Nước trà quế
7:45', 17/11/ 2005 (GMT+7)

Hai chữ trà quế nghe thật sang, thật quý phái nhưng thực ra đó là thức uống thật bình dị. Thức uống nông dân Bình Định ưa thích nhất. Cứ nhìn phong cách uống trà của họ là thấy ngon, thấy thèm.

Trà quế là cây thân mộc, cành lá sum suê, có rải rác vùng chân núi Bình Định, Quảng Ngãi. Vùng Bình Định, trà quế có nhiều ở hai huyện Tây Sơn và Phù Cát. Hái trà quế không giống như hái trà đồi. Trà đồi chỉ hái các đọt, búp hoa. Trà quế hái cả lá già lá non và đôi khi cả trái nửa. Thu hoạch về, lá trà được vò nát bằng tay hay chân đạp. Lá trà xơ xác, giập gãy. Đem phơi khô, rồi cho vào bao tải để chở đến khắp nơi trong tỉnh. Giá khá rẻ, hợp túi tiền của nhà nông. Trà quế uống ở nhà và nhất là khi đi làm đồng.

Cày được vài tiếng đồng hồ họ phải dừng lại uống nước. Bên vệ đường, dưới bóng cây râm mát, người vợ, người phụ nữ đã nhen xong bếp lửa. Lửa cháy rực, ba mảnh gạch thay cho ba ông táo đội chiếc om đất. Om là thứ nồi đất không quai chỉ có cổ. Một thanh tre dài, mềm uốn cong ôm lấy cổ om. Trong om là trà quế. Trà khá nhiều. Trà bắt đầu sôi, những bọt trà bắt đầu dâng trào. Phải thêm vào một ít nước lạnh, bọt từ từ hạ xuống. Hạ bớt lửa. Chiếc bát sành khá lớn gọi là bát chân tượng đã sẵn một nửa nước lã. Người pha lấy que ôm quàng qua cổ om, từ từ đưa trà om trà lên cao chừng nửa thước rồi rót trà vào bát. Bọt từ trong bát dâng lên, bọt trắng như một bát cơm.

Bác nông dân đang tựa mình vào gốc cây nhổm dậy, hai tay nâng bát trà, miệng thổi nhẹ qua lại, không phải vì nóng mà để cho bọt dạt ra hai bên. Đưa bát lên miệng, uống một hơi cho đến khi cạn bát. Nghe tiếng ừng ực đều đều. Khoái trá bác ưỡn người tựa vào gốc cây lim dim đôi mắt, mồ hôi lại tuôn đẫm cả áo. Có người cởi áo ra phất phất xua cái nóng.

Bây giờ trên nét mặt thanh thản kia hiện lên một quầng trắng quanh miệng. Đó là dấu bọt trà quế, trông thật buồn cười. Hết người này đến người khác, cứ mỗi người uống một bát. Dễ chừng thể tích mỗi bát phải hơn một lít, thế mà nước cứ tuôn tuột như không.

Một chục thỏi đường đen để bên cạnh, họ mời nhau cười nói vui vẻ. Tiếng nhai đường rào rào trong miệng trông phát thèm. Mỗi người lại uống lưng bát nữa. Cái mệt nhọc như theo mồ hôi mà tiêu tan. Họ lại trở về đồng tiếp tục công việc.

Tôi đã vài lần uống món trà này, trà có mùi thơm thơm, vị chát nhưng khi uống xong vị ngọt còn đọng lại trong hầu.

Trà này mà uống vào buổi sáng thì sau một lát thấy trong ruột như cồn cào đói. Trà quế cũng kích thích như trà nên khi uống xong thấy trong người như khỏe hơn, khoan khoái hơn.

Mỗi địa phương, mỗi lớp người theo công việc mà phong cách ăn uống khác nhau. Nông dân Bình Định thích trà quế. Trà quế uống được nhiều, thỏa được cơn khát nhất là khi lao động nặng trong môi trường nắng nóng.

. Theo Văn hóa Ẩm thực Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cốm bắp  (15/11/2005)
Nghệ thuật thời Tây Sơn  (13/11/2005)
"Kiến Quang Trung linh cữu" - một tư liệu lịch sử quý  (11/11/2005)
Bốn câu đối khóc vua Quang Trung  (06/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (04/11/2005)
Nước giếng vuông - tinh túy của đất trời  (04/11/2005)
Huyền thoại Chàng Lía và giá trị văn hóa tinh thần   (02/11/2005)
Lăng mộ cổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn  (01/11/2005)
Trần Thị Kỷ - ngọn lửa bất diệt (1947-1966)  (30/10/2005)
Cuộc hành quân đành bỏ dở  (28/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương  (26/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương   (24/10/2005)
Huỳnh Đăng Thơ (1889-1982)   (23/10/2005)
Khám phá thành Tà Kơn huyền bí  (21/10/2005)
Căn cứ Đèo Mang  (21/10/2005)