|
Tượng Vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Cuối tháng 4 năm 1990 ở Phú Lạc (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định) người ta tìm được tấm bia lạ, vài người biết chữ Hán đọc chữ trên bia phán đoán rằng đây có thể là bia mộ của dòng họ Nguyễn Tây Sơn!
Khảo sát xong hiện vật, hiện trường, chúng tôi tìm gặp ông Mai Đình Phụng, người có liên quan đến lai lịch ngôi mộ cổ và cũng nhờ vậy mà chúng tôi được biết ông Phụng vốn là hậu duệ của Mai Xuân Thưởng.
Trạng thái bia mộ
Tấm bia mộ nặng khoảng 2 tạ. Bề mặt tấm bia có ba dòng chữ.
Chính giữa bia chạm chìm một hàng gồm 15 chữ lớn: Việt Cố Hoàng Hiển Tổ Khảo Cang Nghị Mưu Lược Minh Triết Công Chi Lăng.
Hàm nghĩa của dòng chữ lớn như thế này: Lăng mộ ông nội đã qua đời của nhà vua nước Việt, ông là một vị minh triết, mưu lược, cương nghị (từ ngữ của nhà vua phong tặng).
Dòng chữ nhỏ chạm chìm phía phải: Tuế thứ Kỷ Hợi Trọng Xuân Cốc Nhật, nghĩa là ngày lành tháng hai năm Kỷ Hợi.
Dòng chữ nhỏ chạm chìm phía trái: Ngự Chế, nghĩa là nhà vua lập bia.
Bia làm bằng một tảng đá lớn, chiều dài (cao) 125 cm, chiều ngang (rộng) 68,5 cm. Độ dày (gáy) 13 cm. Đường diềm (viền chung quanh) 10 cm. Chân bia có mộng cắm vào đế riêng, mộng cắm đo được: 20-45-13cm. Chung quanh đường viền chạm nổi bốn con rồng nối đuôi nhau, rồng 5 móng, đầu hai con rồng phía trên châu vào mặt trời ở giữa, thường gọi là "long tranh châu" hoặc "triều châu". Riêng phần đáy diềm thì chạm nổi "thủy ba" (lượn sóng).
Ba dòng chữ chạm trên mặt bia rất đẹp, rất sắc nét. Đáng tiếc là phần trên hàng chữ lớn ở giữa (từ chữ Việt đến chữ Khảo) có dấu tẩy xóa trước khi chôn xuống đất, còn phần đầu rồng ở góc trái đường diềm thì có dấu xây xát nét chạm không rõ.
Theo lời những người tìm được bia kể lại rằng: Lúc vừa đào lên chỗ chạm đầu rồng này còn nguyên vẹn, do vì những người đến xem sờ mó vào hiện vật và vì đá bị ngâm nước lâu năm lúc vừa đào lên có hơi mềm nên mới bị xây xát như thế. Cũng may là những chữ tẩy xóa và đầu rồng bị xây xát vẫn có thể nhận dạng được.
Cũng theo lời những người tìm được bia kể lại: Bia nằm sâu dưới đất ruộng khoảng 50cm, mặt bia úp sấp, lúc dụng cụ đào đất động vào bia cứ ngỡ là tảng đá bình thường. Do làm con đường vào khu vực sân kho hợp tác xã nên phải lấy đất vùng này để đắp đường mới phát hiện được tấm bia.
Mối quan hệ giữa bia và ngôi mộ cổ
Hiện trạng tấm bia vừa trình bày cho phép chúng ta xác định đây là tấm bia do bàn tay con người đem chôn một cách cố ý. Vậy vấn đề tiếp theo cần phải tìm hiểu là ngôi mộ của bia này ở đâu.
Nhìn sang bên cạnh, cách chỗ chôn bia chừng 15m có một ngôi mộ cổ. Mộ nằm hướng Bắc-Nam, đầu quay về núi, thuộc địa phận xóm Phú Thọ Chính, khuôn viên mộ nằm trên một gò cao khá rộng, chung quanh là ruộng lúa, hình dáng mộ "thượng đầu qui, hạ đầu thành", làm bằng vôi "bồi ghè", thân dài 1,60m. Có thành nội, thành ngoại, giữa hai thành cách nhau 60cm, cách mộ chừng bốn năm mét còn dấu vết một vòng thành thứ ba, trước mộ chừng ba mét có hai trụ biểu cao 1m, hai búp sen trên trụ biểu bị vỡ nham nhở.
Chính giữa chân mộ còn dấu vết chỗ cắm bia đã bị gỡ tự bao giờ chỉ còn lại khoảng trống lõm vuông vức chiều ngang đo được 72cm, so với chiều ngang của tấm bia 68,5cm thì mỗi bên có sai số là 1,7cm.
Chúng tôi cho rằng sai số ấy thuộc đường hồ kẻ. Lại soát xét về mộng bia cắm và độ dày của bia cùng ăn khớp với dấu vết này. Vì vậy chúng tôi được phép khẳng định: tấm bia vừa tìm được kia đích thị là của ngôi mộ này, lại nữa đây không phải là ngôi mộ bình thường mà là loại lăng mộ.
Lăng mộ của ai?
Căn cứ vào những dòng chữ trên bia thì nhà vua đứng ra xây lập lăng mộ này, xây lập vào một ngày lành tháng hai năm Kỷ Hợi, điều này khỏi phải bàn cãi vì đã có chữ nghĩa ghi chép rành rọt. Ngôi mộ này là lăng mộ của ông nội nhà vua nước Việt, cụ ông đã chết trước, nhà vua lập lăng mộ sau, điều này cũng khỏi phải nghi ngờ vì không ai bịa đặt được.
Vậy thì còn hai điều cần quan tâm: năm Kỷ Hợi là năm nào? Và là đời vua nào? Giải đáp được hai điều này tất nhiên sẽ biết được đây là lăng mộ của ai?
Trước khi trình bày khảo chứng về hai điều trên xin giới thiệu qua về ông Mai Đình Phụng - người có liên quan đến ngôi mộ cổ Phú Lạc. Hiện nay nhà ông Phụng ở cách ngôi mộ chừng 300m. Theo lời ông Phụng thì từ thời ông nội ông, tức cụ Mai Xuân Sính dời nhà đến ở chốn này, lúc bấy giờ nơi đây còn là một vùng rừng rậm rạp, chính bàn tay cụ ông ra sức khai phá để sản xuất, một lần đốn chặt lùm cây rậm lớn phát hiện được ngôi mộ cổ này.
Thấy ngôi mộ đồ sộ nhất vùng nhưng bị hoang tàn không người chăm nom nên cụ xem đây là sự xui khiến linh thiêng mà mình phải có trách nhiệm coi ngó, hàng năm cụ chọn ngày mồng một Tết cúng cơm ngôi mộ, tục lệ này đến đời ông Phụng hiện nay vẫn giữ.
Sự kiện thứ hai là ở Tây Sơn còn tương truyền một địa danh là Gò Lăng. Phạm vi của khu vực Gò Lăng rất rộng, không chỉ ở địa phận Phú Lạc mà bao trùm nhiều nơi khác trong xã Bình Thành, mặc dù không ai biết lăng mộ hoặc lăng tẩm ở đâu ngoại trừ cái miếu cổ nhỏ bé gọi là "miếu Gò Lăng".
Khảo chứng gia hệ nhà Tây Sơn chúng tôi thấy:
- Ông Hồ Phi Long người đầu tiên từ xứ Nghệ vào Bằng Châu (Bình Định) phối hôn với bà họ Đinh (người Bằng Châu), ông bà sinh hạ được một trai là Hồ Phi Tiễn, ông Hồ Phi Tiễn khôn lớn, lên Phú Lạc buôn trầu, hôn phối với bà Nguyễn Thị Đồng (con một gia đình giàu có ở Phú Lạc) rồi cất nhà ở luôn bên vợ.
Ông Hồ Phi Tiễn và bà Nguyễn Thị Đồng cũng chỉ sinh hạ được một con trai là Hồ Phi Phúc, về sau đổi họ thành Nguyễn Phi Phúc. Lý do đổi họ không phải vì nguyên cớ chính trị như có người đã đoán mò mà chính vì lý do kinh tế. Như vừa trình bày, bà Nguyễn Thị Đồng là con gái độc nhất của gia đình, để đủ tư cách kế thừa hợp pháp món gia tài của cha mẹ bài để lại, và ông bà ngoại cũng rất vui lòng coi cháu ngoại cũng như cháu nội hòng sau này lo việc phụng tự ông bà nên bà Đồng bàn định với chồng đổi họ cho con mình từ họ Hồ thành họ Nguyễn, nghĩa là theo họ mẹ (căn cứ tài liệu của Quách Tấn).
Ông Nguyễn Phi Phúc hôn phối với bà Mai Thị Hạnh (tức bà tổ cô của Mai Xuân Thưởng) vẫn tiếp tục nghề buôn trầu làm nhà ở Kiên Mỹ (tức khu vực Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn ngày nay) sinh hạ được ba con trai là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (Ở đây, chỉ tóm lược cốt để xác định lăng mộ này. Riêng vấn đề gia hệ nhà Tây Sơn có dịp sẽ bàn cặn kẽ hơn).
Khảo chứng về niên đại sự kiện nhà Tây Sơn, chúng tôi thấy:
- Rằm tháng Tám Quý Tỵ 1773: Tây Sơn vương khởi nghĩa chiếm huyện lỵ Tuy Viễn và thành Quy Nhơn.
- Giáp Ngọ 1774: Phát triển lực lượng đến Quảng Nam đánh Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Phúc Ánh sợ chạy vào Gia Định.
- Ất Mùi 1775: Nguyễn Lữ, Phan Văn Lân đem thủy quân đánh Gia Định.
- Bính Thân 1776: Khởi công tu sửa thành Đồ Bàn.
- Đinh Dậu 1777: Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đánh Gia Định lần thứ 2.
- Mậu Tuất 1778: Sửa xong thành Đồ Bàn, đổi tên thành Hoàng Đế, Nguyễn Nhạc xưng đế hiệu: Minh Đức Hoàng đế, niên hiệu Thái Đức.
- Kỷ Hợi 1779: Sau khi lên ngôi Nguyễn Nhạc lo việc đền ơn đáp nghĩa, tặng phong tướng sĩ, Nguyễn Huệ được phong Long Nhương tướng quân. Đồng thời lo xây đắp mồ mả cho phía nội và phía ngoại (lúc này Nguyễn Nhạc chừng 35-36 tuổi).
- Canh Tý 1780: Nguyễn Phúc Ánh xưng vương ở Nam Bộ do Đỗ Thanh Nhân phụ chính.
- Tân Sửu 1781: Phúc Ánh giết Đỗ Thanh Nhân.
- Nhâm Dần 1782: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Phạm Ngạn cử đại binh đánh Gia Định.
- Quý Mão 1783: Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Lê Văn Hưng, Trương Văn Đa lại cử binh đánh Phúc Ánh, Ánh tháo chạy ra đảo Phú Quốc.
Tóm lại, dựa vào khảo chứng gia hệ và sự kiện lịch sử đã trình bày, chúng tôi được phép khẳng định ngôi mộ cổ ở Phú Lạc là lăng mộ của cụ Hồ Phi Tiễn - ông nội của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Lăng mộ này do vua Thái Đức Nguyễn Nhạc xây dựng vào năm 1779, sau khi lên ngôi Hoàng Đế chừng mấy tháng.
Mấy suy nghĩ về di chỉ Gò Lăng
Bia mộ và Lăng mộ Phú Lạc vừa phát hiện được đối với Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) là hiện vật gốc, là di vật độc nhất vô nhị. Bởi vì cây me giếng nước cũng là di vật song chẳng qua là truyền thuyết vậy thôi chứ không có nghĩa làm bằng. Giờ đây nhờ có tìm được bia mộ mới có thể xác định được ngôi mộ, vậy chúng ta phải có trách nhiệm đầy đủ trong việc bảo vệ di vật này.
Trước hết, chúng ta phải ghi ơn những vệ sĩ vô danh đã có công chôn giấu bia mộ một cách chu đáo, nhờ vậy mới tránh được tai họa trả thù của Nguyễn Gia Long. Thứ đến, chúng ta ghi ơn bà con hợp tác xã Phú Lạc đã có công tìm được bia mộ và rất có trách nhiệm, có ý thức bảo vệ di vật quý giá này bởi nó gắn liền với lịch sử vẻ vang của xứ sở mình.
Vấn đề còn lại đang đặt ra là địa danh Gò Lăng bởi có lăng mộ này hay còn lăng mộ nào khác nữa? Lăng mộ của cụ Hồ Phi Tiễn ở đây còn lăng mộ của bà Nguyễn Thị Đồng ở đâu? Điều này có nghĩa là Gò Lăng đang trở thành khu di chỉ văn hóa phải được tiếp tục đầu tư nghiên cứu.
|