Hồ Sĩ Tạo - Vị tiến sĩ rẽ ngang một tâm hồn cao thượng
10:47', 18/12/ 2005 (GMT+7)

(tiếp theo và hết)

Tại từ đường họ Hồ ở xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn ngày nay còn lưu giữ bức ảnh chân dung của cụ tiến sĩ, hai bên ảnh chép hai vế câu đối, mỗi vế 38 chữ:

- Ngã độc hà vi đa sự tai, thiếu phụ hư danh sĩ, kế tác quan trường nô, gian hựu thất túc ư quốc trung tù, hồng trang, phấn diện, tất thân, bán thế dĩ thành tam biến kiếp;

Kim (ưng khả) cáo vô tội hỹ, triêu xuất canh điền ông, mộ nhập quán viên tẩu, dạ (tắc) tịnh ngọa thính gia nhi độc, cầm lữ thi bằng, tửu hữu, dư sinh hoàng vấn kỷ tri âm.

Phía trên ảnh đề: Bảo Đại, Nhâm Thân, Xuân.

Phía dưới ảnh đề: Lam Giang chủ nhân tự đề

Tạm dịch nghĩa:

- Riêng ta vì sao mà lắm chuyện đến thế nhỉ? Lúc trẻ mang danh hão là kẻ sĩ, tiếc đó làm tên đầy tớ trong chốn quan trường, giữa chừng sẩy chân sa vào nhà tù chỉ vì trải lòng trung với nước, áo đỏ, mặt trắng, thân sơn đen, mới nửa đời người mà đổi thay ba kiếp sống.

Hẳn bây giờ xin thưa là không có tội, buổi sáng là ông lão cày ruộng, buổi chiều là ông lão tưới vườn, buổi tối thì nằm yên nghe lũ con nhà đọc sách, bạn đàn, bạn thơ, bạn rượu, vội hỏi các tri âm về cuộc đời còn lại của tôi?

Câu đối mang tính chất tự vịnh tự thán này cụ tiến sĩ với bút hiệu là Lam Giang viết vào tháng mùa xuân, năm Nhâm Thân, tức năm Bảo Đại thứ bảy (1932) nhân dịp chụp ảnh chân dung (?)

Ở vế thứ hai câu đối bị mất trắng hai chữ (chữ thứ 2 và chữ thứ 3) do người nhà có lần gỡ ảnh để chụp lại, ảnh bị dính sít vào kính, gỡ không cẩn thận nên bị mất chữ. Vì vậy phán đoán văn lý chúng tôi xin phép tạm điền vào đó hai chữ "ưng khả", để dịch cho thông nghĩa. Cũng ở vế thứ hai này, chữ thứ 19 chắc chắn bị viết sót một chữ. Ngờ rằng lúc từ bản nháp viết vào ảnh chính cụ tiến sĩ đã vô ý để sót, chúng tôi xin phép tạm điền vào đây chữ "tắc", đi liền với "dạ tắc..." để đối với "gian hựu"... ở vế trên.

Chúng tôi coi đây là di sản văn hóa, là hiện vật quý vì có cả bút tích của cụ tiến sĩ. Gói trọn cuộc đời ba chìm bảy nổi của mình vào 76 con chữ của hai vế đối thì thật là tài quá! Giỏi quá! Và cũng là chuyện hiếm có trong văn chương xưa nay.

Ở vế đối thứ nhất có các từ ngữ "áo đỏ, áo trắng, thân sơn đen" nếu không nói rõ e có sự hiểu lầm. Áo đỏ ý nói thân phận làm quan; mặt trắng: ý nói hồi còn là anh học trò; thân sơn đen: ý nói thân phận ở tù. Cũng không rõ vì lẽ gì mà riêng tù chính trị trong phong trào "xin xâu chống thuế" từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Bình Định thực dân Pháp đều thi hành một chính sách sơn đen thân thể tù nhân, đen đến mức người nhà đến thăm không nhận ra người thân của mình. Cụ Phạm Phú Tiết, ông Tống Phước Thổ... là các nhân chứng về sự kiện chính trị đó đều kể lại như vậy.

Cuộc đời văn nghiệp của cụ tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo còn để lại một câu đối nữa cũng rất độc đáo. Tương truyền rằng lúc ông nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì lâm bệnh nặng, hết cách cứu chữa, các ông Hồ Sĩ Tạo, Đào Phan Duân và một số bạn bè khác kéo đến thăm, ông nghè Trọng Trì tâm sự rằng: "Bệnh tình của tôi chắc chắn sẽ không còn sống cùng bạn bè bao lâu nữa. Lúc tôi chết thế nào các bạn cũng đến phúng điếu, nhưng lúc đó làm sao tôi biết được các bạn nói gì, nghĩ gì về tôi!". Thế là các ông bạn bèn bàn nhau tổ chức lễ điếu sống cụ Nguyễn Trọng Trì. Cụ tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo có câu đối điếu sống thế này:

- Tử nhi điếu hà như sinh điếu hồ, song tiền tương dữ sổ bôi, bất phường vi ca, vi khấp, vi hoan, vi bi, tất thế hình hài vong cố ngã;

- Kim chi tuế hoặc diên lai tuế dã, biệt hậu chung thành thiên cổ, vị tưởng kỳ đạt, kỳ cùng, kỳ tài, kỳ ngộ, nhất trường khối lỗi khái phù sinh.

Tạm dịch:

- Điếu lúc chết sao bằng sống điếu chơi, trước song cùng dâng rượu mấy chung, cóc cần phải ca, phải khóc, phải vui, phải buồn, thể xác lìa trần, ta cũng hết.

- Năm này chăng hay đợi bao năm nữa, nhắm mắt trở thành người muôn thuở, gẫm lại lúc được, lúc thua, lúc may, lúc rủi, bù nhìn cả lũ sống mà chi.

Tình bạn các cụ ta hồi ấy hay nhỉ!

Lúc hoạn nạn lo cứu nạn cho nhau. Khi già yếu bệnh tật, cùng nhau an ủi, chữa chạy. Lúc cảm thấy hết phương chữa chạy thì tổ chức điếu sống để bạn mình từ giã cõi đời trong trạng thái tinh thần thanh thản. Các cụ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, bởi các cụ coi cuộc đời chỉ là một tấn tuồng múa rối, là kiếp phù sinh...

Ở Bình Định còn lưu hành một bài diễn ca khá dài kể chuyện cụ tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo lưu đày. Có người nói bài này do cụ làm ra; có người lại nói không phải, bài này do dân gian (không biết là ai) vì ưu ái, lưu luyến cụ tiến sĩ mà viết, mà truyền tụng. Suy xét các mặt chúng tôi thấy ý kiến thứ hai có lý hơn. Âu cũng là một cách ghi ơn của dân chúng đối với Người.

Năm 1934 tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo tạ thế, hưởng thọ 65 tuổi. Cũng chính năm này mà ông Cao Cự Diêu viết tặng cụ tiến sĩ câu đối:

- Đại nhân dĩ tam biến kiếp vi tâm hận, tiểu đệ dĩ nhất bất biến vi tâm bi, trấp niên lai linh lạc phong trần, số diệc số, lý diệc lý, nho y diệc nho y, nhi kim bán thế dĩ thành, danh bất đắc quan bất đắc, quốc sự đài đầu đương bất đắc;

- Quý hạt hữu nhất niên nội chi cơ hoang, ty hạt hữu tứ niên tiền chi thê thảm, vạn lý ngoại hô hào bôn tẩu, cổ diệt cổ, kỳ diệc kỳ, côn trượng diệc côn trượng, không sử nhất trường sái lệ, binh hà như? Pháo hà như? Gia tình hồi thủ dã hà như?

Tạm dịch nghĩa:

- Đại nhân hận vì phải đổi thay ba kiếp sống, tiểu đệ buồn vì không một kiếp đổi thay, hai chục năm trôi nổi đó đây, bảo bói - ừ thì bói, bảo coi địa - ừ thì coi địa, bảo dạy học, bốc thuốc - ừ thì dạy học, bốc thuốc, giờ đây cũng đã nửa đời rồi, danh chẳng đặng, quan chẳng đặng, việc nước gồng gánh đều chẳng đặng;

- Xứ ngài trải qua một năm đói kém, quê tôi lâm phải cảnh thê thảm bốn năm về trước, ngoài muôn dặm hô hào thoát nạn, cũng gióng trống, cũng phất cờ, cũng dáo gươm gậy gộc, nhắc tới bỗng trào nước mắt, binh sao đây? Pháo sao đây? Tình nhà ngoảnh lại biết sao đây?

Theo anh Nguyễn Hoài Văn thì câu đối này đến với cụ tiến sĩ lúc cụ còn đọc được, vừa đọc vừa cười, một nụ cười vừa hiền vừa hóm. Thế đủ biết - câu đối tự vịnh tự phán của cụ tiến sĩ tác động không nhỏ đối với sĩ phu Bình Định thời bấy giờ.

Ông Cao Cự Diêu còn gọi là ông Đầu xứ vì rằng ông học rộng biết nhiều nhưng đời ông không mấy may mắn, thi mãi mà không đậu, rốt cuộc chỉ mang danh hiệu "đứng đầu xứ Nghệ" cho nên người đời thường gọi tắt là "ông Đầu xứ". Lúc Xô viết Nghệ Tỉnh thoái trào (1930-1931) tình hình xã hội ở Nghệ Tĩnh tan tác, thê thảm, ông quyết định vào Nam tìm con đường sống. Ông đặt chân đến đất Bình Định vào khoảng đầu năm 1932, dừng bước lập nghiệp tại làng Phú Hậu, huyện Phù Cát. Có lẽ cụ tiến sĩ vừa đọc câu đối vừa cười vì cụ nghĩ, chính ông Đầu xứ cũng có một "biến kiếp" đấy chứ, đất Bình Định đã làm thay đổi kiếp sống của ông, vậy mà ông bảo rằng ông "buồn vì không một kiếp đổi thay".

Vậy mà mãi đến năm tháng cuối cùng, tâm hồn của con người điển hình cho cái cao thượng thuộc phạm trù mỹ học vẫn tỉnh táo.

Cuộc đời văn nghiệp của cụ tiến sĩ tuy bị mất mát nhưng phẩm chất, khí tiết của cụ cho đến bây giờ và cả mai sau vẫn cao vời vợi...

. Theo Liệt truyện kẻ sĩ đất thang mộc của Vũ Ngọc Liễn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hồ Sĩ Tạo - Vị tiến sĩ rẽ ngang một tâm hồn cao thượng   (15/12/2005)
Canh chua lá dang  (13/12/2005)
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804)  (11/12/2005)
Biệt dấu trà Cam Khổ  (09/12/2005)
Đinh Ruối - Người con anh hùng của dân tộc H're  (08/12/2005)
Thú câu cá trê  (06/12/2005)
Trái tim và trái bom  (04/12/2005)
Tìm thấy một bản in bằng chữ Nôm dưới triều Quang Trung - Tây Sơn  (02/12/2005)
Bánh in  (01/12/2005)
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng  (29/11/2005)
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng   (27/11/2005)
Thăm cảnh chùa Hang  (25/11/2005)
Truyền thuyết về cây đàn Aradon của người H're  (23/11/2005)
Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở Phước Thắng  (21/11/2005)
Nền giáo dục Việt Nam cổ - một nền giáo dục tôn vinh hiền tài  (20/11/2005)