Cây lá dang là giống dây leo, lá có hình bầu dục, to bằng 2 ngón tay, mặt láng, có vị chua hấp dẫn, mùa nắng ăn giải nhiệt. Ở miền quê thì thường mọc ở bờ rào, đầu gò, bờ bụi...
Mẹ tôi, sau một ngày lao động, bà vội về nhà làm bữa cơm. Chỉ cần đi đến bờ rào hái một mớ lá dang để nấu canh chua với cá vụn hoặc cua, ốc... mà vẫn ngon ngọt, có vị chua dịu đặc trưng rất dễ ăn. Bữa cơm ở nông thôn thời ấy rất đạm bạc, chỉ mỗi một món canh lá dang cũng đủ cạn hết nồi cơm độn sắn (mì).
Lá dang cùng với ốc, cua.
Em về nấu bát canh chua tặng chàng.
Bây giờ đời sống người dân có khá hơn. Canh chua lá dang được nấu với thịt, tôm... và còn phụ gia bột ngọt. Muốn làm món nhấm thì có cá nướng cuốn lá dang. Cá lóc tươi cỡ bằng cườm tay trẻ em được nướng vàng, cuốn bánh tráng mỏng cùng với lá dang, lá gừng non, chấm với nước mắm nêm hay nước mắm nhỉ thì mới thấy vị chua lá dang đã làm cho món ăn thật lạ lẫm. Món gà nấu lẩu với lá dang đã đi vào nhà hàng cao cấp. Gà được chặt miếng, ướp gia vị, mắm muối độ nửa giờ rồi đem tao chín, đổ thêm nước. Sau cùng là vò lá dang bỏ vào.
Ở các quán nhậu bình dân có món "gié bò Tây Sơn" mộc mạc, giản dị. Có thể nói không nấu với lá dang coi như bất thành gié. Gié bò non được chà rửa với muối thật kỹ, xả nước sạch, cắt đoạn rồi đem ướp gia vị, mắm muối độ nửa giờ, sau đó tao cho chín. Thêm nước vào đun sôi rồi cho lá dang vào. Cuối cùng là mật bò. Món gié bò vừa đắng vừa chua, ngon ngọt, lạ miệng và chỉ đưa cay với rượu đế.
Lá dang nấu với gié bò
Vừa chua, vừa đắng, khỏi lo ế hàng.
Lá dang giản dị vậy thôi thế mà nó đã không thể thiếu được trong các bữa ăn của người dân quê hương Bình Định.
. Theo NLĐ |