Bốn câu đối khóc vua Quang Trung
10:21', 6/11/ 2005 (GMT+7)

Vào ngày đầu tháng 12-1998 Sở VH-TT Bình Định nhận được bức thư đề ngày 15-10-1998 của cụ Nguyễn Nhân Lục, cán bộ hưu trí xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thư dài hai trang đánh máy nói về lai lịch bốn câu đối khóc vua Quang Trung mà cụ đã tình cờ tìm được từ trong tủ sách gia đình. Cụ Nguyễn cho rằng: "Bốn câu đối này truyền tụng dưới thời Cảnh Thịnh".

Mặc dù thuộc loại tài liệu khó đọc, khó giải cụ Nguyễn cũng đã sơ bộ phiên âm, dịch nghĩa với mong muốn "các bậc Hán học cao niên đính chính lại cho thoát đạt hơn". Để đảm bảo tính chính xác của tài liệu cụ Nguyễn không quên gửi kèm theo bản photocopy tài liệu gốc.

Được thư và tài liệu của cụ Nguyễn Nhân Lục sưu tầm và cung cấp, sở VH-TT Bình Định vui mừng khó tả, vội vàng báo tin và trao tài liệu nhờ tôi xem xét giúp.

Để bạn đọc khỏi phải chờ đợi, xin giới thiệu nguyên trạng tài liệu trước, sẽ có lời bàn sau:

Mở đầu văn bản chép: "Tây triều Quang Trung quân án giá", nghĩa là vua Quang Trung triều Tây Sơn qua đời. Chữ "án' còn đọc là "yến", "án giá" có nghĩa: Cỗ xe vua dừng bánh. Tiếp theo là bốn câu đối khóc vua Quang Trung chép liền hàng. Chữ chép rất đẹp, nét bút của bậc túc nho. Qua hiện trạng văn bản cho phép tôi phán đoán: Đây là tài liệu đáng tin cậy. Có thể do một sĩ phu sống đương thời vì cảm kích riêng và vì thấy các câu đối quá hay, có giá trị văn học cao nên đã liều mình chép lại, giấu kỹ. Giá được biết thêm các tác giả của từng câu đối thì còn hay biết chừng nào!

Câu thứ nhất:

-        Hoàng thiên cổ hạ dân, tác chi quân, tác chi sư, nam bắc đông tây giai công khánh;

-        Thánh nhân hữu đại đức, thực kỳ danh, thực kỳ vị, cổ kim khí số khước nan tề

Nghĩa là:

-        Ông trời đo lường được lòng dân ban cho một ông vua, một vị thầy mà nam bắc đông tây đều mừng rỡ;

-        Là bậc thánh nhân có đức lớn, danh đã thực mà vị cũng thực, từ xưa đến nay, vận khí và số mệnh nào có ai cũng như ai đâu!

Câu thứ hai:

-      Hách hách phục huỳnh Việt, tập thiên mệnh, oanh lôi chế điễn, thời bạc kiến hùng uy;

-      Phiêu phiêu thừa bạch vân, chí đế hương, cùng cốc thâm sơn chi hào giai nhũ mộ.

Nghĩa là:

-    Vâng mệnh trời giúp nước Việt da vàng, công tích chói ngời, sấm giăng chớp giật, trong giờ phút mong manh thấy rõ uy lực của đấng anh hùng;

-    Nương mây trắng đến chốn quê vua, trong chơi vơi, từ ngõ hẻm đến hang cùng không hề kêu gọi mà ai nấy đều mến mộ.

Câu thứ ba:

-      Phân vân lộc dã giác phương hưu, hốt nhĩ, thần qui nhật nguyệt, quang liễm vi viên, tùng kỷ nhĩ triền thiên lý mộng;

-      Trù (võng) trướng long hồ nhiêm mạc vãn, tuy nhiên, trạch tại sinh linh, uy lưu hải vũ, cương điền vĩnh thoát ức niên mưu!

Nghĩa là:

-      Quá đỗi rối ren! Công cuộc phòng vệ đất nước mới vừa xong, thì bỗng chốc vị thần đã về cõi mặt trời mặt trăng, ánh sáng gom tụ nơi đền đài, từ bấy giấc mộng ngàn dặm quanh quẩn đâu đây!

- Chao ôi buồn thảm! Cái râu rồng không bao giờ quay lại, tuy vậy, ơn cứu vớt sinh linh còn đó, uy danh khắp biển trời còn đó, mưu đồ xây dựng đất nước thịnh trị lâu dài thì không thể nữa rồi!

Câu thứ tư:

-      Thê lương thu nguyệt ngũ canh, thanh điểu man man, ngọc vũ quỳnh lâu đồ cực vọng;

-      Thiều đệ xuân kinh thiên lý, bạch vân điểu điểu, Lô giang Tản lĩnh tự thê sầu!

Nghĩa là:

-    Đêm trăng thu năm canh thê thảm làm sao! Chim xanh mờ mịt, điện ngọc lầu quỳnh vòi vọi ngóng trông;

-    Kinh đô Phú Xuân ngàn dặm xa vời! mây trắng lững lờ, núi Tản sông Lô đau buồn chi xiết!

Thế đấy, rõ ràng đây là những giọt nước mắt của các bậc đại bút sống cách chúng ta hằng trăm năm khóc vua Quang Trung. Nếu như "Ai tư vãn" là tiếng khóc chồng vang vọng ngàn thu thì những giọt nước của các đại bút ở các câu đối này không thể không động lòng vạn cổ? Chỉ có điều là nhiều từ ngữ và điển tích dùng trong câu đối đã khá lâu ít sử dụng trên văn đàn, nên rất khó dịch. Trong số bốn câu thì câu thứ ba khó dịch nhất. Khó hơn hết ở hai cụm từ "lộc dã giác phương hưu" của vế trước đối với "long hồ nhiêm mạc vãn" của vế sau.

Sở dĩ từ những chữ "lộc dã giác phương hưu" mà chúng tôi buộc phải dịch thành "Công cuộc phòng vệ đất nước mới vừa xong" vì rằng, theo như sách Từ Hải (NXB Trung Hoa thư cục - Vĩnh Ninh - tái bản năm Trung Hoa dân quốc thứ 37) trang 1548 chép: "Ngày xưa, vật liệu bố phòng các doanh trại quân đội người ta dùng câu, gỗ vạt nhọn làm chông cắm hoặc trồng trên mặt đất chung quanh doanh trại để chống kẻ địch đến gần. Vật liệu bố phòng này có hình sừng nai (chắc là con tùng lộc - ND) vì vậy mới có tên gọi "lộc giác". Sách Nam sử, truyện Vĩ Nhuệ (cũng đọc là Duệ, hoặc Tuấn) chép: "Ban đêm đào hào (rãnh) dài, dùng sừng nai bằng gỗ làm thành". Sách Tam dư chuế bút thì chép: "Tính con nai hay cảnh giác, lúc tập hợp cả bầy nghỉ ngơi thì nằm vòng tròn, đầu sừng chĩa ra chung quanh như một trận địa để đề phòng người và vật lạ đến sát hại. Cho nên hàng rào bố phòng các doanh trại quân đội chôn chông chỉa ra bên ngoài mới có tên gọi là lộc giác".

Như vậy, "lộc dã giác" có nghĩa là loại sừng nai bằng gỗ để bố phòng. Còn cụm từ vế sau "Long hồ nhiêm mạc vãn" chúng tôi buộc phải dịch thành "cái râu rồng không bao giờ quay lại" vì rằng, cũng theo sách Từ Hải trang 1575 (chữ "hồ" trong Từ Hải không có bộ chấm thủy) chép: "Thiên Phong thiền thư sách Sử ký nói rằng, vua Huỳnh Đế lấy đồng ở núi Thủ Sơn đúc đỉnh dưới chân núi Kinh Sơn, khi đỉnh đúc xong, có con rồng xủ râu xuống rước vua Huỳnh Đế. Nhà vua cưỡi rồng, bầy tôi và cung tần cùng cưỡi rồng theo vua đến 70 người. Rồng chuẩn bị bay, các quan nhỏ không lên lưng rồng được bèn bám lấy râu rồng, rồng rút râu lên làm rơi người và cây cung của vua. Trăm họ ngước cổ nhìn nhà vua lên trời bèn ôm lấy cây cung mà kêu gào với râu rồng". Như vậy, "long hồ nhiêm mạc vãn" là ý nói nỗi đau lòng của trăm họ đối với cái chết của vua Quang Trung.

Với giá trị văn học của bốn câu đối khóc vua Quang Trung vừa trình bày rất xứng đáng với vị trí lịch sử văn học thời Tây Sơn. Do vì khả năng hiểu biết của chúng tôi có hạn, còn trí tuệ của tác giả các câu đối thì quá thâm viễn, sợ rằng việc phiên âm, dịch nghĩa của chúng tôi chắc chắn có điều bất cập. Vậy cho phép tôi cảm ơn cụ Nguyễn Nhân Lục người có công sưu tầm tài liệu này; cảm ơn anh Nguyễn Hoài Văn và em Huỳnh Chương Hưng đã góp công tra cứu, mong hải nội hải ngoại chư quân tử chỉ giáo thêm.

. Theo Vũ Ngọc Liễn (Góp nhặt dọc đường)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (04/11/2005)
Nước giếng vuông - tinh túy của đất trời  (04/11/2005)
Huyền thoại Chàng Lía và giá trị văn hóa tinh thần   (02/11/2005)
Lăng mộ cổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn  (01/11/2005)
Trần Thị Kỷ - ngọn lửa bất diệt (1947-1966)  (30/10/2005)
Cuộc hành quân đành bỏ dở  (28/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương  (26/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương   (24/10/2005)
Huỳnh Đăng Thơ (1889-1982)   (23/10/2005)
Khám phá thành Tà Kơn huyền bí  (21/10/2005)
Căn cứ Đèo Mang  (21/10/2005)
Thành đất ở thôn An Lũy  (19/10/2005)
Đồn lũy trên đất Tây Sơn  (18/10/2005)
Bàn về "Chiếu cầu lời nói thẳng" của triều đại Tây Sơn  (16/10/2005)
Mắm cua đồng  (14/10/2005)