Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11:
Nền giáo dục Việt Nam cổ - một nền giáo dục tôn vinh hiền tài
12:25', 20/11/ 2005 (GMT+7)

Nền giáo dục Việt Nam có thể nói là bắt đầu từ thời các vua Hùng. Nhưng cái mốc để khẳng định sự tồn tại và trưởng thành của nền giáo dục Việt Nam là năm 1070, khi vua Lý Thánh Tông lập Văn Miếu thờ Khổng Tử và các môn đồ, rồi năm 1075 kỳ thi Nho học đầu tiên được tổ chức ở nước ta, năm 1076 lập Quốc Tử Giám - một loại hình trường đại học - để đào tạo nhân tài.

Như vậy nền giáo dục Việt Nam có thể gọi là có một lịch sử lâu đời. Điều đó cũng phù hợp với truyền thống "tôn sư trọng đạo" coi trọng giáo dục, coi trọng học vấn của ông cha ta ngày xưa.

Trước hết, nền giáo dục Nho giáo có mục tiêu đào tạo là những "kẻ sĩ quân tử" theo mô hình Nho giáo. Mô hình đó gồm 4 chữ: tu, tề, trị, bình với cốt lõi là Tứ thư, Ngũ kinh. Đó là những con người sùng bái quá khứ, "thuật nhi bất tác", tin vào vận mệnh, là con người "nghĩa vụ", con người trung quân chính danh, con người của "luân thường".

Nền giáo dục cổ Việt Nam mang tính chất dân chủ nhất định, nó không phải là độc quyền của giai cấp thống trị. Nền giáo dục ấy là của dân, của làng xã, của từng gia đình phù hợp với nguyện vọng của từng cá nhân. Do vậy, trong tầng lớp nho sĩ Việt Nam có rất nhiều nhà khoa bảng xuất thân từ hàn sĩ mà làm nên danh phận.

Quan niệm "học để làm người" là tính chất nổi bật của nền giáo dục Việt Nam cổ. Giáo dục thời xưa là một thứ giáo dục nhân văn, lấy chữ "nhân" làm gốc. Vai trò của "kẻ sĩ" được coi trọng. Kẻ sĩ, người hiền là "nguyên khí của quốc gia", người tài, người hiền "thực tài" sẽ là người giúp vua, giúp nước. Thi cử, đỗ đạt chỉ là bước khởi đầu của kẻ sĩ, còn lãnh lấy trách nhiệm xã hội, quốc gia mới là nơi thể hiện "thực tài" của mình. Chính vì vậy mà các triều đại đều chăm lo cho giáo dục, thời nào cũng vậy đều có chính sách "cầu hiền", có chính sách đãi ngộ và tôn vinh kẻ sĩ.

Vua Quang Trung đã từng có "Chiếu lập học" để khuyến học trong nước, có câu: "Dựng nước lấy việc học làm đầu, trị nước lấy nhân tài làm gốc". Cái gốc của giáo dục thời xưa chính là văn hóa, văn minh, dân trí của dân tộc. Giáo dục thời xưa đã hun đúc nên nhiều nhà văn hóa lớn cho đất nước.

Giáo dục thời xưa là một nền giáo dục được pháp chế hóa chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Tất cả những gì liên quan đến giáo dục, từ mục đích, phương hướng, quyền lợi và nghĩa vụ của người làm giáo dục và người đi học, cách tổ chức học hành thi cử, các biện pháp giáo dục… đều được triều đình quy định trong các bộ luật, chỉ dụ và được các hương ước, các tập tục ở làng xã làm rõ thêm.

Giáo dục thời xưa là một tổng thể bao gồm: giáo dục gia đình, giáo dục làng xóm, và sự khích lệ và đãi ngộ của triều đình. Tất cả nhằm tạo nên một con người "có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất" (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục).

Tinh hoa của nền giáo dục Việt Nam cổ còn được nói rõ hơn trong các văn bia tiến sĩ dựng tại Văn Miếu (Hà Nội). Bắt đầu từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có lệ dựng bia ghi tên các tiến sĩ ở Văn Miếu tại kinh đô.

Trong những bài Ký trên các tấm bia ở Văn Miếu đã ghi rõ về mục đích của việc dựng bia là nhằm biểu dương khoa cử, biểu dương các nho sĩ hiển đạt và khích lệ việc học hành thi cử. Bia khoa đầu tiên (1442) ghi: "Cho nên lại ghi tên khắc đá, bày nơi cửa Hiền Tài, khiến kẻ sĩ trông vào mà sinh lòng hâm mộ, phấn chấn tự rèn luyện lấy danh tiết". Bia năm 1739 lại nói rõ hơn: "Tuy đã nêu (tên) lên bảng vàng, yết (tên) ở cửa nhà học, thỏa mãn tai mắt mọi người song vẫn chưa đủ để lưu truyền hậu thế, dù đã ghi trong sổ quế cất nơi triều đình, không thiếu những sách sử chép rõ, song vẫn chưa đủ để biểu dương tiếng tăm, vì thế sai khắc vào bia đá dựng ở nhà Thái học, khiến cho khoa danh và tên họ còn tiếng thơm mãi đến muôn đời".

Khẳng định vai trò và giá trị của nhân tài (hiền tài), bia khoa đầu tiên (1442) nêu rõ: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy; cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo gây dựng nhân tài".

Theo quan niệm của Nho giáo thì nguyên khí là cái tinh khí tiên thiên, phần tinh túy của các vật, của sự sống, tức là sức mạnh tiềm năng, tiềm lực. Nhân tài (hiền tài) phải qua vun trồng, bồi dưỡng, thi cử mà có, "Phải có đào tạo sau mới có nhân tài" (bia năm 1446). Có học tốt thì thi mới tốt, và có thi tốt thì mới kích thích học tốt ở tầng tiếp nối. Khoa cử và dựng bia là với ý nghĩa đó.

Tuy vậy, người xưa cũng nói rõ, tài phải gắn liền với đức, nên văn bia có những lời răn dạy kẻ sĩ về đạo lý, về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở đời. Cũng ở văn bia đầu tiên nói rằng: "Thử đem tên họ những người đỗ trong một khoa này mà điểm lại, hạng người đã đem văn học chính sự ra mà tô điểm cho cảnh trị bình, hiến mình cho nước nhà trong mấy chục năm nay kể cũng khá nhiều, nhưng cũng có kẻ vì hối lộ mà mắc tiếng xấu, hoặc sa ngã vào lũ gian tham, hạng người này không phải không có. Có lẽ vì đời họ chưa được trông thấy tấm bia này, ví thử được kịp thời trông thấy thì lòng thiện tất phải nảy nở mà lòng ác phải tắt ngấm…".

Vậy là, qua lời văn bia trên, cho rằng kẻ sĩ phải có nhiệm vụ đem tài năng (văn học, chính sự) tô điểm cho cảnh trị bình tức đem lại cảnh thịnh vượng thái bình. Kẻ sĩ còn phải hiến mình cho đất nước tức có trách nhiệm về sự hưng vong của đất nước, không thể làm ngơ trước vận mệnh của đất nước, phải làm cho đất nước hiển vinh. Kẻ sĩ còn có trách nhiệm về đạo lí là không được thoái hóa, sa ngã, đồi bại.

Tính chất thân dân của kẻ sĩ, thực chất là cách ứng xử, hành động của kẻ sĩ, cũng được văn bia đề cao như trong bia năm 1577: "…vì thế mới có việc đề tên khắc đá, cho người đời sau kính cẩn noi gương, những người làm quan mới có thể khi tại chức thì dám nói, dám can, kính vua và bảo vệ dân để người đời sau phải khen là bậc quân tử ngay thẳng, ngõ hầu mới không hổ với hai chữ khoa mục. Trái lại nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu ấm no, lấy con đường ấy làm lối tắt để bước lên hoạn lộ, thì đời sau sẽ gọi là kẻ tiểu nhân gian tà thành ra lại bôi xấu khoa mục". Sự trong sáng của khoa cử thời xưa chính là ở chỗ này.

Nền giáo dục Việt Nam cổ, cùng với những thể hiện ở văn bia trong Văn Miếu, suốt gần ngàn năm khoa cử, đã đào tạo những kẻ sĩ, những nhà văn hóa lớn của đất nước, góp phần lớn vào sự phát triển của dân tộc như: Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… và cả Hồ Chí Minh cũng có thể và cần được xem như là đã xuất phát từ giáo dục Nho giáo.

  • Trần Xuân Toàn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nước trà quế  (17/11/2005)
Cốm bắp  (15/11/2005)
Nghệ thuật thời Tây Sơn  (13/11/2005)
"Kiến Quang Trung linh cữu" - một tư liệu lịch sử quý  (11/11/2005)
Bốn câu đối khóc vua Quang Trung  (06/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (04/11/2005)
Nước giếng vuông - tinh túy của đất trời  (04/11/2005)
Huyền thoại Chàng Lía và giá trị văn hóa tinh thần   (02/11/2005)
Lăng mộ cổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn  (01/11/2005)
Trần Thị Kỷ - ngọn lửa bất diệt (1947-1966)  (30/10/2005)
Cuộc hành quân đành bỏ dở  (28/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương  (26/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương   (24/10/2005)
Huỳnh Đăng Thơ (1889-1982)   (23/10/2005)