Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi
15:27', 4/11/ 2005 (GMT+7)

Đầu thế kỷ XX H.Parmentier khi đến tháp Đôi (Quy Nhơn) để điều tra nghiên cứu, ông đã thấy một số hình trang trí kiến trúc bằng đá như hình Garuda... tương tự như của hai ngôi tháp hiện còn. Cũng ngay từ những ngày ấy, H.Parmentier cho rằng, tháp Đôi vốn có ba ngôi tháp, nhưng ngôi tháp thứ ba (bên cạnh ngôi tháp phía Bắc hiện nay) đã không còn, nhưng nền móng của ngôi tháp thứ ba thì chưa tìm thấy. Ngoài cụm ba tháp ra, tại đây còn phát hiện dấu tích những bức tường bao quanh, ngôi nhà lớn và chiếc giếng nước khá lớn.

 

               Phù điêu Khỉ và Rắn phát hiện ở tháp Đôi.

 

Năm 1991, 1992 trong lúc dọn dẹp để trùng tu di tích tháp Đôi, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã phát hiện nhiều phiến đá có hình chạm khắc nằm rải rác xung quanh hai ngôi tháp này. Những hiện vật này là một trong những thông điệp giúp các nhà nghiên cứu trong việc suy nghĩ về những ẩn số xung quanh di tích tháp Đôi - một trong những di sản văn hóa quý giá của đất nước mà chúng ta đang kế thừa gìn giữ và chiêm ngưỡng.

Trong số những phiến đá đó, đáng chú ý có một bức chạm khắc mà đề tài trang trí là hình một con khỉ và rắn. Bức phù điêu này là một phiến đá sa thạch màu xanh xám, hình chữ nhật, chiều dài 80cm; rộng 40cm; bề dày phiến đá đoạn lớn nhất 18cm, đoạn nhỏ nhất 10cm. Phần chạm khắc thể hiện trên một mặt phẳng của phiến đá. Đề tài trang trí thực hiện chỉ mới một đoạn bề mặt của phiến đá khoảng chừng 40cm, phần kia để trơn chưa được chạm khắc. Nhìn vào phù điêu này ta có thể nhận biết đây là một tác phẩm đang được chạm khắc dở dang. Phần trang trí là hình một con khỉ đang trong tư thế bay trên không trung, vừa vọt ra khỏi từ miệng rắn. Chú khỉ hai tay dang ra, hai chân đang phóng về phía trước, đầu ngoảnh lại phía sau nhìn rắn, chiếc đuôi chưa lọt ra khỏi miệng rắn. Mồm rắn há rộng, nhe hai hàm răng và đang trong tư thế tấn công khỉ trông rất dữ tợn. Với hình tượng trên, chúng ta có thể nhận biết đề tài thể hiện là cuộc giao chiến ác liệt giữa khỉ Hanuman với rắn Surasa trong một câu chuyện của thần thoại Ấn Độ. Trong các loại hình điêu khắc Chămpa, khỉ là hình tượng được thể hiện khá phổ biến. Khỉ là con vật linh tôn giáo, nó vừa là ân nhân vừa là bạn của con người. Tuy nhiên, trong các loại hình điêu khắc Chămpa được phát hiện từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định, đây là tác phẩm duy nhất thể hiện với đề tài này.

Chuyện kể rằng, Hanuman là con của thần Gió Vayu và mẹ là Ânđana - một vũ nữ thiên thần. Khỉ Hanuman là vị tướng giỏi của vương quốc khỉ, Hanuman có sức mạnh vô song, có thể nhảy những bước khổng lồ. Trong một lần Hanuman nhận nhiệm vụ do vua khỉ Xugriva ra lệnh cùng với hoàng tử Rama ở đô thành Alyôđhhhya, của nước Kôsala (phía bắc sông Hằng) đi cứu công chúa Xita (hiện thân của nữ thần Hạnh phúc Laksmi vợ của thần Visnu giáng thế, mẹ của Xita là nữ thần Đất). Nàng Xita xinh đẹp bị quỉ sứ Ravana để ý và bắt cóc, cắp đi đến đảo Lanka. Được lệnh vua, Hanuman nhún chân lấy đà nhảy một bước thần kỳ từ đất liền đến Lanka. Sức nhún của khỉ dí bẹp cả núi làm cho rắn rết ở dưới hang chết hết, nước mạch từ trong đất vọt ra thành suối và cây cối tung lên bay quanh khỉ như một vòng hoa xoay quanh người nhảy múa. Hanuman phi hành vun vút, đầu lao như một mũi tên chọc thủng mây và mình xoay tít tạo thành những trận gió lốc cuộn cả sóng biển lên, đuổi quái vật dưới nước chạy tan tác. Lúc bấy giờ ở dưới biển, có con rắn khổng lồ tên là Surasa, mẹ của Long Vương. Con rắn ấy có phép níu lấy bóng của những vật bay trên không, làm cho chúng phải rơi xuống nước để cho rắn ăn thịt. Hanuman bay qua trên biển, con rắn Surasa hiện lên sừng sững để chặn đường. Nó há hốc miệng đầy răng nhọn hoắt định vồ lấy khỉ, nhưng khỉ phóng mình lên như một đám mây đen, choán cả một góc trời, to hơn miệng Surasa, Surasa lại phồng to hơn thế nữa. Nhanh như chớp, khỉ thu mình lại bé tí như một ngón tay, luồn qua miệng và ruột rắn rồi hiện ra ngoài và bay vút lên không trung. Bấy giờ, Surasa mới giở thuật bắt bóng ra để níu Hanuman xuống nước, nhưng trong giây lát, khỉ đã lao mình xuống lấy móng chân cấu thủng bụng rắn và rút ruột nó ra. Rắn đau quằn quại, giãy giụa rồi chìm nghỉm xuống nước. Thần tiên ở trên trời reo mừng Hanuman. Đến đảo Lanka, Hanuman hóa thành con mèo, lọt qua mắt bọn quỉ gác thành rồi vào tận sào huyệt của quỉ Ravana, sau đó mở đường cho hoàng tử Rama vào cứu công chúa Xita…

Ngoài bức phù điêu đang được chạm khắc dở dang kể trên, còn có phiến đá chạm khắc hình rồng đang ở dạng phác thảo (các hiện vật này hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Bình Định). Phù điêu rồng có chiều dài 100cm, rộng 50cm; dày 15cm. Hình rồng được thể hiện đang vận động theo chiều ngang, mình uốn khúc thành hình sin. Có lẽ ảnh hưởng quan niệm của thần thoại Ấn Độ, coi rồng là con quỉ hạn hán với tên gọi là Vritra. Con quỉ này đã giữ mây, do đó mưa sẽ không đến đã tạo ra hạn hán, gây khó khăn cho cuộc sống của con người. Mưa đến được là nhờ thần Inđra giết được con quỉ này. Do vậy ở Chămpa người ta vẫn tôn thờ rồng và là đối tượng cúng tế, kêu cầu để rồng đừng hại họ.

Những câu chuyện thần thoại đã giải mã cho những mảng đề tài trang trí trên các phiến đá được tìm thấy ở quanh tháp Đôi. Mặt khác, các phù điêu này có thể là một tác phẩm độc lập mang chủ đề hoàn chỉnh gắn vào trang trí kiến trúc tháp, nhưng cũng có thể nó cùng với nhiều mảng phù điêu khác liên kết với nhau mới hoàn chỉnh một đề tài thể hiện. Các tác phẩm điêu khắc này đã và đang được hoàn thiện để dùng vào việc trang trí nền và các tầng của một ngôi tháp có cấu trúc và hình dáng như hai ngôi tháp hiện còn. Từ những dấu tích nói trên, các nhà nghiên cứu sau này cho rằng, ngôi tháp thứ ba (tháp Bắc) của tháp Đôi chưa được xây dựng mà mới ở giai đoạn chuẩn bị. Không hiểu vì lý do gì mà công việc xây dựng ngôi tháp thứ ba này bị gián đoạn, một vấn đề đầy bí ẩn. Dù sau này chúng ta có tìm ra điều bí ẩn nói trên hay không, thì hiện tượng tháp Đôi là một bằng chứng thực tế chứng tỏ rằng, trong các cụm ba tháp của người Chăm xưa, ngôi tháp phía Bắc bao giờ cũng được làm sau cũng như các nhà nghiên cứu đã chứng minh về mặt phong cách nghệ thuật ở các khu tháp như Hòa Lai, Khương Mỹ, Chiên Đàn (Quảng Nam), Dương Long (Bình Định)…

Những hiện vật phát hiện ở tháp Đôi là những hiện vật quý, những tư liệu quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu khu di tích tháp Đôi - một di sản văn hóa quý báu, mang phong cách kiến trúc độc nhất vô nhị ở đất nước ta.

  • Tiến Vân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước giếng vuông - tinh túy của đất trời  (04/11/2005)
Huyền thoại Chàng Lía và giá trị văn hóa tinh thần   (02/11/2005)
Lăng mộ cổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn  (01/11/2005)
Trần Thị Kỷ - ngọn lửa bất diệt (1947-1966)  (30/10/2005)
Cuộc hành quân đành bỏ dở  (28/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương  (26/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương   (24/10/2005)
Huỳnh Đăng Thơ (1889-1982)   (23/10/2005)
Khám phá thành Tà Kơn huyền bí  (21/10/2005)
Căn cứ Đèo Mang  (21/10/2005)
Thành đất ở thôn An Lũy  (19/10/2005)
Đồn lũy trên đất Tây Sơn  (18/10/2005)
Bàn về "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều đại Tây Sơn  (16/10/2005)
Mắm cua đồng  (14/10/2005)
Võ Bình Định với hát bội Bình Định  (12/10/2005)