Từ thời Minh Mạng đến cuối Thành Thái, trong vòng gần trăm năm ấy riêng tỉnh Bình Định xuất hiện năm vị tiến sĩ, ba vị phó bảng. Lê Văn Chân là vị tiến sĩ đầu tiên của Bình Định. Hồ Sĩ Tạo là vị tiến sĩ cuối cùng của tỉnh Bình Định.
Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, bằng chừng ấy thời gian, núi sông Bình Định hun đúc được chừng ấy vị tiến sĩ là một kỳ tích, một vinh hạnh lắm lắm.
Kỳ tích biểu hiện ở hiện tượng xuất hiện anh tài, ông Lê Văn Chân lúc mới 18 tuổi đã đỗ tiến sĩ - một hiện tượng gần như hiếm thấy. Ông sinh năm 1817, quê làng Trà Lam, huyện Phù Ly, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi, tức năm Minh Mạng thứ 16 (1853) từng làm tuần phủ Hưng Yên, không rõ năm tạ thế.
Ông Hồ Sĩ Tạo sinh năm 1869, quê làng Hòa Cư, huyện An Nhơn, đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1891), mãi đến 13 năm sau, tức năm 36 tuổi khoa Giáp Thìn, năm Thành Thái thứ 16 (1904) mới đỗ tiến sĩ.
Như vậy, năm tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo vinh quy cũng là năm cụ Đào Tấn về hưu. Tại lễ vinh quy của tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo cụ Đào có câu đối mừng:
Lục tuần ngã dĩ hưu quan khứ
Tam giáp quân sơ đắc đệ hồi.
Nghĩa là:
Đã sáu mươi tuổi ta là quan hưu ra đi;
Lần đầu ông đỗ tiến sĩ trở về.
Chữ nghĩa câu đối rất đơn giản, đơn giản đến mức cứ ngỡ câu nói đùa, vậy mà chiều sâu của mười bốn con chữ rất chi đơn giản ấy thật không đơn giản chút nào cả. Ngay tại lễ vinh quy hồi ấy, trong số quan khách đến dự có người hỏi:
- Thưa cụ! Có phải cụ dạy anh Hồ Sĩ Tạo đỗ đạt là việc tốt, nhưng cũng nên đi về không ạ?
Cụ Đào lại hỏi:
- Căn cứ vào đâu mà anh lại nói vậy?
- Thưa bẩm cụ! Con căn cứ vào chữ "khứ" của vế trên đối với chữ "hồi" của vế dưới ạ!
- Anh thông minh lắm! - Cụ Đào mỉm cười, rồi lách sang chuyện khác...
Đào Tấn lớn hơn Hồ Sĩ Tạo đến 24 tuổi, câu đối mừng của cụ Đào đối với Hồ Sĩ Tạo là lời dạy của bậc trưởng thượng, cho nên mọi diễn biến trong cuộc đời cụ tiến sĩ Hòa Cư sau này đều ứng với câu đối đó.
Vừa đỗ đạt, tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo phải "phụng chỉ" làm thừa lại ở Bộ Lại. Ai mà dám không phụng chỉ? Đến năm 1907 lại cũng phải "phụng chỉ" đi làm tri huyện Tân Định tỉnh Khánh Hòa. Thời gian này Đào Tấn vừa qua đời. Năm 1908 nhân dịp về quê cư tang mẹ thì đúng vào lúc phong trào "xin xâu chống thuế" ở Bình Định đang nổi dậy sôi sục. Thấy tiến sĩ Hòa Cư về làng dân Bình Định mừng vô kể vì họ đã tìm được minh chủ. Họ yêu cầu ông đi xin xâu chông thuế với họ, có nghĩa là đối lập với triều đình. Rõ ràng là Hồ công đang đứng trước một tình thế, một hoàn cảnh rất éo le trong đời ông.
Hoàn cảnh điển hình tất nhiên phải bộc lộ tính cách điển hình của nhân vật điển hình:
- Đối lập với triều đình ư?
- Lẽ đương nhiên là sẽ bị triều đình trị tội.
- Tội gì nhỉ?
- Tội xúi giục dân chúng phản lại triều đình chứ còn tội gì nữa.
- Vậy triều đình phản lại dân chúng thì ai trị tội? Và đó là tội gì?
- Nếu không làm theo ý dân?
- Là trái mệnh trời, là phản bội với cái sở học của kẻ sĩ, phản bội Đào tướng công, người đã bảo ta ở nhà mà ta lại cứ đi!
Đầu chít khăng tang, giữa đêm khuya, Hồ công ngồi một mình trên chiếc chõng tre, ở đầu hồi nhà, nhìn trời, nhìn đất, lật đi, lật lại bao nhiêu suy nghĩ, tự hỏi, tự trả lời như vậy.
Trời hừng sáng, một đoàn chừng năm người kéo đến nhà, kẻ áo dài, người áo ngắn. Một người trong số họ:
- Bẩm quan! Hình như đêm nay quan mất ngủ?
- Không, không... tôi vẫn ngủ ngon - Hồ công chống chế - Nhưng từ rày đừng xưng hô với tôi bằng "quan" đấy nhé!
- Bẩm! Sao vậy ạ?
- Tôi xin được làm dân!
- Trời ơi! Ông tiến sĩ Hòa Cư, quan huyện Tân Định xin được làm dân!...
- Ông tiến sĩ Hòa Cư, quan huyện Tân Định xin được làm dân bà con ơi!!!
Chỉ trong buổi sáng ấy tin này được truyền đi khắp vùng. Cuộc đấu tranh đang hồi chuẩn bị đã có tin vui đến với họ. Chặng đường đời vị tiến sĩ rẽ ngang.
Theo thói thường, chưa có ghế, người ta chạy đôn chạy đáo kiếm cho có ghế mà ngồi; có ghế rồi thì cố sống cố chết bịn lấy ghế mà ngồi, đằng này ông huyện Tân Định vất ghế tri huyện ngồi bệt dưới đất cùng đám cùng đinh biểu tình xin xâu xin thế cho họ, một tâm hồn như vậy ai dám bảo rằng không cao thượng? Một tâm hồn như vậy, trên cõi đời này, xưa cũng như nay dễ có mấy ai?
Cũng trong buổi sáng ấy từng đoàn người cắt tóc ngắn, xưng hô với nhau: "đồng bào", đều là những con người đôn hậu, tay không chân đất, cơm đùm cơm gói, từ các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Bình Khuê, Tuy Phước kéo về tỉnh đường thành Bình Định và tòa công sứ Quy Nhơn đông nghịt, họ xếp hàng ngay ngắn ngồi quanh, cử đại biểu vào gặp quan tỉnh và quan bảo hộ đệ đơn, bày tỏ tình cảnh dân chúng khố khổ vì sưu cao thuế nặng, xin được miễn giảm cho dân nhờ. Nói gọn là họ tiến hành cuộc đấu tranh bằng một thái độ rất văn hóa vì người cầm đầu phong trào ở Bình Định - cụ tiến sĩ Hòa Cư, vốn là người có trình độ văn hóa cao.
Thế nhưng thực dân Pháp cấu kết với Nam Triều đối xử với họ bằng thái độ và thủ đoạn cực kỳ vô văn hóa. Phong trào bị đàn áp, kẻ bị giết, người bị tù.
Cụ tiến sĩ Hòa Cư Hồ Sĩ Tạo bị tổng đốc Bình Phú lúc bấy giờ là Bùi Giảng kết án tử hình.
Bùi Giảng vốn là thành viên trong phong trào Cần Vương tỉnh Phú Yên, nên có quen biết với ông nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì. Về sau Bùi Giảng phản bội phong trào, đầu thú Pháp, được Pháp trọng thưởng, sử dụng.
Sau khi Hồ công bị Giảng kết án có người học trò đến báo tin dữ ấy cho ông Nghè Trì:
- Thưa thầy! Tổng đốc Bùi Giảng đã kết án tử hình Hồ tiến sĩ rồi, giữa thầy và Bùi Giảng có quen biết nhau, xin thầy sớm đến gặp Bùi Giảng thương thuyết xem may ra được giảm nhẹ chăng...
Ông Nghè thẫn thờ:
- Phường táng tận lương tâm, ơn nước còn quên huống chi tình bạn. Cứu Hồ công trong lúc này, ngoài ông phó bảng Đào Phan Duân ra không ai làm được.
Nói rồi, ông Nghè Trì lập tức đến Hòa Cư, viết thư giao người nhà ông Hồ Sĩ Tạo ra Huế trao cho cụ phó bảng Đào Phan Duân. Cuộc vận động ở Kinh của cụ phó bảng đến tai vua Duy Tân. Kết quả là từ án tử hình giảm còn khổ sai chung thân. Mãi đến năm 1920 (triều Khải Định) mới được ân xá, về quê.
Mười hai năm tù đày vì tội "trải lòng trung với nước" cho nên cuộc đời văn nghiệp của cụ tiến sĩ Hòa Cư gần như mất trắng. Ai mà dám tàng trữ văn chương của người tù chính trị cỡ bự? Tàng trữ làm chi "cái của nợ" ấy? Cũng may, trong dân gian và cả sách in trước đây lưu truyền hai bài thơ nôm cùng đề Xuân nhật ngẫu cảm, cùng vận. Người ta khẳng định đây là thơ cụ Tiến sĩ viết vào những ngày còn nằm trong "lao tiến sĩ" thành Bình Định:
Năm mới trời xuân cha chả vui
Vui rồi nghĩ lại cũng ngùi ngùi
Một mình võng lọng gông cùm đủ
Bốn kỷ nên hư khổ sướng rồi
Chương chướng ngoài tai trâu ngựa gọi
Trơ trơ trong dạ đá vàng trui
Từ đây cho tới về sau nữa
Sau nữa ra răng sẽ thử coi.
Duyên kiếp chi chi khéo lạ đời
Nhục vinh trong cuộc cũng là trời
Biển cờ ai mượn thầy đem tới
Trăn trối rồi ra bác khuấy chơi
Thảo mẹ ba xuân lòng cỏ thẹn
Chăn dân bốn tháng vận cầm lơi
Thôi thôi nhắm mắt dò con tạo
Trâu ngựa ngoài tai mặc tiếng người
Đọc thơ chúng tôi ngờ ngợ, có đôi câu tách khỏi văn tài tiến sĩ. Rất có thể tam sao thất bản, cũng có thể do người khác vì quá yêu quý mà viết thay cụ chăng? Xin được tồn nghi.
(còn tiếp một kỳ)
. Theo Liệt truyện kẻ sĩ đất thang mộc của Vũ Ngọc Liễn
|