi Ông Bình có đồn đất. Thời Ngô Đình Diệm, chính quyền ngụy tiến hành xây dựng căn cứ quân sự trên núi Ông Bình đã cho máy húc lên ủi đất để làm đường. Do đó, nhiều đoạn lũy và có lẽ cả đồn đất trên núi Ông Bình nữa, đều đã bị san phẳng, không còn dấu tích gì.
Chiếm lĩnh vùng núi phía bắc đèo An Khê làm căn cứ đóng quân, các lãnh tụ Tây Sơn tỏ ra có con mắt quân sự rất tinh tường. Đó là một hệ thống núi có vị trí hiểm yếu. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta cũng sử dụng nơi đây làm căn cứ và đã tiêu diệt rất nhiều đoàn xe của địch qua đèo. Năm 1960 khi cho xây dựng đồn bốt, thiết lập căn cứ quân sự trên đỉnh núi Ông Bình, Ngô Đình Diệm đã đích thân tới nơi để kiểm tra, xem xét. Có thể nói đây là điểm cao rất lợi hại, từ đó có khả năng khống chế toàn bộ đèo.
Lợi dụng chỗ gần giáp nhau của hai quả núi để đắp thành, lũy là hiện tượng khá phổ biến trong loại hình kiến trúc quân sự của ta.
Trước đó, trong cuộc kháng chiến chống Minh, để xây dựng căn cứ, Nguyễn Chích đã cho đắp tới năm đoạn thành đất nối liền các nhánh của hai núi Hoàng Sơn và Nghiêu Sơn, vây kín lấy một khu đất rộng 200 mẫu trung bộ (12) tạo thành một tòa thành rất kiên cố.
Sau này, trong phòng tuyến Tam Điệp và tại thành Phượng Hoàng Trung Đô, Quang Trung vẫn tiếp tục cho sử dụng lối kiến trúc này. Làm như vậy đỡ tốn nhiều công sức mà hiệu quả của các công trình do lợi thế về địa hình, được tăng lên gấp bội.
So với hệ thống đất lũy trong căn cứ Hoàng - Nghiêu của Nguyễn Chích và trong phòng tuyến Tam Điệp, lũy đất nối liền hai núi Ông Bình và Ông Nhạc thuộc loại khá lớn. Nơi tiếp giáp hai quả núi là nơi được đắp cao nhất, tới 11 m. Với kích thước đồ sộ như vậy, lũy đất là bức tường khổng lồ khó lòng vượt qua trong điều kiện vũ khí, chiến cụ thời đó. Ở đoạn này, mặt trong và ngoài đều cao xấp xỉ như nhau. Nhưng đi về phía sườn hai núi, lũy đắp thấp dần. Tuy nhiên với 3 m chiều cao ở mặt ngoài những đoạn này vẫn là chướng ngại vật đáng kể với kẻ địch. Nhưng ở phía trong độ cao trung bình chỉ khoảng 1,5 m. Từ chân lũy, đất được đắp thoải dần về phía trong.
Với cấu trúc như vậy người chiến sĩ ở phía trong lũy có thể đứng trong lũy quan sát và chiến đấu thuận lợi. Lúc cần, có thể trèo lên mặt lũy một cách dễ dàng.
Bình thường từ đỉnh đèo men theo sườn núi đi vào, người ta có thể đi qua rãnh trũng nơi tiếp giáp giữa hai quả núi Ông Bình và Ông Nhạc để vào khu vực Xóm Ké (13) một cách dễ dàng. Hệ thống đồn lũy nói trên kết hợp với địa thế thiên nhiên, đã tạo thành phòng tuyến kiên cố bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía đông vùng Tây Sơn Thượng Đạo nói chung và khu vực Xóm Ké nói riêng. Ở đây có một khu đất khá rộng (khoảng một mẫu) mang tên "Gò Kho". Theo nhân dân địa phương, Gò Kho này trước kia là nền kho lương thực và vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn.
Hệ thống lũy còn có thể được sử dụng vào việc huấn luyện quân sĩ và là con đường giao thông thuận tiện giữa hai căn cứ núi Ông Bình và núi Ông Nhạc.
Nghĩa quân Tây Sơn đã tập hợp ở đây để làm lễ xuất quân và từ con đường này, nghĩa quân đã tiến xuống giải phóng đồng bằng. Di tích Cây Cầy (Kơnia) gióng trống, Cây Ké phất cờ trên đèo An Khê cùng những truyền thuyết của nhân dân địa phương đã ghi nhận sự kiện lịch sử đó.
Qua một vài di tích đã kể, chúng ta có thể hình dung được một cách cụ thể hơn về căn cứ Tây Sơn Thượng Đạo của nghĩa quân. Căn cứ đó được bảo vệ bằng một phòng tuyến kiên cố án ngữ mặt phía đông và có một căn cứ hậu thuẫn vững chắc với một công trình thành lũy được xây đắp khá công phu ở thôn An Khê. Cùng với địa thế hiểm yếu của núi rừng Tây Sơn, các hệ thống phòng thủ này đã biến cả vùng Tây Sơn Thượng Đạo thành khu đất cấm đối với quân đội chúa Nguyễn. Có thể nói, trong suốt giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, căn cứ Tây Sơn Thượng Đạo là nơi bất khả xâm phạm.
Những thành lũy của nghĩa quân ở Tây Sơn tuy không đồ sộ, nhưng cũng không phải là nhỏ. Số nhân lực tham gia xây đắp nó chắc chắn không phải là ít. Qua đây ta càng thấy rõ thêm vai trò của nhân dân, đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp vĩ đại của phong trào Tây Sơn.
. Theo Địa chí Bình Định
(10) Một tên khác của Nguyễn Huệ.
(11) Đại Nam nhất thống chí, đã dẫn, tr 18.
(12) Nay là làng Nham Cát, xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
(13) Xóm Ké: tên một thung lũng nằm ngay dưới chân núi Ông Bình và núi Ông Nhạc. Theo hướng tây bắc, từ Xóm Ké có đường đi qua xã Cử An và tới Tú Thủy - nơi có cánh đồng Cô Hầu. |