Truyền thuyết về cây đàn Aradon của người H're
10:34', 23/11/ 2005 (GMT+7)

Một già làng Bana ở Đăk Mang (Hoài Ân) đang chơi đàn Pơrăng (ảnh: Công Tâm)

Đàn Aradon là một nhạc cụ cổ truyền của người H're ở An Lão. Cây đàn một dây đơn sơ với âm điệu trầm buồn ấy gắn liền với một truyền thuyết về chuyện tình yêu về lòng thủy chung mà bất cứ cô gái, chàng trai nào khi bước vào tuổi "hát xoan" cũng được cha mẹ kể cho nghe.

Đã lâu lắm rồi, tự bao giờ thì người già nhất làng cũng không nhớ, và chuyện xảy ra khi người già chưa có; cha, ông nội và cả người sinh ra ông nội cũng chỉ được nghe người lớn kể lại là ngày xưa…

Phải! Ngày xưa, thuở con người dưới trần và tiên trên trời còn liên lạc được với nhau, ở một làng nọ, có một chàng trai tên là Aradon sống với mẹ già. Hằng ngày Aradon đi săn bắt thú rừng ở những khu rừng xa nhất. Nơi đó có các nàng tiên trên trời thường xuống tắm ở con suối trong xanh chảy từ thượng nguồn xa tít. Có người còn cho là con suối ấy bắt nguồn từ nơi trời đất giao nhau nên bốn mùa trong vắt, đôi bờ hoa nở, bướm lượn, phong cảnh hữu tình như là cảnh tiên vậy.

Một hôm, chàng trai mải miết theo dấu chân một con heo rừng, chàng đi mãi, đi mãi mới hay mình đã đến gần bờ suối. Bỗng chàng nghe tiếng la thất thanh của một cô gái, Aradon vội chạy đến thì thấy con đại bàng đang cắp lấy đôi cánh tiên bay vút lên. Không chần chừ gì cả, chàng tháo vội cung tên nhắm thẳng con đại bàng. Mũi tên chính xác của chàng thiện xạ đã xuyên thẳng vào tim của con đại bàng, nó rơi xuống vực sâu mang theo đôi cánh của nàng tiên.

Chàng trai không ngần ngại leo xuống vực sâu để tìm cho được đôi cánh ấy. Nhận được đôi cánh, nàng tiên vô cùng cảm kích trước tấm lòng của chàng trai tốt bụng và tài ba. Hai người chia tay trong lưu luyến. Chàng trai cứ nhìn theo mãi bóng dáng của nàng tiên cho đến khi nàng chỉ còn là một chấm nhỏ trên nền trời, rồi mất hẳn.

Aradon về nhà lòng buồn nhớ bâng quơ, nhìn đâu chàng cũng nhìn thấy bóng dáng của nàng tiên bé nhỏ, chỉ mong trời mau sáng để đến nơi gặp gỡ với nàng tiên. Thời gian trôi qua, hai người đã sống bên nhau những giờ hạnh phúc tuyệt vời, họ đã thề chỉ có cái chết mới chia lìa tình yêu đôi lứa.

Vua cha trên trời hay được đùng đùng nổi giận sai thiên sứ xuống bắt nàng tiên về trời và nhốt vào cấm cung, không cho nàng xuống trần nữa. Nàng tiên và chàng trai khóc lóc van xin, nước mắt của họ chảy thành dòng suối nhỏ theo sông về biển nên biển mới có vị mặn như hôm nay.

Trước khi theo thiên sứ về trời, nàng tiên chỉ kịp rút chiếc trâm cài tóc và đưa lên miệng thổi. Chiếc trâm cài biến thành cây đàn một dây có hình dáng như cây trâm cài tóc.

Nàng tiên đi rồi, chàng trai ngày ngày ôm đàn kéo lên những khúc nhạc buồn thảm, tiếng đàn réo rắt như oán như than cho tình yêu tan vỡ. Do quá nhớ thương người yêu, không buồn đến ăn uống chàng ôm đàn đến con suối tiên trầm mình. Dân làng vớt chàng trai chôn bên bờ suối, đặt tên cho cây đàn có cung buồn ai oán ấy là đàn Aradon!

  • Báo Bình Định năm 1998
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở Phước Thắng  (21/11/2005)
Nền giáo dục Việt Nam cổ - một nền giáo dục tôn vinh hiền tài  (20/11/2005)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nước trà quế  (17/11/2005)
Cốm bắp  (15/11/2005)
Nghệ thuật thời Tây Sơn  (13/11/2005)
"Kiến Quang Trung linh cữu" - một tư liệu lịch sử quý  (11/11/2005)
Bốn câu đối khóc vua Quang Trung  (06/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (04/11/2005)
Nước giếng vuông - tinh túy của đất trời  (04/11/2005)
Huyền thoại Chàng Lía và giá trị văn hóa tinh thần   (02/11/2005)
Lăng mộ cổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn  (01/11/2005)
Trần Thị Kỷ - ngọn lửa bất diệt (1947-1966)  (30/10/2005)
Cuộc hành quân đành bỏ dở  (28/10/2005)
Nguyễn Bá Huân - kẻ sĩ thời nhiễu nhương  (26/10/2005)