Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng
8:35', 29/11/ 2005 (GMT+7)

(tiếp theo và hết)

Theo ông Trần Bùi Thao, con thứ cụ Tú tài Trần Trọng Giải kể lại rằng: Những năm tháng cụ Đào Phan Duân là Tư vụ ở Nội các và Phủ doãn Thừa Thiên, đã nhiều lần tiếp xúc với cụ Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền và cụ Phó bảng Phan Chu Trinh. Đào công rất tâm đắc với thuyết "Hợp quần doanh sinh" của Nguyễn Thượng Hiền và đồng tình với chủ trương Duy tân của Phan Chu Trinh. Cho nên sau khi về hưu, thoát được vòng cương tỏa, Đào công cảm thấy đã đến lúc và có điều kiện thực hiện điều mong muốn ấy.

Làm thủ tục hành chính xin phép nhà cầm quyền xong, Đào công mời hầu hết các nhân sĩ trí thức trong vùng họp bàn việc thành hội buôn Phước An, tên chính thức là Phước An thương hội. Lúc đầu ai cũng ngỡ ngàng bởi hầu hết cử tọa đều là kẻ sĩ, mà đầu óc kẻ sĩ bao đời nay chất đầy các thuyết nào là "thương nhân đa trá", nào là loại người hạng bét trong hàng ngũ "tứ dân" (sĩ, nông, công, thương)... cho nên để đạt được mục đích thành lập Hội, Đào công phải tiến hành một cuộc diễn thuyết nhằm thuyết phục mọi người mà đều là những con người không dễ thuyết phục.

Đối diện với những gương mặt ngỡ ngàng, cụ chậm rãi nói:

- Từ thời Xuân Thu chiến quốc Quản Trọng làm tướng nước Tề, ông chủ trương lấy thương nghiệp làm trọng điểm phát triển kinh tế và đã làm cho nước Tề phú cường. Tề Hoàn công vững nghiệp bá, Khổng tử và Mạnh tử lên án kịch liệt đường lối kinh tế của Quản Trọng, hai ông cho đó là "trá thuật" nhưng rồi chính Khổng tử cũng phải thừa nhận thành quả kinh tế liên quan đến chính trị mà Quản Trọng đã đem lại cho nước Tề. Ngài nói: Nếu không nhờ có Quản Trọng thì ta đã bị di địch hóa từ lâu rồi...

Ở hàng ghế cử tọa có tiếng thì thầm:

- Vì Tề Vương có cặp mắt xanh biết dùng Quản Trọng.

Cụ Đào tiếp:

- Đến đời nhà Tống, Vương An Thạch là bậc đại nho thức thời, ông thấy rõ cái họa hư văn đã đưa đất nước đến suy tàn, nên ông chủ trương thực hiện "biến pháp" một cách mạnh bạo, tiến hành cải cách mọi mặt, trong toàn bộ chủ trương cải cách đó cũng coi trọng thương nghiệp như Quản Trọng. Nhưng họ Vương bị phe bảo thủ chống kịch liệt. Thêm vào đó lại bị thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (bị Lý Thường Kiệt đánh tơi bời) nên mất chức Tể tướng, "biến pháp" thi hành dở dang bị bãi bỏ.

Cử tọa lại xôn xao:

- Đúng vậy, mãi về sau tên tuổi của Vương An Thạch được nhắc tới như kẻ tội phạm.

- Sang đời nhà Minh, Vương Dương Minh cũng là bậc đại nho, ông chủ trương "tri hành hợp nhất" để cải cách đất nước song chẳng ai nghe theo. Cái học của họ Vương truyền sang nước Nhật. Về sau được Minh Trị thiên hoàng áp dụng và đã đưa Nhật Bản lên hàng cường quốc thế giới. Còn ở Trung Hoa thì mãi đến thời "Nha phiến chiến tranh" người nước này mới bừng tỉnh. Ở nước ta thì như một giấc ngủ mê, cái học hư văn xem nhẹ phần ứng dụng đã di hại sờ sờ trước mắt ta chẳng lẽ chúng ta còn chưa thấm thía ư? Giờ đây việc thành lập thương hội chỉ mong gióng lên một tiếng chuông để người sau đừng dẫm lên dấu xe trước, hòng nhen nhúm chút ý thức tự cường, còn hiệu quả kinh tế của thương hội nếu thành lập thì được bao nhiêu quý bấy nhiêu chứ chưa mong gì tranh lại mối lợi từ tay người nước ngoài.

Diễn thuyết của Đào công vừa là để thuyết phục, vừa là thông báo tôn chỉ, mục đích thành lập Phước An thương hội. Nghe xong, cử tọa hôm ấy như nhận được một luồng gió mới mát rượi cả gian phòng. Và thế là Phước An thương hội chuẩn bị mọi việc chọn ngày khai trương. Toàn thể cử tọa đều là hội viên cổ đông. Điều hành công việc của Hội là Ban Quản trị do các cổ đông bầu cử gồm có:

- Cử nhân Lê Doãn Sằn - hội trưởng.

- Tú tài Trần Trọng Giải - hội phó.

- Hương sư Mạc Như Tòng - thư ký kiêm kế toán.

Cụ Biểu Xuyên làm cố vấn tối cao và tú tài Lâm Thúc Mậu làm kiểm soát viên.

Hoài bão lớn nhất của Hội mà ai cũng hiểu ngầm chứ không tiện nói ra vì nhiều lẽ là xây dựng cơ sở tài chính đến mức khấm khá thì tiến hành chọn những học sinh có năng khiếu thông minh ở Bình Định cấp học bổng và tạo điều kiện cho các con em ấy đi du học nước ngoài.

Oái oăm thay! Thương hội vừa ra đời, năm đầu làm ăn khá, năm sau thì "sập tiệm". Hội trưởng Lê Doãn Sằn và hội phó Trần Trọng Giải phải bán gia sản riêng để trả nợ cho ngân hàng Đông Dương và thanh toán cho các cổ đông. Thương trường là chiến trường, đúng vậy, mà các ông Tú ông Cử thuở ấy khó bề trở thành chiến sĩ trên trận tuyến này, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến "sập tiệm".

Hoài bão sâu xa bị đổ vỡ, cụ Phó bảng Đào Phan Duân buồn quá đỗi!

Ông Trần Bùi Thao tâm sự: Thuở nhỏ, riêng tôi được cái may mắn là nhiều lần tiếp cận với Đào công, vì giữa thân sinh tôi với cụ là tình sư đệ, thân sinh tôi tôn xưng cụ là ân sư. Qua tiếp xúc tôi đoán biết được rằng Phước An thương hội tuy trở thành tiếng chuông rè nhưng ý chí tự cường dân tộc luôn đeo đuổi tâm hồn cụ Phó bảng, điều này thể hiện ở câu đối cụ điếu thân sinh tôi năm 1946:

- Cộng hòa chính sách, dân chủ mang vạn sự khôi trương, văn hưu võ chánh đương quyền, cựu học hoang lương, trùng niệm tư văn thương kết cuộc;

- Độc lập cơ nghi, ngô sài hữu nhất phần trách nhiệm, ngã lão quân thiên cửu bệnh, giả phiên ủng hộ, không giao ngã vụ phó đồng nhân.

Nghĩa là:

- Chính sách của nước cộng hòa, chế độ dân chủ đang bận rộn khôi phục và khẩn trương muôn vàn công việc, văn rút lui, võ đang lúc phải cầm quyền, cái học cũ trong cảnh đìu hiu, gẫm mà thương cho kết cục của cái học ấy;

- Cơ ngơi của nền độc lập, bọn ta có một phần trách nhiệm, tôi đã già còn ông thì đau ốm mãi khiến cho sự ủng hộ phen này (đối với chính thể mới), đành phó thác cái nghĩa vụ của chúng ta cho mọi người.

Đúng như cảm nhận của ông Bùi Trần Thao, đây không chỉ là câu đối điếu tang cụ tú Trần Trọng Giải mà còn là lời trăn trối, lời bàn giao thế hệ. Đào đại nhân trút cạn bầu nhiệt huyết của mình đối với chính thể mới, đối với cuộc Cách mạng tháng Tám thuở ban đầu.

Bước sang năm sau, năm 1947 thì cụ Phó bảng Đào Phan Duân, vị Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên Việt đầu tiên tỉnh Bình Định qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.

Rất may, trước khi qua đời Đào công còn có dịp gặp lại cụ Huỳnh Thúc Kháng (lúc ấy cụ Huỳnh với tư cách Quyền Chủ tịch nước, thay mặt Hồ Chủ tịch đi kinh lý các tỉnh miền Trung vừa đến Bình Định). Hai cụ gặp nhau tại huyện đường huyện Phù Cát. Cụ Huỳnh giới thiệu với mọi người rằng:

- Đào công và tôi là đạo thầy trò. Thầy là giám khảo chấm khoa thi mà tôi là thí sinh khoa ấy. Chính thầy đã chọn tôi trúng tuyển. Vì vậy nhân dịp đến tỉnh nhà tôi phải được thăm thầy.

Trong buổi gặp, cụ Đào thì ngồi mà cụ Huỳnh thì đứng mãi bên cạnh hầu chuyện. Một lời thưa thầy! Hai lời thưa thầy! Không chịu ngồi.

Tình thế rất khó xử. Hai mươi năm về trước, bị xúc phạm, Đào công ném chiếc ghế trước mắt viên công sứ Pháp rồi bỏ luôn chiếc ghế Tuần phủ của mình trở về nhà, cụ xử lý sao mà nhanh gọn, dứt khoát đến thế!.

Vậy mà hôm nay, bên cạnh cụ là chiếc ghế ân tình cho nên cụ xử lý khá là chậm chạp: phải đợi sau những lời thăm hỏi và trao đổi ngắn gọn về tình hình đất nước, chừng nửa giờ cụ Đào mới chủ động lấy cớ sức khỏe không cho phép, chào tạm biệt cụ Huỳnh để thoát cảnh kẻ đứng người ngồi.

Nào ngờ lần gặp gỡ ấy là lần cuối cùng, lời chào tạm biệt ấy lại trở thành lời chào vĩnh biệt của cả hai cụ!

  • Vũ Ngọc Liễn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng   (27/11/2005)
Thăm cảnh chùa Hang  (25/11/2005)
Truyền thuyết về cây đàn Aradon của người H're  (23/11/2005)
Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở Phước Thắng  (21/11/2005)
Nền giáo dục Việt Nam cổ - một nền giáo dục tôn vinh hiền tài  (20/11/2005)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nước trà quế  (17/11/2005)
Cốm bắp  (15/11/2005)
Nghệ thuật thời Tây Sơn  (13/11/2005)
"Kiến Quang Trung linh cữu" - một tư liệu lịch sử quý  (11/11/2005)
Bốn câu đối khóc vua Quang Trung  (06/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (04/11/2005)
Nước giếng vuông - tinh túy của đất trời  (04/11/2005)
Huyền thoại Chàng Lía và giá trị văn hóa tinh thần   (02/11/2005)
Lăng mộ cổ dòng họ Nguyễn Tây Sơn  (01/11/2005)