Miền Trung nắng lắm mưa nhiều, nên hầu như trước mỗi nhà đều có giếng. Nếu giếng làng ở miền Bắc là nơi quần tụ nếp sinh hoạt của cả cộng đồng, thì bên mỗi thành giếng ở miền Trung, khép kín cái ăn, cái ở của một đời người. Nhưng không chỉ có vậy. Còn có những cái giếng đi qua bao thăng trầm thời cuộc để trở thành vật chứng của lịch sử…
|
Giếng cổ ở Hội quán Triều Châu nay đã hơn 150 năm vẫn được người dân xung quanh sử dụng để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: V.T
|
Rải rác trên những miền quê Bình Định, ta vẫn còn bắt gặp những cái giếng hình vuông. Dân gian vẫn quen gọi đấy là giếng Chàm, giếng Hời.
Theo TS Đinh Bá Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhiều giếng vuông nay còn đang được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn ở Mỹ Trinh, Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ); Cát Minh (huyện Phù Cát); Phước Hòa (huyện Tuy Phước); Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn)… Lớp tận cùng của giếng được lót bằng bộng gỗ. Không hiểu người xưa dùng loại gỗ gì mà có thể tồn tại dưới nước qua cả ngàn năm? Những khối gỗ đóng thành khối vuông, nom như chiếc cũi lợn, trên là lớp đá cuội rồi cuối cùng mới là những phiến đá sa thạch màu hơi ngả tím.
Thành giếng vuông thường thấp, thường chỉ cao hơn mặt đất độ 5 phân. Bởi vậy, hiện nay, phần lớn các giếng đang còn được sử dụng này đều đã được xây cho thành thêm cao. Những bộng giếng hình tròn được thêm vào phần trên thành giếng. Những sửa chữa này phần nào làm mất đi hình dáng vuông ban đầu của giếng. Nhưng điều khác lạ nhất là giếng vuông bao giờ cũng cạn hơn các giếng trong vùng vậy mà lại có nước quanh năm. Ngay cả mùa hè, khi các giếng khác đã cạn, giếng vuông cũng chẳng kiệt nước, nước giếng lại trong vắt. Hãy nhấp thử một ngụm, ta cảm thấy vị ngọt, mát lạnh. Không hiểu người xưa có bí quyết gì để chọn được những điểm có mạch nước dồi dào, trong và ngọt để đào giếng.
Thôn Xuân An (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) cũng có một cái giếng vuông như vậy đang được sử dụng. Đây chính là di tích Gò Kho, từng là nơi tích trữ quân lương của nghĩa quân Tây Sơn. Vậy hẳn là nghĩa quân Tây Sơn từng dùng giếng này để làm nguồn nước cho quân binh. Rồi đến người hôm nay vẫn lại tiếp tục dùng mạch nguồn ấy.
Không chỉ giếng vuông kinh qua thăng trầm dâu bể nghìn năm, ngay cái giếng Truông ở làng văn hóa Tân Thành (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) mới xây dựng từ thời Gia Long, tức cách nay chỉ chừng hơn 200 năm. Vậy mà giếng này cũng rất đặc biệt. Nguồn nước giếng Truông cũng rất ngọt và tinh khiết, nên đã thành nơi cung cấp nước uống cho hàng trăm người dân, không chỉ riêng ở thôn Tân Thành mà cả các thôn khác ở Tam Quan Bắc. Về mùa khô, khi nhiều giếng khác trong vùng đã khô, giếng Truông vẫn không cạn nguồn. Nước giếng lại không bị nhiễm mặn dù nằm khá gần biển.
Ngay trên vùng vốn là "rốn đất" của thành phố Quy Nhơn, nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, trong khuôn viên Hội quán Triều Châu, vẫn còn một chiếc giếng cổ. Giếng xây bằng 8 phiến đá hình cổ, mặt ngoài có hình bát giác, miệng tròn, đường kính mặt trong 76cm, có ghi niên hiệu Đạo Quang thứ 30 (1850) mà theo các nhà nghiên cứu, chính là thời điểm trùng tu Hội quán.
Điều đáng nói đây là di vật có thể xem như duy nhất còn nguyên vẹn của Hội quán này trong khi không gian hội quán hầu như đã bị lấn chiếm, kiến trúc đã bị biến dạng đi rất nhiều. Nước giếng vẫn trong, người dân xung quanh lấy đây làm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.
Những chiếc giếng cổ, đi qua thời gian vẫn trong xanh với cuộc đời và in bóng bao thăng trầm, biến thiên thời cuộc. Nước ấy, giếng ấy như nơi gặp nhau của mạch đất và hơi ấm của trời, cũng lại tiếp nguồn sống cho con người suốt cả mấy trăm năm.
Trong Kinh Dịch, quẻ Tỉnh có lời kinh "cải ấp bất cải tỉnh" (đổi làng chẳng đổi giếng). Thật đúng thay. Và càng thấy điều cần thiết: phải giữ gìn những di vật ấy còn mãi như giữ gìn những mạch nguồn tinh túy của lịch sử hãy còn dạt dào trong tâm thức mỗi người hôm nay.
|