Trần Thị Kỷ - ngọn lửa bất diệt (1947-1966)
10:30', 30/10/ 2005 (GMT+7)

Ở thôn Tân Đức, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn có một gia đình nông dân nghèo. Chồng là Trần Cừ, đảng viên trong kháng chiến chống Pháp, vợ là Nguyễn Thị Quýt, một cơ sở cách mạng trung kiên. Trần Thị Kỷ là con gái thứ tư của họ, chào đời năm 1947.

Nhà nghèo, con đông, Trần Thị Kỷ sớm biết thế nào là cuộc sống thiếu thốn khó khăn. Còn lại trong ký ức người làng hình ảnh một bé gái thương mẹ, chăm làm, hết bế em thì thả bò, chằm nón. Không ai ngờ cô bé dịu hiền tần tảo ấy sau này lại là một nữ anh hùng, sa vào tay giặc vẫn can trường chấp nhận hy sinh để bảo vệ đồng chí, đồng đội. 

Năm hiệp định Giơnevơ được ký kết thì Kỷ lên bảy. Phần lớn cán bộ, bộ đội tập kết ra Bắc. Ở miền Nam, Mỹ Diệm ráo riết đàn áp những người kháng chiến cũ. Ông Cừ bà Quýt và những người từng tham gia cách mạng thời chống Pháp không được sống yên. Cảnh bắt bớ, giam cầm, đánh đập dã man diễn ra như cơm bữa. Những ngón đòn tàn khốc của giặc trút xuống các gia đình cách mạng đã khiến dân làng Tân Đức thấy rõ hơn chân tướng kẻ thù, lòng căm thù càng cố nén lại càng nóng bỏng. Từ tấm bé, trái tim nhạy cảm của Kỷ đã bắt được những nhịp đập của cuộc sống đầy biến cố thông qua thực tế lịch sử và số phận của người thân, của đồng bào.

Như mạch nước ngầm trong lòng đất, cách mạng đã trở về gây dựng cơ sở ở các xóm làng. Bọn ác ôn bị trừng trị. Chiến dịch đồng khởi cuối năm 1964 đã thổi vào thôn Tân Đức bé nhỏ không khí hừng hực của đêm trước khởi nghĩa.

Đầu năm 1965, Nhơn Mỹ và các xã lân cận giải phóng. Thấy anh trai là Trần Văn Trà vào du kích, Kỷ cũng xin đi, nhưng cha mẹ không thuận. Ông Cừ, cha Kỷ bảo: "Con không bì với anh con được. Con phận gái yếu đuối, chỉ làm vướng chân người khác. Lỡ ra bị giặc bắt, không chịu nổi cực hình, khai báo lung tung thì tổn thất cho cách mạng, mang nhục với làng nước". Kỷ khóc: "Xin cha mẹ chứng cho: Con thề dù chết quyết không để tiếng nhơ, không làm hại cách mạng!". Ông Cừ đành thở dài cho đi.

Giặc ráo riết càn quét lấn chiếm vùng giải phóng. Những cuộc càn lớn của giặc bị du kích địa phương đánh bật, nhưng về phía ta cũng không ít thương vong. Thương binh chuyển về Tân Đức ngày một nhiều, cần có người biết chăm sóc chữa trị. Trước yêu cầu cấp thiết của tình hình, cấp trên cử Trần Thị Kỷ đi học lớp y tá cấp tốc.

Từ cứu thương, điều trị đến tìm kiếm lương thực, đào hầm giấu thương binh, không việc gì là không qua tay chị Kỷ. Hàng ngày, chị dìu thương binh lên xuống hầm không biết mấy lượt. Thương binh đau đớn, chị tìm mọi cách làm dịu vết thương. Quá tận tụy với công việc, chị hầu như không biết đến giấc ngủ trọn vẹn. Cho đến một hôm…

Hôm ấy pháo địch im bặt khác thường, Trần Thị Kỷ đang ngồi canh giấc ngủ sáng cho thương binh, du kích, chợt nghe chó sủa ran phía Tân Nghi. Chị vội đi cảnh giới thì thấy xa xa một cánh quân Đại Hàn đông kịt đang từ Gò Quánh  kéo lên Tân Đức. Chị lay gọi du kích dậy triển khai chiến đấu. Còn lại một mình, chị vực từng thương binh xuống hầm bí mật. Khi địch đến gần, du kích đã rút xuống các công sự, Kỷ vẫn còn đi xóa dấu vết cho từng hầm một. Cuối cùng chị mới hối hả quay về hầm mình.

Từng nhát cuốc bổ đúng trên hầm Kỷ. Nắp hầm vừa lộ, địch ném một quả mù cay xuống, hơi cay làm Kỷ ngất đi. Khi tỉnh dậy, chị thấy mình đang ở trên mặt đất, giữa mấy mươi họng súng. Tên thiếu úy Đại Hàn đích thân tra khảo, bắt chị chỉ hầm bí mật. Những cú giầy đinh đá thốc vào ngực, vào hông Kỷ. Chị cắn răng chịu. Ở đây gần anh em quá, nghe bọn nó hành hạ mình, lỡ các anh bung hầm lên thì nguy, Kỷ nghĩ vậy và bảo tên thiếu úy: "Đi, tao sẽ chỉ". Chúng giải chị đi khắp làng. Chị cố ghi từng hình ảnh yêu dấu của quê hương vào tâm trí. Xin cha mẹ chứng cho: Con thề dù chết quyết không để tiếng nhơ, không làm hại cách mạng! Lời thề ngày nào vang lên trong tim Kỷ.

- Đứng lại! Mày lừa chúng tao à?

Tên thiếu úy Đại Hàn thét lên bằng tiếng Việt. Lập tức, bọn lính xông vào chị:

- Hầm bí mật ở đâu? Chỉ ra!

- Hầm bí mật trong lòng tao đây!

Trần Thị Kỷ trả lời. Mũi dao nhọn hoắt gí vào bụng chị đến bật máu.

Xen giữa cái điệp khúc câu hỏi và câu trả lời ấy là những cực hình mà bọn lính đánh thuê của đế quốc Mỹ trút lên người con gái làng Tân Đức. Báng súng dộng vào người chị như giã gạo. Tên thiếu úy Đại Hàn bóp cổ chị nhưng hắn không để cho chị chết. Theo lệnh hắn, bọn lính lôi chị về chỗ cũ. Chúng đóng đinh vào người chị. Mỗi đốt xương sống một cây đinh. Máu Kỷ thấm ướt áo, nhỏ thành giọt trên mặt đất. Mỗi nhát đinh đóng vào xương là một lần Kỷ chết đi sống lại.

Không moi được từ Trần Thị Kỷ một lời khai nào, sáng hôm sau, giặc quyết định thiêu sống chị. Tên thiếu úy sai lính treo ngược Kỷ lên - một chân chị bị buộc chặt vào cây mít lớn, chân kia bị kéo căng qua cột vào cây dừa gần đó. Mái tóc đen dài của người con gái Tân Đức xõa xuống chạm đất. Một can xăng được đưa tới. Chúng tưới xăng vào người Kỷ rồi bật lửa. Toàn thân chị phựt thành lửa ngọn.

-  Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo quân xâm lược!

Bác Hồ muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!

Vĩnh biệt cha mẹ! Vĩnh biệt các đồng chí!

Từ khối lửa rừng rực, tiếng hô bất khuất của Trần Thị Kỷ vang lên, vọng xuống tận các công sự, tận các căn hầm bí mật. Thương binh, du kích nước mắt lưng tròng cắn chặt răng vĩnh biệt người nữ đồng chí hiền dịu và kiên cường của mình.

Khi lời vĩnh biệt cuối cùng của chị lịm tắt, giữa ngọn đuốc chợt vang lên một tiếng nổ lớn. Cùng lúc xuất hiện một làn sáng xanh bay vọt lên trời. Tên thiếu úy và đám lính sợ mất vía, vội vàng tháo chạy không dám quay đầu.

Năm  ấy, Trần Thị Kỷ vừa tròn 19 tuổi.

Sau khi nước nhà thống nhất, Bình Định có hai con đường được vinh hạnh mang tên chị: một ở thành phố Quy Nhơn và một ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn. Điều đó nói lên sự ghi nhận đầy trân trọng của quê hương đối với Trần Thị Kỷ - người con gái anh hùng đã làm sáng ngời thêm khí phách Việt Nam. 

Năm 1995, liệt sĩ Trần Thị Kỷ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

  • Trần Thị Huyền Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cuộc hành quân đành bỏ dở  (28/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương  (26/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương   (24/10/2005)
Huỳnh Đăng Thơ (1889-1982)   (23/10/2005)
Khám phá thành Tà Kơn huyền bí  (21/10/2005)
Căn cứ Đèo Mang  (21/10/2005)
Thành đất ở thôn An Lũy  (19/10/2005)
Đồn lũy trên đất Tây Sơn  (18/10/2005)
Bàn về "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều đại Tây Sơn  (16/10/2005)
Mắm cua đồng  (14/10/2005)
Võ Bình Định với hát bội Bình Định  (12/10/2005)
Lễ hội cầu mưa của người Chăm Vân Canh  (11/10/2005)
Rượu nếp - Tôm chua - Khổ qua dồi   (09/10/2005)
Vương triều Tây Sơn với Hoàng Sa - Trường Sa  (06/10/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (04/10/2005)