Bình Định là một trong những cái nôi của nền võ học chân truyền Việt Nam. Ngoài các làng võ, những dòng họ võ cũng là biểu hiện sống động của truyền thống đó. Trong những dòng họ này, vẫn còn lưu giữ nhiều tài liệu võ quý giá, mà một trong số đó là sách võ hiện đang được dòng tộc họ Trương (thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) giữ gìn.
|
Ông Trương Đức Hồng đang mở hộp gỗ lưu giữ cuốn sách võ. |
Theo ông Trương Đức Hồng, người hiện đang lưu giữ cuốn sách võ này, thì ông tổ dòng họ Trương là Trương Đức Thường người xứ Thanh Hà, tỉnh Hải Dương vào khai sơn phá thạch ở vùng núi Ngạch (nay thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) vào đầu thế kỷ thứ XVII (khoảng năm 1605). Sau đó mới đến định cư ở thôn Phú Thiện (xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ) cho đến ngày nay. "Khi ấy, cả vùng đất quanh nơi này hãy còn là chốn rừng núi. Tổ tiên chúng tôi phải luyện tập võ nghệ để đương đầu với thú dữ và những hiểm nguy nơi vùng đất mới. Tôi nghĩ, đó là lý do mà tổ tiên chúng tôi biên chép và truyền tụng những thế võ trong cuốn sách này"- ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng thì trong gia phả của dòng tộc để lại, dòng họ Trương có nhiều người học giỏi, thi đỗ cử nhân, cả văn lẫn võ và hầu như đều theo nghiệp văn chương và nghiệp võ. Như ông Trương Đức Giai, Trương Đức Lân, Trương Trạch... đều đỗ cử nhân võ. Trong đó, ông Trương Trạch chính là thầy dạy võ cho ông Trương Thanh Đăng, sau này làm chưởng môn phái Sa Long Cương (một trong những môn phái có ảnh hưởng lớn ở Nam Bộ). Còn căn cứ vào bài vị thờ ông Trương Đức Giai tại từ đường họ Trương, thì ông Giai chính là người biên soạn tập sách võ hiện vẫn còn lưu truyền trong dòng họ Trương.
Lập cập lấy từ bàn thờ gia đình ra một chiếc hộp gỗ, ông Hồng mở ra cho chúng tôi xem tập sách võ mà dòng họ Trương đã gìn giữ như một báu vật thiêng liêng. Tập sách nay chỉ còn 26 trang khổ nhỏ, bằng một nửa khổ sách thông dụng hiện nay, trong đó chép 15 bài thiệu bằng chữ Hán, 2 bài thiệu bằng chữ Nôm còn các trang tiếp theo đã bị mất hoặc bị rách. Các bài còn lại được viết theo thể thơ, trong đó có một số bài chưa truyền bá trong dân gian. Tuy nhiên, theo các tác giả của công trình Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định thì trong số các bài thảo trên, một số bài như bài Ngũ môn thảo, Trực chỉ thảo, Long đao thảo, Ô du thảo... trùng tên với các tư liệu đã sưu tầm và phát hiện ở các huyện trong tỉnh. Điều này chứng tỏ các bài thiệu phần nhiều có xuất xứ từ các vùng đất có truyền thống võ thuật lâu đời của Bình Định và những bậc tiền bối họ Trương đã có công sưu tầm, chắt lọc.
Điều đáng quý nhất là trong tập sách võ này có lời thiệu bài quyền Ngọc trản, một bài quyền hội đủ các yếu tố có tính cơ bản và là một trong những bài mang tính chính thống, tiêu biểu của võ Bình Định. Bài quyền hiện vẫn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong dân gian với luyện tập công phu, tấn công toàn diện, kết hợp cương nhu, lại có những thế né tránh, phản đòn lợi hại; khi di chuyển thì linh hoạt, nhẹ nhàng, nhưng khi ra đòn thì mạnh. Với việc phát hiện ra bài thiệu, các nhà nghiên cứu mới nhận thức được tính liên hoàn âm - dương xuyên suốt cả bài quyền và chỉnh lý được những sai lầm do việc lưu truyền tam sao thất bổn trước đây. Bài thiệu quyền Ngọc trản đích thực là một viên ngọc quý trong tập sách võ của họ Trương.
|
Trang đầu của cuốn sách võ hiện lưu giữ tại nhà ông Trương Đức Hồng. |
Ông Trương Đức Hồng nay thuần chất lão nông ở cái tuổi 66. Chữ Hán ông không tỏ và thế võ ông cũng chẳng rành. Và đâu chỉ ông Hồng, cả dòng họ Trương ở Mỹ Hòa, nay chẳng ai biết võ hay luyện võ. "Họ Trương tụi tui nay lấy cái học làm đầu. Xưa học võ là để đấu tranh với cái ác, bảo vệ gia tộc nơi vùng đất mới, thì nay chăm lo sự học để lập thân, lập nghiệp với đời"- ông Hồng nói.
Quả vậy, họ Trương ở Mỹ Hòa nay có khoảng 35 hộ thì đã có trên dưới 30 người đã hoặc đang theo học đại học và có 3 người trong họ có học vị Tiến sĩ đang công tác ở các thành phố lớn. Phải chăng, chính truyền thống võ học từ xưa của dòng họ đã hun đúc cho ý chí học tập của người hôm nay. Ấy cũng chính là một cách tiếp nối truyền thống, dẫu là theo một hướng khác.
Nhưng điều tâm niệm nhất của những người trong họ cũng như những người nặng lòng với truyền thống đất võ Bình Định là tập tư liệu võ này sẽ sớm được dịch và giới thiệu rộng rãi. "Hồi mới giải phóng, ông Đặng Quý Địch từ Hoài Nhơn cũng vô xin sao chép lại để phiên dịch, rồi sau này, những người thực hiện đề tài về võ cổ truyền Bình Định cũng phô-tô lại. Nhưng mãi mà những tư liệu này vẫn chưa được dịch và chú giải đầy đủ"- ông Hồng tâm sự.
|