Trong những văn kiện của triều đại Tây Sơn, có một văn kiện còn ít người biết, đó là bài hịch của vua Quang Trung gửi cho quan, quân và dân chúng hai phủ Quy Nhơn (tức toàn tỉnh Bình Định ngày nay) và Quảng Ngãi.
Sở dĩ ít người biết có lẽ vì văn bản gốc không còn, bản lưu hành hiện nay là bản dịch của Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng dịch từ bản dịch bằng tiếng Pháp của giáo sư De la Bissachere, xuất bản năm 1812.
Mở đầu hịch viết:
"Tất cả các ngươi, lớn nhỏ, từ hơn hai chục năm nay đều luôn luôn chịu ân đức của nhà Tây Sơn ta. Sự thật trong mấy chục năm qua Trẫm đã chiến thắng khắp cả trong Nam ngoài Bắc, Trẫm nhận rằng có được những chiến thắng ấy chính là nhờ có sự phù trợ hết lòng của nhân dân hai phủ. Hai phủ cũng đã tiến cử lên Trẫm nhiều người trung dũng, hiền tài để giúp rập triều đình, Trẫm đem quân tới đâu quân thù đều phải thất bại hoặc tan rã. Trẫm mở rộng chiến trận tới đâu quân Xiêm và quân Thanh tàn bạo đều phải khuất phục".
Đánh giá vai trò lịch sử của nhân dân hai phủ Quy Nhơn và Quãng Ngãi, nhà vua chỉ gói ghém trong mấy dòng mà vừa cụ thể, vừa công bằng. Nhưng công bằng lịch sử không có nghĩa là chỉ khẳng định cái tích cực, xuê xoa cái tiêu cực. Chúng ta hãy nghe nhà vua thẳng thắn nói về cái tiêu cực của quan, quân hai phủ:
"Còn bọn du đãng bỉ ổi của cựu triều (chỉ tập đoàn chúa Nguyễn) thì từ hơn ba chục năm nay Trẫm chưa từng thấy chúng làm nổi trò trống gì. Trẫm đã đánh chúng hằng trăm trận, sĩ tốt của chúng phải tan tác, tướng lĩnh của chúng phải bỏ mạng, xương tàn của chúng tràn đầy đất Gia Định. Những điều Trẫm nói đây các ngươi cũng đã từng nghe thấy. Như tên Chủng (tên cúng cơm của Gia Long) đê hèn kia đã phải lẩn trốn sang những nước tầm thường ở phương Tây (đúng ra là phía tây) thì có gì là đáng kể…, nay dám ngóc đầu dậy mộ binh, tại sao các người sợ hãi chúng như vậy? Tại sao tinh thần các người khiếp đảm đến thế? Quân thủy bộ của chúng tới đánh chiếm các hải cảng của các người như thế nào, các người không cảnh giác như thế nào, hoàng đại huynh đã có thư cho Trẫm rõ tất cả rồi. Trẫm thấy sở dĩ chúng đánh chiếm được đất và giữ được đất của các người cho đến ngày nay, không phải vì chúng tài giỏi gì mà chính là vì quan, quân và dân chúng hai phủ đã không dám đánh nhau với chúng. Bộ binh của các ngươi đã hèn nhát bỏ trốn".
Sự thật lịch sử là vậy đấy. Lợi dụng tình hình đại binh của Quang Trung đang bận chân ở mặt trận phía Bắc chống quân Thanh thì ở phía Nam, Nguyễn Ánh dấy binh gây hấn, tạo nên cục diện lưỡng đầu thọ địch. Vùng đất đai rộng lớn do vua Thái Đức kiểm soát không giữ được, bị mất dần. Tình thế bức bách đến mức vua anh phải viết thư cần viện vua em.
Vừa dẹp yên giặc Mãn Thanh, chiến bào chưa kịp cởi, chiến mã còn nguyên cương, vua Quang Trung đã phải lo toan việc cử binh vào giúp vua Thái Đức. Cứ như tinh thần lời hịch thì việc chuẩn bị đã đâu vào đấy rồi. Hịch viết:
"Bây giờ theo lệnh hoàng đại huynh, Trẫm sẽ thân chinh cầm đại quân theo hai đường thủy bộ vào dẹp giặc. Trẫm sẽ đập tan bọn giặc cựu Nguyễn dễ dàng như đập tan một cành củi khô, một thanh gỗ mục. Còn nhân dân hai phủ, các ngươi đừng lo âu, đừng sợ giặc, các ngươi hãy để mắt nhìn, để tai nghe, xem Trẫm sẽ làm gì. Các người sẽ thấy rằng Trẫm chỉ đánh một trận là Bình Khang, Nha Trang những mảnh xương tài của cái thây ma Gia Định cũng như Phú Yên đã từng là trung tâm chiến trường và suốt một dải từ Bình Thuận vào tới Chân Lạp sẽ tức khắc được thu phục. Như thế để ai nấy hiểu rõ ràng Trẫm và hoàng đại huynh là hai anh em ruột, là cùng chung một dòng máu, Trẫm không bao giờ quên điều đó".
Qua đoạn văn trên, lời lời chắc nịch, ý chí đanh thép, từ ngữ không đánh bóng mạ kền, diễn đạt thật sát bờ sát góc, cho chúng ta thấy: dù rằng giữa vua anh và vua em đối với cục diện chính trị thời bấy giờ có những điểm bất đồng chính kiến, có lúc khá gay gắt, mấu chốt của sự bất đồng ở chỗ: Nguyễn Huệ có xu hướng thúc đẩy lịch sử tiến lên, Nguyễn Nhạc thì muốn khoanh vùng cứ địa "tọa hưởng kỳ thành". Song không vì thế mà Nguyễn Huệ có dạ bất kính. Mệnh lệnh nào của hoàng đại huynh phù hợp với xu hướng phát triển lịch sử thì Nguyễn Huệ đều chấp hành. Trong hịch có đoạn nói: "Trẫm và hoàng đại huynh là hai anh em ruột, là cùng chung một dòng máu, Trẫm không bao giờ quên điều đó" nhấn mạnh điều này, phải chăng Nguyễn Huệ có ý xua tan nỗi ngờ vực trong dân chúng lúc bấy giờ đối với sự kiện bất đồng chính kiến giữa hai người (?)
Rất tiếc, chúng không làm sao biết được cụ thể bức thư cầu viện của vua Thái Đức, nhưng buộc phải cầu viện chứng tỏ thế và lực yếu kém quá thể. Còn Quang Trung Nguyễn Huệ thì coi khinh tàn quân cựu Nguyễn, xem thường thế lực tây dương. Lịch sử đã trôi qua trên hai trăm năm rồi mà khí phách ấy như còn sang sảng bên tai, hịch viết:
"Trẫm kêu gọi nhân dân lớn nhỏ hai phủ hãy ủng hộ hoàng gia, trung thành với hoàng đại huynh, chờ đợi quân ta vào quét sạch miền Gia Định thu lại đất về ta. Tiếng thơm hai phủ các ngươi sẽ mãi mãi lưu truyền sử sách. Các ngươi chớ quá nhẹ dạ cả nghe những lời phao đồn về người tây phương. Tài giỏi gì hạng người đó? Mắt chúng xanh là mắt rắn xanh, chúng chỉ là những xác chết trôi từ biển bắc giạt về đây, các ngươi nên hiểu như thế. Những tàu bằng đồng, những khinh khí cầu của chúng thì có gì là kỳ lạ mà phải đệ trình Trẫm biết".
Cuối cùng nhà vua yêu cầu nhân dân hai phủ:
"Để cho đại quân của ta tiến vào được dễ dàng, các xã hai phủ ở dọc bên đường hành quân hãy kịp sửa sang cầu cống. Lệnh này truyền tới nhân dân hãy vâng theo ý Trẫm".
Oái oăm thay! Bài hịch vừa ban bố ngày mồng 10 tháng 7 năm Quang Trung thứ năm, tức ngày 27 tháng 8 năm 1792 thì ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, tức ngày 15 tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung băng hà. Nghĩa là kể từ ngày ban bố hịch đến ngày qua đời không qua hai mươi hôm. Thế là cuộc hành quân của vua Quang Trung tiến về phía Nam đành bỏ dở. Nhà Tây Sơn cũng từ đó lâm vào cảnh tương tàn, rồi lụi tàn… Non sông nước Việt ngậm ngùi nuối tiếc đấng anh hùng.
Chính kiến của vua Quang Trung chẳng những đã rất đúng với thời cuộc lúc ấy mà mãi đến tận bây giờ càng ngẫm càng thấy đúng. Và dường như trong cuộc đời Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ có mỗi lần này, dù cho bà Ngọc Hân có thanh minh rằng do "nắng hạ mưa thu trái tiết" thì ông cũng đáng phải cáo lỗi thất hứa với dân tộc với non sông.
|