Huyền thoại Chàng Lía và giá trị văn hóa tinh thần
14:59', 2/11/ 2005 (GMT+7)

Đã là người Bình Định hẳn ai cũng đã một lần nghe câu ca dao: "Chiều chiều én liệng Truông Mây. Cảm thương Chú Lía bị vây trong thành". Câu ca dao gợi nhớ đến huyền thoại Chàng Lía, một hiệp sĩ áo vải (chữ dùng theo Quách Tấn), đã sống trong tâm linh người Bình Định như một giá trị tinh thần tồn tại cùng thời gian.

Chàng Lía, trong Vè Chàng Lía và câu chuyện về Chàng Lía trong Nước non Bình Định của Quách Tấn, là một người anh hùng của nhân dân, những người cùng khổ. Chàng Lía quê ở phủ Quy Nhơn, huyện Phù Ly (gần miền Bích Khê - vùng rừng núi đèo Nhong - Phù Mỹ). Xuất thân nhà nghèo thuộc tầng lớp bần cùng, mồ côi cha, ở cùng với mẹ, nghèo đói túng thiếu. Lía có một đặc điểm rất thương mẹ (Tuy là hung dữ lâu nay tiếng đời. Nhưng mà hiếu thảo ai hơn). Vì thương mẹ, Lía sẵn sàng ăn trộm ngô khoai, gà vịt về nuôi mẹ, thậm chí muối mặt chịu nhục xin cơm nguội về cho mẹ đang đói ở nhà.

Thời nào cũng vậy, tồn tại trong tâm thức cộng đồng, luôn cần những người anh hùng để bảo vệ dân lành, giải tỏa những uẩn ức, thực thi những những lý tưởng xã hội. Chàng Lía là một anh hùng theo ý nghĩa đó. Lía tuy học chữ rất tối nhưng có sức khỏe phi thường, sức địch muôn người lại học võ lại rất sáng, học đâu thuộc đó, từ quyền, kiếm đến côn môn nào cũng tinh nhuệ. Lía còn tự luyện được miếng võ phi thân, bắt chước từ cách con cá lóc phóc lên bờ, có thể nhảy từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác nhẹ nhàng.

Tính khí của Lía ngang tàng, không chịu nổi những bất công trong xã hội: Thà cho con chết xong đời. Còn để họ hiếp nhớp đời chịu đâu. Và thái độ của Lía đối với cường quyền:

Lâu nay nuốt hận nhưng là

Thù bọn hương chức dạ hòa vô lương

Chúng thấy người khốn chẳng thương

Phen này chúng biết tỏ tường chí ta.

Với phẩm chất và chí khí anh hùng, làm người đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, Lía "dấy nghĩa", chiêu binh mãi mã, thực hiện nhiệm vụ của người anh hùng, thực thi lý tưởng của cộng đồng. Lía trừng trị bọn cường hào, ác bá:

Kiếm nhà trọc phú mới đành ra tay

Kẻ nào tàn ác lâu nay

Lía sai cướp của, đoạt tài chẳng dung.

...

Nhất là những bậc nhà quan

Nghe chàng Lía dọa kinh hoàng như điên.

Lía cướp của người giàu chi cho người nghèo:

Lía ta tính là làm sao

Ghét phường phú hộ đất đào núi ra

Những người nghèo khó đâu ta

Thì Lía xót phận rất là yêu thương

Kẻ nghèo rủi gặp tai ương

Hễ Lía nghe biết dễ thường bỏ đâu

Giúp cho tiền bạc tiếc nào

Cho nên nhiều kẻ xiết bao cảm tình

Trong vè Chàng Lía, Lía đã chống lại triều đình, đánh bại nhiều đợt tấn công của quan quân triều đình. Và người anh hùng đã được dân gian trao cho một nhiệm vụ trọng đại - xây dựng một xã hội lý tưởng :

Lâu la mấy vạn tụ đông

Vỡ rừng làm rẫy vun trồng bắp khoai

Sơn trung hàng vạn con người

Thảy đều no đủ sớm nơi an nhàn.

Đó chính là ước mơ của nhân dân dưới chế độ phong kiến đầy rẫy bất công và áp bức. Huyền thoại về Chàng Lía, người anh hùng với những phẩm chất thương người, hiếu thảo, không chịu làm tôi đòi, nô lệ, dám đứng lên chống lại cường quyền, bạo ngược, xây dựng một xã hội công bằng, phồn vinh và hạnh phúc chính là ước vọng của nhân dân lao động; đồng thời chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần tinh túy của người Bình Định.

. Ngô Hồng Sơn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lăng mộ cổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn  (01/11/2005)
Trần Thị Kỷ - ngọn lửa bất diệt (1947-1966)  (30/10/2005)
Cuộc hành quân đành bỏ dở  (28/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương  (26/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương   (24/10/2005)
Huỳnh Đăng Thơ (1889-1982)   (23/10/2005)
Khám phá thành Tà Kơn huyền bí  (21/10/2005)
Căn cứ Đèo Mang  (21/10/2005)
Thành đất ở thôn An Lũy  (19/10/2005)
Đồn lũy trên đất Tây Sơn  (18/10/2005)
Bàn về "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều đại Tây Sơn  (16/10/2005)
Mắm cua đồng  (14/10/2005)
Võ Bình Định với hát bội Bình Định  (12/10/2005)
Lễ hội cầu mưa của người Chăm Vân Canh  (11/10/2005)
Rượu nếp - Tôm chua - Khổ qua dồi   (09/10/2005)