Đời người thường có những khúc quanh, những bước ngoặt bất ngờ. Một khi bước ngoặt riêng của đời người gắn liền với mạch đập của lịch sử dân tộc thì nó tạo ra sự thay đổi rất căn bản về số phận. Đó là trường hợp Huỳnh Đăng Thơ, một binh sĩ trong hàng ngũ địch trở thành một đảng viên cộng sản mà suốt quá trình hoạt động đã tỏ rõ ý chí trung kiên, bản lĩnh can trường, có cống hiến quan trọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển.
Chào đời năm 1889 tại làng Đại An, tổng Mỹ Đức, phủ An Nhơn - nay thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, Huỳnh Đăng Thơ là con thứ tám trong một gia đình nghèo lại đông con - cha mẹ ông có cả thảy mười lăm người con. Anh thanh niên Huỳnh Đăng Thơ sớm rời quê kiếm sống, rồi đi lính cho Pháp, thành viên đội quản lao tại nhà lao Kon Tum.
Nhà lao Kon Tum (Prison de Kon Tum), nằm phía Tây thị xã Kon Tum, gần tòa làm việc của công sứ Pháp. Lúc đầu, nơi đây chỉ giam giữ những người địa phương bị thực dân Pháp ghép vào tội chống đối hoặc vi phạm "pháp luật" của chúng. Từ cuối năm 1929, Pháp bắt đầu đưa tù chính trị lên giam ở đây. Người đầu tiên là chí sĩ Đồng Sĩ Bình quê ở Thừa Thiên, làm thông phán tòa sứ Quy Nhơn, từng bị bắt năm 1927 và xử tù vì "tội" viết nhiều bài báo công kích chế độ thuộc địa Pháp; năm 1929 ông được tha rồi lại bị bắt lại giam ở lao Thừa Phủ (Huế) rồi đày lên Kon Tum, sau đó đày tiếp lên Đak Sút. Người thứ hai là nhà cách mạng Ngô Đức Đệ, người huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.. Ông là đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng, sau đó là đảng viên Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Sau khi Đảng thành lập (3-2-1930), Đông Dương Cộng sản liên đoàn sáp nhập vào Đảng, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngô Đức Đệ bị Pháp bắt tại bến đò Trai ở Đức Thọ, Hà Tĩnh; đưa về giam ở nhà lao Vinh. Sau khi kết án, tháng 6-1930, chúng đưa ông lên giam ở nhà lao Kon Tum. Từ đó trở đi, sau các đợt khủng bố phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, thực dân Pháp truy lùng bắt bớ các nhà cách mạng yêu nước, các chiến sĩ cộng sản rất ráo riết. Tù nhân chính trị bị đày lên nhà lao Kon Tum ngày thêm đông.
Thực dân Pháp chủ trương nhốt các tù nhân án nặng - trong đó có Ngô Đức Đệ - ở phòng biệt giam, bên cạnh phòng làm việc của quản lao để dễ giám sát. Huỳnh Đăng Thơ, tức Đội Thơ (còn gọi là Đội Phụng) là một quản lao hiền lành, đối xử với tù nhân rất nhân đạo. Thấy sự khảng khái và hòa nhã của những người tù đầy khí phách như chí sĩ Đồng Sĩ Bình hay nhà cách mạng Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ rất mến mộ. Những người tù chính trị, đặc biệt là Ngô Đức Đệ, cũng nhận thấy ở người quản lao này những đức tính tốt và quyết định cảm hóa Đội Thơ. Qua những lần trò chuyện, Ngô Đức Đệ nói thẳng với Đội Thơ rằng mình bị bắt vì hoạt động cộng sản, vì muốn giành độc lập tự do cho đất nước. Được Ngô Đức Đệ tuyên truyền, Đội Thơ nhanh chóng giác ngộ. Tháng 8-1930, qua một thời gian thử thách, Huỳnh Đăng Thơ được gia nhập tổ chức bí mật và một tháng sau, ngày 10-9-1930 ông được tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại một địa điểm trong nhà lao Kon Tum.
Về sự kiện Huỳnh Đăng Thơ vào Đảng, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum tập I (1930-1975) ghi nhận: "Đó cũng là người đảng viên cộng sản đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Kon Tum".
Huỳnh Đăng Thơ có một cộng sự tin cậy là Huỳnh Liễu (cai Liễu), người trực tiếp làm thư ký căn cước cho giám binh. Được Huỳnh Đăng Thơ giới thiệu, cai Liễu trực tiếp gặp các tù cộng sản hỏi chuyện. Dần dà, thấy cai Liễu chân thành, sốt sắng, Ngô Đức Đệ giao việc để thử thách rồi kết nạp ông vào Đảng. Người đảng viên được kết nạp tiếp sau Huỳnh Liễu là Nguyễn Cừ (cai Cừ).
Cuối tháng 9-1930, chi bộ đảng cộng sản trong binh lính, gọi tắt là chi bộ binh được thành lập do ông Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Ngô Đức Đệ và Huỳnh Đăng Thơ là những người có công lập ra tổ chức đảng cộng sản đầu tiên ở Kon Tum, lại là chi bộ giữa hàng ngũ địch. Sự ra đời của chi bộ binh này thể hiện tinh thần cách mạng chủ động, sáng tạo, mở ra một bước phát triển mới ngay trong hoàn cảnh tưởng chừng bế tắc, tạo điều kiện truyền bá lý tưởng của Đảng ngày càng rộng rãi.
Huỳnh Đăng Thơ và các đảng viên trong vỏ cai, đội đã tích cực tạo điều kiện để các tù nhân cộng sản đấu tranh và bày họ cách khai báo đánh lừa để địch không tìm ra chứng cớ buộc tội. Chi bộ đã ngầm giúp 15 tù cộng sản là công nhân đồn điền Bàu Cạn đấu tranh và được trả tự do. Biết có một người tù được giao thắp đèn đường ngoài thị xã sắp hết hạn tù, chi bộ bàn với Huỳnh Đăng Thơ bố trí cho Ngô Đức Đệ thế chân người này. Huỳnh Đăng Thơ ghi tên Ngô Đức Đệ trình Phó sứ Roger và được tên này ký duyệt. Nhờ vậy, Ngô Đức Đệ được ra ngoài thắp đèn, sửa đèn, nhân đó tìm bắt liên lạc với Lê Hữu Thiềm là người được Xứ ủy Trung Kỳ phân công hoạt động ở đây, và nối lại liên lạc với Xứ ủy, với các đồng chí ở tỉnh Bình Định.
Chi bộ binh từ 4 người ban đầu, sang tháng 11-1930 đã có 14 đảng viên, Ngô Đức Đệ bận bịu với công tác phát triển lực lượng, chỉ đạo đấu tranh nên chi bộ bầu Huỳnh Đăng Thơ làm Bí thư. Đầu năm 1931, Ngô Đức Đệ thành lập thêm một chi bộ nữa ở Kon Tum là chi bộ đường phố.
Chi bộ binh đã phối hợp với chi bộ đường phố, làm thẻ căn cước giả cho các đảng viên cộng sản hoạt động hợp pháp. Với nỗ lực của Huỳnh Đăng Thơ và đồng chí của ông, các đường liên lạc với Quy Nhơn, với Xứ ủy Trung Kỳ, với Sài Gòn được thông suốt, giúp các chi bộ hoạt động đơn tuyến tiếp nhận chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng, gắn được với phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi khắp nơi trong nước.
Tháng 3 năm 1931, một cơ sở bị vỡ, làm lộ tung tích Lê Hữu Thiềm. Cuối tháng 3 Lê Hữu Thiềm bị bắt, không chịu nổi đòn roi tra tấn, đã khai báo với địch các đảng viên cấp ủy chi bộ binh. Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ lần lượt bị bắt. Tên quản đạo Tôn Thất Toại và tên Kinh Lịch thâm hiểm tổ chức cuộc đối chất trực tiếp giữa Lê Hữu Thiềm (người khai báo) và Huỳnh Đăng Thơ. Cuộc đối chất trực tiếp thất bại. Địch bèn dùng nhục hình tra tấn đối với Huỳnh Đăng Thơ không từ một hành vi nào. Bị tra tấn dã man, Huỳnh Đăng Thơ vẫn nêu cao dũng khí, trung thành với Đảng, đấu tranh chống tra tấn khai thác bằng một cuộc tuyệt thực 21 ngày đêm. Noi gương người Bí thư chi bộ kiên cường, Huỳnh Liễu cũng tuyệt thực để đấu tranh 18 ngày đêm. Đến lượt Nguyễn Cừ, bọn địch đã chùn tay lại.
Về việc này, ông Ngô Đức Đệ ghi lại: "Trong khi địch bắt, đồng chí Thơ đã nêu cao dũng khí cách mạng kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu khai thác của địch, bằng một cuộc tuyệt thực 21 ngày ròng rã, làm tròn nhiệm vụ dập tắt các đầu mối, bảo toàn số đảng viên còn lại trong Chi bộ...".
Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ, các đảng viên đã vận động gây dư luận chống bắt người vô cớ trong nhân dân, trong gia đình binh lính, và cả đối với vợ con của quản đạo Tôn Thất Toại, vợ con Kinh Lịch. Trước dư luận mạnh mẽ, sợ quần chúng nổi lên đấu tranh, địch phải đưa ông Huỳnh Đăng Thơ vào nhà thương Kon Tum điều trị. Dù không tìm ra chứng cứ, thực dân Pháp vẫn kết án mỗi đồng chí ba năm tù, với tội danh "tình nghi cộng sản". Sau khi đưa ba ông Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ lên giam ở nhà đày Buôn Ma Thuột (tháng 7-1931), địch chuyển ông Ngô Đức Đệ từ lao trong ra giam lao ngoài. Hầu hết số lính gác nhà lao bị đổi đi. Hoạt động của chi bộ binh rất khó khăn, dần dần tan rã.
Tại nhà lao Buôn Mê Thuộc, Huỳnh Đăng Thơ được Phan Đăng Lưu, một đảng viên cộng sản ưu tú dìu dắt, giúp đỡ và giao nhiệm vụ tiếp tục hoạt động cho Đảng. Cuối năm 1934, Huỳnh Đăng Thơ mãn hạn tù. Địch đưa ông về làng Đại An, xã Nhơn Mỹ, quận An Nhơn để quản thúc.
Trở lại quê xưa, biết mình đang ở trong tầm "quan sát" của địch, người cộng sản Huỳnh Đăng Thơ không hề nhụt chí; ngược lại ông còn vận dụng bài học tiếp thu được từ những người tù chính trị năm nào: Biến cái rủi thành cái may, tranh thủ mọi thời cơ hoạt động. Với nghề bốc thuốc nam học trong tù, ông đi lại chữa bệnh trong dân dưới lớp áo một thầy lang vườn, vừa trị thân bệnh vừa dò tâm bệnh.
Thật vậy, tâm bệnh của thời ông sống là nỗi đau mất nước, bị đè nén bóc lột bất công, người người âm ỉ trong tim một ngọn lửa bất bình. Đi đến đâu, ông cũng tìm cách tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp quần chúng. Cuối năm 1935, ông đã tìm cách móc nối, liên hệ được với Huỳnh Liễu đang bị địch quản thúc ở La Hai (Phú Yên). Hai ông đã giới thiệu và kết nạp ông Lê Trương (An Vinh, Bình An, Bình Khê) và Huỳnh Đăng Chi vào Đảng, thành lập một tổ Đảng trực thuộc chi bộ La Hai. Sau đó, theo lời nhắn của ông, Huỳnh Liễu đã ra Đại An với tư cách đại diện chi bộ La Hai, xây dựng tổ chức, kết nạp thêm 4 đảng viên mới.
Khoảng thời gian 1935-1936, với sự tuyên truyền, vận động tích cực của Huỳnh Đăng Thơ và các đảng viên mới, ở Đại An, Đại Bình (Nhơn Mỹ), An Vinh, Thủ Thiện, Lai Nghi (Bình Khê) ngày càng nhiều thanh niên tiến bộ giác ngộ cách mạng. Thực dân và tay sai ngày càng lộ rõ bản chất thối nát, chúng ráo riết truy lùng bắt bớ các chiến sĩ cách mạng, thẳng tay đàn áp nhân dân không chút kiêng dè. Phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng cao. Nhận định tình hình đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng ở địa phương để lãnh đạo, Huỳnh Đăng Thơ đi đến một quyết định quan trọng: thành lập chi bộ Đảng tại quê nhà.
Đêm 20-10-1936, với sự có mặt của bảy đảng viên tại Hòn Chùa trên đỉnh đồi Đại An, Huỳnh Đăng Thơ đã tuyên bố thành lập chi bộ đảng lấy tên là Chi bộ Hồng Lĩnh. Bí thư chi bộ là Nguyễn Mân.
Tháng 4-1937, trong một cuộc họp ở Huế, nghe ông Huỳnh Đăng Thơ báo cáo, Xứ ủy lâm thời Trung kỳ đã chính thức công nhận Chi bộ Hồng Lĩnh, giao cho Chi bộ trách nhiệm khôi phục và xây dựng phong trào ở Bình Định.
Trong thời kỳ này, trên khắp địa phương của tỉnh phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân phát triển ngày càng sâu rộng. Đảng viên Chi bộ Hồng Lĩnh chủ trương phát triển mạnh các tổ chức quần chúng như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ. Chi bộ cũng đã giác ngộ và phát triển thêm một số đảng viên mới trong đội ngũ công nhân các xưởng dệt thủ công của người Hoa và nhà máy dệt Deliqnon. Đồng thời lãnh đạo quần chúng tiến hành nhiều hoạt động dưới các hình thức hợp pháp.
Đến năm 1938 ở Bình Định thành lập thêm chi bộ Quy Nhơn, song chi bộ Hồng Lĩnh vẫn là lực lượng nòng cốt. Số đảng viên của Đảng bộ Hồng Lĩnh đến cuối năm 1938 có 32 đảng viên với 5 tổ đảng khu vực, tiện cho sinh hoạt và vận động quần chúng, lãnh đạo phong trào. Các tổ chức thời kỳ này phát triển khá rầm rộ, số hội viên ở An Nhơn, Bình Khê, nam Phù Cát đã phát triển lên tới 30 tổ với 500 hội viên, đảng viên. Trong vòng hơn 2 năm chi bộ Hồng Lĩnh đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng.
Với thành phần đảng viên là người các huyện An Nhơn, Bình Khê, nam Phù Cát và địa bàn hoạt động tương đối rộng, Chi bộ Hồng Lĩnh thực chất là một Đảng bộ liên huyện ở khu vực phía nam tỉnh Bình Định. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định ghi nhận: "Sự ra đời và những hoạt động phong phú của Đảng bộ Hồng Lĩnh là một đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng Bình Định trong những năm 1936-1939".
Năm 1939, tình hình chuyển biến phức tạp. Lợi dụng tình hình nước Pháp bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật xâm lược Đông Dương. Nhân dân ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Pháp - Nhật bắt tay khủng bố và đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng Việt Nam. Ở Bình Định, các chi bộ đảng bị tổn thất nặng nề, nhiều đảng viên Chi bộ Hồng Lĩnh bị địch bắt. Để bảo toàn lực lượng, một số người phải chuyển vùng hoạt động. Trước yêu cầu mới, Huỳnh Đăng Thơ chuyển ra Hoài Ân xây dựng lực lượng và lãnh đạo cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong cách mạng tháng Tám 1945, ông được cử giữ chức vụ Chủ tịch UBND Cách mạng Lâm thời huyện Hoài Ân. Từ năm 1950, ông là Chủ tịch Liên Việt tỉnh Bình Định, Ủy viên khu ủy khu V, kiêm Bí thư hội Phụ lão khu V.
Năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, Huỳnh Đăng Thơ tập kết ra Bắc, công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch, làm nhiệm vụ giữ con dấu và chữ ký khắc mộc của Hồ Chủ tịch cho đến khi nghỉ hưu. Những năm tháng làm việc ở Văn phòng Phủ Chủ tịch, ông luôn nêu cao tinh thần trung thành, cẩn trọng, tận tụy với nhiệm vụ được giao, được Hồ Chủ tịch tin cậy và yêu mến.
Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Sau một chặng đường dài không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do, người chiến sĩ cộng sản Huỳnh Đăng Thơ trở lại quê hương. Kỷ vật quý giá nhất trong hành trang hồi hương của ông là chiếc áo lạnh mùa đông do Bác Hồ tặng. Chiếc áo này gia đình ông đã chuyển cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lưu giữ.
Năm 1982 ông qua đời tại Quy Nhơn, thọ 93 tuổi.
Trong những phần thưởng cao quý Đảng và Nhà nước tặng cho ông, có thể kể: Huân chương chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhì (truy tặng).
* *
*
Con đường cách mạng mà Huỳnh Đăng Thơ trải qua rất đặc biệt, ngay từ bước khởi đầu. Hẳn người thanh niên Huỳnh Đăng Thơ đã có những đêm thức trắng trước khi lựa chọn một lối rẽ quyết liệt, hiến dâng trái tim và sinh mệnh của mình cho Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản. Điều đó đã được xác tín không chỉ một lần: trong giây phút ông tuyên thệ trở thành đảng viên cộng sản; trong những ngày sẵn sàng đón nhận cái chết để bảo vệ bí mật Đảng, bảo vệ đồng chí, bảo vệ phong trào cách mạng; trong những năm tháng lưu đày khổ ải; trong chuỗi ngày bị quản thúc vẫn tìm cách nhen nhóm, gầy dựng lực lượng, phát triển phong trào; trong những ngày tháng phơi phới hào hùng ở căn cứ địa Hoài Ân hoạch định kế hoạch khởi nghĩa; trong hơn hai mươi mốt năm tập kết xa quê; trong những ngày cuối đời toại nguyện mừng đất nước hòa bình độc lập.
Theo dòng thời gian và sự kiện, ta có thể hình dung những chặng đời hoạt động đầy gian khổ nhưng rất mực vinh quang của MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN. Song ta vẫn muốn biết ông đã quan niệm thế nào về lẽ sống. Thì đây, những bài ca cách mạng thời kỳ 1936-1939 mà ông chép lại và con trai ông (ông Huỳnh Đăng Én) trân trọng giữ gìn, có thể hé mở cho ta thấy một cõi lòng:
Cũng nhà cũng nước cũng giang san
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời
Nghĩ lắm lúc đang cười hóa khóc
Muốn ra tay ngang dọc, dọc ngang
Vạch trời, một tiếng thét vang
Cho thân hòa với giang san nước nhà
...
Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ
Trông non sông lã chã dòng châu
Một mình phòng vắng canh thâu
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.
(Cũng nhà cũng nước...)
Sống tưởng công danh, không tưởng nước
Sống lo phú quý, chẳng lo đời
Sống làm trâu ngựa đừng nên sống
Sống dại sống chi, đứng chật trời!
(Sống dại sống chi)
Dậy dậy những người nô lệ!
Dậy dậy những kẻ bần hàn!
Công lý nay đã rõ ràng
Ta nên đứng dậy một phen tranh hùng
Quyết đánh đổ cái vòng áp bức
Xã hội xưa ra sức phá tan
Lập thành Xô viết liên bang
Loài người thảy được leo thang đại đồng
Không có kẻ chủ ông đầy tớ
Không có người đói khó khóc than
Công nông sung sướng muôn ngàn
Anh em binh lính hoàn toàn tự do
Mau mau đứng dậy mà lo!
Đó là chất lửa của một tấm lòng đầy nhiệt huyết với non sông!
. Trần Thị Huyền Trang
|