Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng
12:24', 27/11/ 2005 (GMT+7)

Dưới thời Pháp thuộc, những quan chức có lương tri bị xúc phạm, bực tức đánh Tây, thường thấy. Chán đời bỏ quan về nhà mà lại được thưởng, hiếm thấy.

Hình như lúc ấy là năm 1925 thì phải, đang làm Tuần phủ Khánh Hòa bỗng nhiên cụ Phó bảng Đào Phan Duân bỏ quan về nhà. Nhiều người phân vân muốn biết nguyên do nhưng chỉ nhận được ở cụ câu trả lời gọn lỏn:

- Không thích làm quan nữa thì về.

Tuy vậy, thói tò mò của người đời cuối cùng thiên hạ cũng biết được rằng do vì cụ buộc phải chạm trán với viên công sứ Pháp ở Khánh Hòa. Xung đột dữ dội, đến nỗi có người nói:

- Cụ xách ghế đập vào đầu viên công sứ...

Có người lại nói:

- Không đến nỗi thế, cụ chỉ tức giận đứng dậy xô chiếc ghế đang ngồi ngã về phía trước mặt quan công sứ...

Nếu hiểu cái nghĩa của từ "đánh" theo câu tục ngữ "Một cái giá (dọa) bằng ba cái đánh" thì thông tin thứ nhất vẫn có độ chính xác nhất định. Còn sự việc cụ thể dẫn đến xung đột thì ít ai biết. Chỉ biết rằng sau khi vụ việc xảy ra, phía Pháp, quan tòa quyền Đông Dương "thổi còi, rút thẻ đỏ", không phải đuổi công sứ Khánh Hòa ra khỏi sân cỏ chính trị mà đổi hắn đến nơi khác vì xét ra chính y có lỗi.

Còn phía Nam triều thì vua Khải Định thăng hàm Tổng đốc cho cụ Phó bảng và thể theo nguyện vọng của cụ cho về hưu. Sau khi hưu còn được thăng hàm Thượng thư trí sự, rồi Hiệp biện đại học sĩ tùng nhất phẩm. Nguồn tin không chính thức nói rằng: sở dĩ vua Khải Định dành sự ưu ái ấy đối với cụ phó bảng là vì lúc chưa lên ngôi, nhà vua từng được quan Phủ doãn Thừa Thiên Đào Phan Duân nhiều phen cứu ông "hoàng Mười" (tức vua Khải Định) thoát nạn nợ cờ bạc, cho nên đây là dịp nhà vua đền ơn đáp nghĩa. Còn đối với cụ Phó bảng khi đã quyết định "bỏ cuộc chơi" trong chốn quan trường thì dù có mang quan hàm kia, phẩm tước nọ, trí sự hay không trí sự chẳng qua là "áng phù vân" chứ chẳng nghĩa lý gì. Bài ca trù Hưu đình xuân yến của cụ Phó bảng nói lên điều ấy:

Nhân sinh quý thích chí

Áng phù vân phú quí hãy tai ngơ

Này cờ, này kiệu, này rượu, này thơ

Đánh ba cốc tinh mơ cùng bầu bạn

Hoạn hải ba đào châu đáo ngạn

Giang sơn phong vị tửu vi nhai

Sẵn ngày xuân tân chủ đủ vừa hai

Vầy một cuộc thử coi đời mấy kẻ

Ngồi nghĩ lại phong lưu khi tuổi trẻ

Những đàn ca nhanh nhẻn biết chừng nào

Gẫm mùi chơi trúc nhục đã dồi dào

Mà hương xa ngô kiều còn đỏng đảnh

Trời đất cho ta còn khỏe mạnh

Ờ, cúc tùng cố cảnh hãy còn đây

Non sông bạn với râu mày...

(Theo bản sưu tầm của Nguyễn Hoài Văn)

Cụ Đào Phan Duân hiệu là Biểu Xuyên, sinh năm Giáp Tý (1864) làng Biểu Chánh, huyện Tuy Phước, đậu cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894), tại trường thi Bình Định, liền năm sau đi thi Hội khoa Ất Mùi (1895), tức năm Thành Thái thứ 7, đậu Phó bảng (lúc 31 tuổi).

Vì vậy, sau khi đậu phó bảng, ông bạn đồng niên là Nguyễn Lượng mừng câu đối:

- Hương khoa thập bát nhân, đoạt giáp tranh khôi hòa ngã tích

- Hội thí thập ngũ cử, khai lai kế văn khánh quân tiên.

Nghĩa là:

- Khoa thi Hương gồm 18 người, anh và tôi ngày ấy quyết tranh tài;

- Khoa thi Hội gồm 15 vị cử nhân, mừng cho anh là người đi trước tôi, anh đã nối nghiệp lớp tiền bối, mở đường cho lớp hậu sinh (của quê mình)

(Tài liệu của Nguyễn Hoài Văn).

Do vì ở Bình Định có đến hai ông đại khoa họ Đào và đều là hai con người đáng kính cho nên dân địa phương trong đời thường có cách xưng hô: cụ Đào Biểu Chánh, tức Đào Phan Duân, nhằm phân biệt với cụ Đào Vinh Thạnh, tức Đào Tấn, mặc dù Đào Tấn là lớp trước, Đào Phan Duân là lớp kế cận.

Sau khi đăng khoa, cụ Phó bảng Đào Phan Duân làm tư vụ nội các nhiều năm. Rồi trải qua các chức vụ: Đề học Phú yên, Án sát Nghệ An, Phủ doãn Thừa Thiên, đến Tuần phủ Khánh Hòa thì "thuyền đến bến", lánh xa sóng to gió dữ của biển quan trường.

Năm 1901, Thành Thái thứ 13, cụ Phó bảng được bổ nhiệm làm Đề học tỉnh Phú Yên, ông Hiệp biện đại học sĩ sung quốc sử quán Cao Xuân Dục và ông Cao Xuân Hải tặng bài thơ:

Tùng cổ nhân sư tận kháng nhan

Kinh sư dị đắc nhân sư nan

Tiên ban hưng động quan mai các

Hoạn lãnh trì tư mục túc bàn

Huyền tụng tự nhiêu danh giáo lạc

Đình vi cận thị tịch thần xan

Tri quân bất phụ Quai Nhai bảng

Bằng sỉ do đương cửu vạn đoàn

Nghĩa là:

Từ xưa các bậc thầy dạy người đều có nét mặt nghiêm nghị.

Làm thầy giảng giải kinh sử thì dễ, làm thầy dạy làm người thì khó.

Bậc thềm nhà tiên (thầy giáo) dấy động đến gác mai nhà quan (ý nói đào tạo nên những quan chức có tài mà thanh liêm)

Bổng lộc quan giáo tuy ít nhưng thường xuyên có mâm rau đỗ cọng dài (thức ăn đạm bạc)

Giọng bình sách ngân vang như tiếng đàn là niềm vui của bậc danh giáo.

Được gần nhà hầu cơm mẹ sớm chiều.

Biết ngài là con người cao khuyết có thể sánh với tấm gương ông Trương Quai Nhai đời nhà Tống.

Sự di chuyển của con chim bằng còn phải đương đầu với bao khó khăn chín vạn dặm.

(Nguyễn Hoài Văn dịch)

Tổng đốc Bình Phú lúc bấy giờ là Dương Mộng Thạch, tức Dương Lâm (em ruột nhà văn Dương Khuê) cũng có thơ tặng:

Thân đáo Bồng Lai đệ nhị phong

Tử vi hoa hạ lộ hương nùng

Hựu khai huỳnh vũ truyền kinh trướng

Dao ức kim môn báo hiểu chung

Cù lãnh phiến vân nhàn độ điểu

Trúc lâm xuân vũ tẫn thành long

Mạc hiềm quan lãnh qui canh cận

Mục túc hương thanh vị diệc nùng

Nghĩa là:

Người đã đến ngọn núi thứ hai ở chốn Bồng Lai (ý nói đậu Phó bảng).

Giọt móc dưới dàn hoa Tử vi tỏa hương thơm ngát

Lại mở trường học với bức tường truyền dạy kinh sử

Xa nhớ tiếng chuông báo sáng nơi cửa vàng (kinh đô)

Con chim ung dung bay theo đám mây vượt đỉnh Cù Mông.

Mưa xuân, cả rừng trúc (nơi bảy ông hiền ở) đều thành dáng con rồng.

Chằng bận lòng về lương bổng quan giáo đạm bạc, miễn tiện bề đi lại dâng cơm canh hầu mẹ.

Mâm rau đỗ cọng dài hương thoang thoảng mà vị đậm đà.

(Nguyễn Hoài Văn dịch)

Thì ra thời nào cũng thế, lương bổng các nhà giáo đều đạm bạc, thức ăn thường trực của các nhà giáo là món rau đỗ cọng dài. Và như vậy là Đào Công trải qua các thời vua: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và là nhân chứng hai sự kiện lịch sử lớn thời ấy: sự kiện chính trị vua Duy Tân đi đày. Hai cha con, hai ông vua vì yêu nước thương nòi nuôi ý chí tự cường dân tộc mà bị thực dân Pháp kết tội đi đày xứ lạ. Và nếu chúng tôi không lầm thì bài thơ chữ Hán mà cụ Phó bảng viết vào lúc làm Tuần phủ Khánh Hòa vừa được hai năm chính là nhằm bày tỏ tâm sự của mình tưởng nhớ đến vua Thành Thái và vua Duy Tân, hai nhà vua mà ông gọi là "duyên tri ngộ":

Nha thành thừa lệnh nhị niên dư

Tự úy tuần tuyên trọng trách hư

Tiêu cán di quân ưu quận quốc

Mộ triêu lao mẫu vọng môn lư

Đơn tâm miễn thỉ thù tri ngộ

Bạch nhãn tương cao thính hủy

Bình lãnh tức kim thiên nhật cận

Thử thân đào chú hữu hồng lư

Nghĩa là:

Vâng lệnh vua đến thành Nha Trang đã hơn hai năm

Thẹn cho mình gánh vác chức Tuần Phủ quan đầu tỉnh mà làm không ra gì

Để mặc nhà vua đêm ngày lo toan chuyện nước

Nhọc lòng mẹ sớm tối tựa cửa trông mong

Tấm lòng son thề gắng sức đền duyên tri ngộ

Nhướng mắt trắng nghe dư luận chê bai

Núi non Bình Định giờ đây ngày càng gần

Tấm thân này được rèn luyện nhờ có cái lò nung.

"Nhướng mắt trắng nghe dư luận chê bai" phải chăng câu thơ có ý đề cập đến chuyện thời ấy vua Thành Thái có những hành vi giả khờ, giả mất trí nhằm che mắt thực dân Pháp để chúng không lưu ý đến hoạt động của nhà vua. Nhưng kết quả ngược lại, chúng dựa vào hành vi đó làm cái cớ phế truất nhà vua, đày ải nhà vua (?).

(còn tiếp một kỳ)

. Vũ Ngọc Liễn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăm cảnh chùa Hang  (25/11/2005)
Truyền thuyết về cây đàn Aradon của người H're  (23/11/2005)
Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở Phước Thắng  (21/11/2005)
Nền giáo dục Việt Nam cổ - một nền giáo dục tôn vinh hiền tài  (20/11/2005)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nước trà quế  (17/11/2005)
Cốm bắp  (15/11/2005)
Nghệ thuật thời Tây Sơn  (13/11/2005)
"Kiến Quang Trung linh cữu" - một tư liệu lịch sử quý  (11/11/2005)
Bốn câu đối khóc vua Quang Trung  (06/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (04/11/2005)
Nước giếng vuông - tinh túy của đất trời  (04/11/2005)
Huyền thoại Chàng Lía và giá trị văn hóa tinh thần   (02/11/2005)
Lăng mộ cổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn  (01/11/2005)
Trần Thị Kỷ - ngọn lửa bất diệt (1947-1966)  (30/10/2005)