Tìm thấy một bản in bằng chữ Nôm dưới triều Quang Trung - Tây Sơn
20:29', 2/12/ 2005 (GMT+7)

Sau khi lên ngôi, vua Quang Trung đã đưa ra nhiều chính sách khẳng định quyền độc lập dân tộc. Trong đó có việc cải cách chữ viết, bỏ chữ Hán thay bằng chữ dân tộc (chữ Nôm). Để thực hiện chính sách này, Quang Trung đã lập ra viện Sùng Chính dưới chân Nghĩa Liệt (tỉnh Nghệ An) và giao trách nhiệm cho La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp chuyên dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm để phổ biến. Việc dùng chữ Nôm dưới triều Quang Trung đã được sử sách ghi lại, nhưng việc phổ biến và thực hiện đến đâu dù đã có nhiều hội thảo chuyên về Tây Sơn song chưa thấy tư liệu nào đề cập đến việc học chữ Nôm của nho sinh thời kỳ đó?

 

Tập bản in bằng chữ nôm niên hiệu - Quang Trung thứ 5.

 

Gần đây, tôi cùng ông Vũ Ngọc Liễn (nhà nghiên cứu tuồng) kiểm tra khối tư liệu chữ Hán bỏ trong kho bảo tàng lâu nay (chưa được chỉnh lý về khoa học) và đã phát hiện ra điều thú vị. Trong những tư liệu mà bảo tàng sưu tầm trước đây, chủ yếu là lịch sử Trung Hoa và Tự điển (có thể coi là sách giáo khoa của các sĩ tử Bình Định xưa), có một tập Kinh thi (quyển 2) được in hoàn toàn bằng chữ Nôm. Cái hay của cuốn sách này là niên hiệu đề: Quang Trung ngũ niên, thu nguyệt, cát nhật. Tạm dịch là: Quang Trung năm thứ 5, ngày lành mùa thu. Theo ông Vũ Ngọc Liễn thì đó là tập sách học của học sinh được in dưới thời QuangTrung. Hiện tập sách còn 77 trang, bìa đã mất, do in mờ nên "người học trò" đã có động tác đồ lại những chữ nào chưa rõ nét.

Xác định đây là tập sách học in dùng cho nho sinh học dưới thời Quang Trung, rất phù hợp với chính sách cải cách chữ viết do ông ban hành sau khi lên ngôi. Phát hiện này cung cấp thêm cứ liệu lịch sử, chứng minh một trong những chính sách cải cách của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Một vấn đề đặt ra là sách được in ở đâu? Bình Định là nơi Phật giáo hình thành sớm với sự hiện diện của chùa Thập Tháp (trung tâm Phật giáo và kiêm luôn nhà in xưa); Nơi đây, hiện còn tập bản khắc kinh phật, nhưng khi tra tư liệu viết về chùa Thập Tháp thì những bản khắc này được Nguyên Thiều mang từ Trung Hoa sang và là bản khắc chữ Hán, không phải chữ Nôm, nên theo tôi, khả năng in tập sách này ở Bình Định là có thể loại trừ. Khả năng thứ hai là dựa vào lịch sử di dân trong những thế kỷ 18-19, cứ liệu này đáng tin hơn.

Như ta biết, sau khi Quang Trung băng hà, nhiều chính sách cải cách của ông đã bị bãi bỏ, trong đó có việc dùng chữ Nôm cũng đã không được thực hiện. Cuốn Kinh Thi bằng chữ Nôm là loại sách học (gọi theo hiện đại là sách giáo khoa) có thể có trong hành trang của một sĩ tử nào đó khi di dân vào vùng Bình Định cùng với gia đình và rất có thể được in từ viện Sùng Chính ở Nghệ An.

Với phát hiện này cho ta thêm cứ liệu lịch sử về một giai đoạn hào hùng của dân tộc.

  • T.S Đinh Bá Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh in  (01/12/2005)
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng  (29/11/2005)
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng   (27/11/2005)
Thăm cảnh chùa Hang  (25/11/2005)
Truyền thuyết về cây đàn Aradon của người H're  (23/11/2005)
Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở Phước Thắng  (21/11/2005)
Nền giáo dục Việt Nam cổ - một nền giáo dục tôn vinh hiền tài  (20/11/2005)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nước trà quế  (17/11/2005)
Cốm bắp  (15/11/2005)
Nghệ thuật thời Tây Sơn  (13/11/2005)
"Kiến Quang Trung linh cữu" - một tư liệu lịch sử quý  (11/11/2005)
Bốn câu đối khóc vua Quang Trung  (06/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (04/11/2005)
Nước giếng vuông - tinh túy của đất trời  (04/11/2005)