Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương
15:45', 24/10/ 2005 (GMT+7)

Cuối thế kỷ XIX ở Bình Định xuất hiện hai con người học rộng tài cao tính khí khác thường. Dân trong vùng gọi họ là "Bình Định song cuồng".

Một là Phạm Trường Phát, ở huyện Phù Cát, rất hay chữ, đi thi lần nào cũng dùng khăn nhiễu đượn (mỗi đượn là 10 thước mộc, khoảng 4 mét), ràng buộc kín cả đầu lẫn cổ. Có người hỏi:

- Vì sao làm thế?

Ông trả lời:

- Sợ nhỡ bị nổ óc, chữ nghĩa văng hết vào quan trường.

Người thứ hai là Nguyễn Bá Huân, tự Ôn Thanh, hiệu Mộ Chân sơn nhân, sau lấy tên hiệu nữa là Ái Cúc ẩn sĩ. Người làng Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn.

So với Phạm Trường Phát thì Nguyễn Bá Huân chẳng những hơn hẳn về văn tài mà còn vượt cấp về tính cao ngạo. Ông sinh năm Quý Sửu (1853) triều Tự Đức, là con trưởng cụ Tú Nguyễn Khuê, một vị thầy đồ đức độ, tiết tháo, đào tạo nhiều thế hệ học trò làm nên danh phận. Nguyễn Bá Huân vừa thụ hưởng được cái chất tiết tháo từ cha truyền dạy, lại vừa "thông minh vốn sẵn tính trời" nên ông chắt lọc, lĩnh hội cái tinh túy của đạo nghĩa thánh hiền. Cả ba người em ông là Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Thúc Mân, Nguyễn Quý Luân cũng đều có tài văn chương nên mặc nhiên quyện thành không khí gia đình thi phú nức tiếng xa gần. Chính vì thế mà bạn bè ai cũng kỳ vọng rằng ông sẽ thong dong trên con đường công danh, khoa cử.

Thế nhưng sự thể ngược lại. Nguyễn Bá Huân thi đâu trượt đấy. Năm ấy, khoa Bính Tý (1876) Bá Huân đến trường thi lần thứ 4. Người ta đi thi thì lều chõng cồng kềnh, còn ông đi thi rất chi gọn nhẹ, chỉ mang theo một bầu rượu đầy, bài làm đến đâu rót rượu tự thưởng tài mình đến đó. Bài làm xong tự khuyên kín giấy và say mềm, nằm lăn ra ngủ tại chỗ, thế có sướng không chứ! Mãi đến khi anh lính lệ gác trường thi đến vỗ vai đánh thức:

- Ê! Dậy đi về chớ...

Tỉnh giấc, thấy vắng người, ông hỏi tỉnh bơ:

- Thi xong cả rồi à?

- Hình như chỉ còn mỗi mình ông chưa xong? Anh lính lệ hỏi lại.

- Không, không... tôi làm bài xong từ sớm cơ...

- Nhưng chưa thấy nộp?

- Nộp cho ai?

Còn sót ít rượu trong bầu ông rót mời anh lính lệ vài ly, rồi bật cười, một giọng cười trong trẻo, sảng khoái, giọng cười kép mặt trắng của hát bội Bình Định, ung dung xách gói ra về...

Nguyễn Bá Huân có người bạn văn là Nguyễn Đôn Phục, người làng Phương Danh, huyện An Nhơn. Khoa ấy Đôn Phục đậu cử nhân, được bổ đi làm tri huyện Bình Khê, Bá Huân chép miệng than:

- Tài như thế ấy mà mang vào cửa quan trong lúc này thì rõ là phí phạm!

Phải nhận rằng cặp mắt xanh của Bá Huân nhìn nhận về nhân tài rất chính xác, chỉ mỗi chuyện này cũng đủ chứng minh điều đó.

Chẳng là, sau khi tựu nhiệm ngồi ghế tri huyện chừng mươi hôm thì Đôn Phục nhớ bạn, bèn sai người đem phương tiện đi mời Bá Huân và một vài ông bạn văn khác đến Bình Khê chơi. Chủ khách gặp nhau tay bắt mắt mừng, Đôn Phục bảo người nhà thịt một chú gà cồ làm gỏi nhắm rượu. Một ông bạn đề xướng:

- Vậy thì trước khi hạ sát, ta phải lên án hắn chứ!

Mọi người đồng tình và đều cầm bút làm bài hịch lên án chú gà cồ. Hịch của Bá Huân xong trước, xin được đọc:

"Tính ưa bôi mặt

Sao chẳng biết thân

Thoát Mạnh Thường tài gã thấy đâu, chẳng qua là mơ hồ tiếng khách nhân, nghìn thuở cũng khoe khoang công cứu nạn;

Khuôn Đường thất mặt ngươi sao vắng, để đến nỗi lẫy lừng hơi Võ Thị, bấy nhiêu niên inh ỏi giọng thư thần.

Đức nghiệp gì đầu đội văn quan, trau chuốt hổ rầu cho phấn nước;

Tài cán mấy chân đeo võ cự, lăm le bươi chải nát nhà dân.

Trời tạnh sáng chưa kêu, công báo hiểm chưa xong một nỗi;

Mổng cối xay ăn quẩn, tội xé phay đã đáng mười phân."

Nghe xong, các bạn đồng hành đều dừng bút không viết tiếp bài mình. Riêng Đôn Phục thì cười xòa:

- Văn chương như thế quả đáng kính nể, nhưng án kết không chặt. Tội trạng mà anh Bá Huân đã nêu về mặt luật pháp chưa đủ điều kiện để phạt vi cảnh nói chi đến tội tử hình...

- Vậy thì anh Đôn Phục luận tội! - Các ông bạn đồng thanh.

Đôn Phục xuống bút:

"Mái chẳng chịu cũng lên lưng, coi sức nó đã ngang quá ghẹ;

Con có kêu thời mặc cẳng, sá chi mày mới ló đuôi tôm."

Một ông bạn thốt lên:

- Đáng tội! Đáng tội! Tội cưỡng dâm, hiếp cô, đáng chết...

Bá Huân cười:

- Ngòi bút lông của anh Đôn Phục cứng và bén hơn kiếm thép.

Thực ra thì, tội cưỡng dâm, hiếp cô, cũng chỉ đến mức bị phạt giam là cùng chứ chưa phải là tội chết. Nhưng ở nhà bếp chú gà cồ đã bị xé phay từ lúc các nhà văn vừa cầm bút. Có lẽ chú biết là để thết các nhà văn nên không khiếu nại.

Ít lâu sau Đôn Phục bị cách chức do viên Tổng đốc Bình Định hồi ấy ganh tài. Nhiều người nuối tiếc, riêng Nguyễn Bá Huân thì rằng:

- Tôi mừng ông bạn từ nay hết bị cân đai trói buộc. Nói cho đúng hơn là, bởi anh có chức nên mới bị người ta cách, chứ như tôi đây đố ai làm được việc đó. Bất giác ông cất giọng ngâm hai câu văn trong bài phú Bằng hữu kim ký của Đôn Phục:

Ai chưa nhắm mắt về cùng chín đất mười trời;

Thời phải cắn răng chịu với năm cha bảy mẹ

Dứt hơi, ông nốc cạn ly rượu rồi ngâm tiếp:

Tiền ngàn tới tỉnh khom lưng cóc;

Phẩm chín về làng hỉnh mũi trâu.

Đây vốn là câu đối của chính ông, nó được hình thành trong bối cảnh như thế này:

Thời ấy, cái thời mua danh bán tước, bá hộ là một hư hàm, kẻ có tiền, dù là kẻ bất lương, đem nộp cho quan tỉnh cỡ một ngàn quan tiền thì được tỉnh đường trình lên Bộ, xin bán cho tước "cửu phẩm bá hộ". Mua được tước kèm theo áo mão được gọi là "vua ban". Loại mão lễ sinh, áo rộng màu chàm, phía trước phía sau có thêu hình con trâu. Cho nên vế đối "chín phẩm về làng hỉnh mũi trâu" là có nguồn gốc như vậy.

Năm ấy làng Vân Sơn (quê Bá Huân) có ông Bùi Huệ, mua được "cửu phẩm bá hộ", cố nhiên ông Huệ là tay nhà giàu, rất giàu là khác, cũng là người ít nhiều có văn hóa, ông ta tổ chức tiệc mừng rước bằng sắc "cửu phẩm bá hộ" khá xôm trò, bò heo thịt cả chục, hát bội ba bốn ngày, mời quan khách khá đông. Để tương xứng với khả năng vật chất bỏ ra, cần phải chưng diện mảng văn chương cho lóa mắt. Theo ông Huệ, người xưa bảo "văn chất bân bân nhiêu hậu quân tử", nghĩa là đã gọi là bậc quân tử thời phải cân bằng giữa văn với chất.

Thế là ông đích thân đem lễ vật đến nhà Nguyễn Bá Huân mời dự tiệc và xin câu đối. Cái đáng gọi bá hộ Huệ là người ít nhiều có văn hóa ở chỗ ông ta biết rằng trong đại lễ này nếu có văn tài của Bá Huân góp vào mới trở nên sang trọng, bằng không sẽ hóa ra tầm thường, tiệc mừng chẳng qua là những cỗ thịt nhốn nháo.

Ban đầu Bá Huân từ chối:

- Về tình riêng, tôi mến anh như anh đã biết. Nhưng về văn chương thì xin thú thật tôi không thể làm anh hài lòng được đâu, tốt nhất là...

- Thưa! Miễn được anh cho chữ là tôi hài lòng rồi, dù rằng chữ nghĩa của anh có chửi tôi cũng được - Bùi Huệ ngắt lời bằng giọng tha thiết.

Vậy là câu đối vịnh Bá Hộ mà ông Huân vừa ngâm trên kia được viết bằng chữ Nôm trên một tấm trướng bằng lụa tơ tằm do thợ An Nhơn dệt, treo chính giữa đại sảnh.

Mọi người bàn tán: "Rằng hay thì thiệt là hay, thiên hộ, bá hộ, mua chi phí tiền". Từ ấy về sau ở Bình Định, tuy vẫn nhiều nhà giàu nhưng mặt hàng bá hộ ít ai mua sắm, tỉnh đường bị thất thu khoản này khá lớn mà không có cách nào chống thất thu. Âu cũng là tác dụng nghệ thuật của câu đối Nguyễn Bá Huân.

Sau này bá hộ Huệ bị tổng đốc Nguyễn Thân bức tử chỉ vì nhằm chiếm đoạt món đồ cổ quý hiếm. Nguyễn Bá Huân nghe tin rất xót xa, tuy không là tri âm tri kỷ nhưng là tình đồng hương, lại cũng từng cùng nhau tâm đắc đôi điều cốt lõi của trò đời.

(còn tiếp)

. Theo Liệt truyện kẻ sĩ đất thang mộc của Vũ Ngọc Liễn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huỳnh Đăng Thơ (1889-1982)   (23/10/2005)
Khám phá thành Tà Kơn huyền bí  (21/10/2005)
Căn cứ Đèo Mang  (21/10/2005)
Thành đất ở thôn An Lũy  (19/10/2005)
Đồn lũy trên đất Tây Sơn  (18/10/2005)
Bàn về "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều đại Tây Sơn  (16/10/2005)
Mắm cua đồng  (14/10/2005)
Võ Bình Định với hát bội Bình Định  (12/10/2005)
Lễ hội cầu mưa của người Chăm Vân Canh  (11/10/2005)
Rượu nếp - Tôm chua - Khổ qua dồi   (09/10/2005)
Vương triều Tây Sơn với Hoàng Sa - Trường Sa  (06/10/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (04/10/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (03/10/2005)
Chiến thuyền thời Tây Sơn  (02/10/2005)
Rong câu và xa xa  (30/09/2005)