Biệt dấu trà Cam Khổ
8:51', 9/12/ 2005 (GMT+7)

Chỉ thoáng nghe truyền tụng, rằng vùng Vạn Hội (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) cách đây chưa đầy chục năm, vẫn còn thấy cây chè Cam Khổ, tôi vội vàng lên đường. Đi mà lòng cứ hy vọng mong manh, rằng sẽ tìm thấy, dẫu chỉ là chút dấu tích một danh chè, từng được chọn để tiến vua, và đã đi vào sách vở, trở thành niềm tự hào của người Bình Định.

 

Sông núi Hoài Ân - vùng đất trung du lưu dấu trà Cam Khổ. Ảnh TL

 

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận trà Cam Khổ - sản vật ở núi Hà Ra thuộc huyện Phù Mỹ. Nước non Bình Định (Quách Tấn) chép: trà Cam Khổ có nhiều ở vùng Kim Sơn thuộc huyện Hoài Ân và vùng Lạc Phụng thuộc huyện Phù Mỹ. Quách Tấn có khảo tả: "Lá thô, cộng lớn. Hương nồng và mới ngửi phảng phất như mùi mốc. Vị cũng nồng. Nhưng chất lại đắng so ra khác với các loại trà Tàu, cả lẫn chè ta, đều chát".

Còn một nhà văn thì viết: "Nâng một cốc trà Cam Khổ bốc khói, ngửi qua như có mùi mốc, nhưng nhắp thử một ngụm, cổ họng ngọt thơm đến hàng giờ không dứt. Đối với người đã nghiện trà này, mọi thứ danh trà quý hiếm từng được các văn sĩ cổ kim truyền tụng như Ô Long, Trảm Mã, Bạch Mao Hầu, Mẫu Đơn đều xếp hàng thứ phẩm" (Trần Thị Huyền Trang).

* Theo dấu cây chè Cam Khổ

Đặt chân lên đất Hoài Ân, chúng tôi muốn tìm đầu tiên là cây chè Cam Khổ. Không ít người Hoài Ân ngớ ra, vì họ cũng chưa hề nghe đến loại cây này bao giờ, chứ chưa nói đến chuyện uống. "Ở vùng này có chè Gò Loi, nhưng cũng mới đưa từ ngoài Bắc vô Nam thôi. Chứ trước đó đã có đâu mà nói đến chuyện tiến vua, dâng chúa chi chi đó" - có vị còn bảo vậy. Và khi nghe tôi nói ý định theo dấu chè Cam Khổ, ông  Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Hoài Ân, ngước ra nhìn bầu trời đen kịt, lại nhìn vóc dáng tôi rồi thở dài: "Chè Cam Khổ thì biết còn hay không mà tìm. Mà tìm cho ra được chút gì thì cũng cam go, khổ sở lắm đấy nhé…". Nói vậy nhưng rồi ông cũng mách tôi tìm gặp anh Võ Chí Hà, cán bộ Trung tâm, vốn cũng là người từng đi tìm cây chè Cam Khổ và cũng đã… thất bại.

Anh Hà cho biết, cách đây hơn chục năm, có lần anh và anh Huỳnh Văn Nhị (nguyên cán bộ của UBND huyện, nay đã vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) đã cất công đi tìm cây danh chè này. Anh Hà kể: "Hồi đó, anh Nhị thì tìm đến vùng Vạn Hội. Theo anh Nhị thì ở vùng Vạn Hội khi ấy chỉ còn cây chè đắng. Còn tôi lên tận Bok Tới, nhưng rồi cũng không tìm ra". Vậy là chỉ còn chút manh mối ở vùng Vạn Hội. Chúng tôi lại lên đường.

Con đường đến Vạn Hội giữa ngày mưa, vốn chẳng phải xa xôi gì so với từ thị trấn Tăng Bạt Hổ, bỗng trở nên lầy lội một cách đáng ngại. Qua hồ Vạn Hội, đập vào mắt chúng tôi là màu đất đỏ quạch, dấu vết của một vùng đất lưng chừng núi, thấm cái hơi hướm trung du. Tạt vào một ngôi nhà, ông Trần Văn Diền năm nay đã 70 tuổi. Nghe chúng tôi nhắc đến cây chè Cam Khổ, bỗng à một tiếng vẻ thú vị, rồi lại từ tốn thả dăm cọng trà Tàu vào ấm, vừa rót nước sôi, vừa thong thả.

Ông Diền nói: "Trà Cam Khổ vốn là một loại cây chè mọc hoang trong núi Chúa, ngọn núi nằm giữa địa giới hai huyện Hoài Ân và An Lão, sau mới được trồng trong vườn nhà. Núi Chúa nguyên có rất nhiều cây trái mọc chen lẫn cổ thụ, xưa tôi vẫn nghe các cụ gọi đó là vườn cây Gia Long, không rõ là thế nào. Hồi trẻ, tôi có vào một lần, tiếng là ở Vạn Hội nhưng phải đi bộ mất đúng một ngày mới đến nơi. Ngày đó, vào đến nơi, tất thảy đã không còn gì, chỉ còn cây rừng thôi. Trà Cam thì tôi chưa từng nếm qua, chứ trà Khổ thì tôi cũng đã uống vài lần. Nghe đâu nó cũng có tác dụng chữa bệnh, thành ra hồi đó, một người hàng xóm của tôi còn đúng một cây, mỗi lần thu hái được, anh lại dành cho tôi vài ấm. Uống tươi cũng được mà sấy uống như trà Tàu cũng xong. Nhưng chỉ cho một dúm vào uống là đắng ngắt. Nhưng chuyện cũng xảy ra cách đây non chục năm rồi. Không biết bây giờ ông bạn tôi còn giữ được cây chè đó không nữa?".

* Chè Cam và chè Khổ?

Người bạn của ông Diền chính là ông Trần Văn Quyển, người cũng ngay trong vùng Vạn Hội, nay đã 81 tuổi, cách nhà ông Diền độ vài trăm mét đường chim bay. Ngôi nhà khá nhỏ, lọt thỏm giữa một vườn chè. Cụ Quyển lúc đầu có vẻ hơi ngại với vị khách không mời, đến chỉ hỏi chuyện tào lao về… một cây chè. "Làm gì có, trước nhà tôi đúng là có cả vườn chè, trong đó có một cây chè Khổ, nhưng rồi chiến tranh, tôi sơ tán, đi xa về cả vườn chè tan tác, nay chỉ có cây chè thường thôi" - cụ nói.

Ngồi tán chuyện mãi, rồi cụ Quyển cũng bật mí, hóa ra trong vườn nhà cụ vẫn còn một cây chè Khổ. Cụ nói: "Trừ có tôi, còn không ai phát hiện ra được đâu. Trông ngoài thì cũng giống chè thường thôi, nhưng nhìn kỹ trên lá thì, đọt non có màu trắng như nhuốm tuyết. Đi hái chè mà chỉ bứt nhầm một ít lá là cả lạng trà sau đó sao lên có vị nhân nhẩn đắng". - "Vậy cụ có sao riêng ra không?" - tôi hỏi. "Thì vẫn, nhưng vài tháng mới được một, hai lạng, ít quá chỉ đủ dùng, và để lại cho bạn hàng quen có đặt trước. Mà nghe nói uống chè này chữa nhiều bệnh nên nhiều người đặt mua lắm, nhất là những nhà có phụ nữ mới sinh, nghe nói uống vào trợ tì, nhưng có mỗi một cây thì lấy đâu cho phỉ".

Miên man trong câu chuyện, cụ cho tôi biết, gọi chung là chè Cam Khổ chứ thực ra loại chè này gồm tới hai loại, chè Cam, lá nhỏ, tròn, mỏng, sắc xanh nhạt, có vị ngọt như đường; còn chè Khổ thì lá to hơn, xanh và dày, cứng hơn, ngắt ngọn non nhai thấy nhân nhẩn đắng, sắc lên thì có vị đắng ngắt. Những người mê trà thường lấy hai phần lá chè ngọt, một phần chè đắng sắc uống thì thấy vị đắng nhưng uống vào đến cổ thì ngọt thơm hàng giờ. Chè Cam xưa tôi cũng có một cây nhưng ngày tập kết về thì bom cày đạn xới, mất hẳn. Sau đó, tôi cũng cất công đi tìm, rảo khắp cả vùng này ấy chứ, mà mãi vẫn chưa thấy, có thể nó còn lẩn khuất đâu đó nhưng chưa tìm ra.

Có thể do vị ngọt hơn nên khó nhận biết chăng? Là tôi cứ nghĩ thế, để còn có hy vọng mà tìm.

* Thay lời kết

Cuộc hành trình vậy là vẫn chưa tới đích. Tôi đã không có ý định viết những dòng này. Nhưng rồi ngẫm lại, có quá nhiều sản vật từng là niềm tự hào một vùng đất, đã lưu thật sâu vào ký ức của cả cộng đồng, mà nay tìm lại thì đã chẳng còn. Mà đâu cứ trà Cam Khổ, ngay như cây chè Gò Loi mới đó mà nay đang sắp thành cổ tích, nhưng đây lại là đề tài một bài viết khác. Ghi lại như một cảnh báo, cũng là một lời tiếc nhớ. Và ước mong sẽ có lúc tìm lại được giống chè Cam. Để rồi chè Cam Khổ sẽ được sẻ ra trồng đại trà. Để trà Cam Khổ không chỉ là một huyền thoại và lấp lánh trong những câu chuyện kể với đầy niềm tự hào quê hương Hoài Ân.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đinh Ruối - Người con anh hùng của dân tộc H're  (08/12/2005)
Thú câu cá trê  (06/12/2005)
Trái tim và trái bom  (04/12/2005)
Tìm thấy một bản in bằng chữ Nôm dưới triều Quang Trung - Tây Sơn  (02/12/2005)
Bánh in  (01/12/2005)
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng  (29/11/2005)
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng   (27/11/2005)
Thăm cảnh chùa Hang  (25/11/2005)
Truyền thuyết về cây đàn Aradon của người H're  (23/11/2005)
Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở Phước Thắng  (21/11/2005)
Nền giáo dục Việt Nam cổ - một nền giáo dục tôn vinh hiền tài  (20/11/2005)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nước trà quế  (17/11/2005)
Cốm bắp  (15/11/2005)
Nghệ thuật thời Tây Sơn  (13/11/2005)