Khám phá thành Tà Kơn huyền bí
14:10', 21/10/ 2005 (GMT+7)

Từ trung tâm huyện lỵ Vĩnh Thạnh, ngược đèo Vĩnh Sơn, lên trung tâm xã Vĩnh Sơn, rồi đi tiếp dăm cây số nữa, ta đặt chân đến làng K8 (tên cũ là Kon Blò). Rẽ ngang đường rừng, đi bộ thêm chừng 30 phút nữa, ta đến với thành Tà Kơn huyền bí.

                             Thành đá Tà Kơn.

Tà Kơn là một thành đá nằm cheo leo bên một bờ vực sâu, giữa một rừng cây cổ thụ ngút ngàn. Vượt qua những con dốc, những rẫy lúa nương trĩu hạt, những mảnh vườn rừng lác đác điều, ổi… sững sờ trước mắt ta là cả một thành đá cao, dễ đến hơn chục mét, dài hàng trăm mét. Điều đặc biệt nhất là những phiến đá này to ngang mặt bàn, có hình trụ lục lăng, chữ nhật, đều nhau đến đáng ngạc nhiên, tưởng như đã được ai đó gia công đẽo gọt từng phiến một.

Những phiến đá màu trắng đã lám xám rêu, xếp thành bức thành cao, bên dưới là hàng loạt những phiến đá nằm đổ ngổn ngang trên mặt đất. Lại thêm một số khác xếp thành trụ lớn phía ngoài. Tất cả, hòa cùng với gió rừng âm u, vi vút, vừa tạo ấn tượng hoang sơ, vừa hùng vĩ. Thành lại nằm trên một bờ vực, như là dấu tích một hào sâu bảo vệ thành. Thử ngó mắt xuống dưới, lũng sâu che phủ bởi cánh rừng trong sương. Rợn ngợp…

Thám hiểm vẻ huyền bí của thành Tà Kơn, hẳn bạn cũng như tôi, băn khoăn không hiểu đây là một thành tự nhiên, hay là một tạo phẩm của con người? Nhưng dù là tự nhiên hay nhân tạo thì thành đá này cũng là một danh thắng độc đáo, không thể bỏ qua. Nhất là trước đó, trên hành trình từ huyện lỵ Vĩnh Thạnh lên Vĩnh Sơn, ta đã thu lượm được vào tầm mắt khung cảnh ngoạn mục, những triền rừng uốn lượn bên dòng sông Côn, những nét đặc trưng của mảnh đất bazan gờ Trường Sơn Nam này.

Bạn hãy dành thời gian ngồi bên bếp lửa nhà sàn làng K8, lắng nghe những người già kể hơmoan liên quan đến thành Tà Kơn huyền thoại. Nhấp một ngụm rượu cần, tự dưng thấy len lỏi trong lòng mình bao cảm xúc, về cái vĩ đại và bao dung của thiên nhiên, về lẽ tồn sinh của đời người… Mời bạn một lần đến với Tà Kơn.

. Thạch Trung

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Căn cứ Đèo Mang  (21/10/2005)
Thành đất ở thôn An Lũy  (19/10/2005)
Đồn lũy trên đất Tây Sơn  (18/10/2005)
Bàn về "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều đại Tây Sơn  (16/10/2005)
Mắm cua đồng  (14/10/2005)
Võ Bình Định với hát bội Bình Định  (12/10/2005)
Lễ hội cầu mưa của người Chăm Vân Canh  (11/10/2005)
Rượu nếp - Tôm chua - Khổ qua dồi   (09/10/2005)
Vương triều Tây Sơn với Hoàng Sa - Trường Sa  (06/10/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (04/10/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (03/10/2005)
Chiến thuyền thời Tây Sơn  (02/10/2005)
Rong câu và xa xa  (30/09/2005)
Một đạo sắc của năm Cảnh Thịnh thứ hai  (29/09/2005)
Di tích Tây Sơn tại Huế  (27/09/2005)