Ông ngoại tôi mất khi tôi chưa ra đời, nhưng khi tôi 5 tuổi, mẹ tôi thường kể chuyện cho tôi nghe về ông ngoại của mình. Mẹ tôi là bà Đào Trúc Tiên (1887-1976), người con gái lớn của cụ Đào Tấn.
Theo lời mẹ tôi kể, ông cố tôi, cụ Đào Đức Ngạc làm nghề thầy lang, coi ngày trong làng và làm ruộng rẽ; bà cố tôi, cụ Hà Thị Loan, người Huế, làm nghề bán quán. Cụ Đào Tấn sống một thời thơ ấu thanh bạch. Khi lớn lên, cụ phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo dạy dỗ con cái, truyền cho con lòng ham học, trước hết là học cách làm người. Nhờ tư chất thông minh, các con trai của cụ (Đào Thụy Thạch, Đào Nhữ Thuấn, Đào Nhữ Tuyên, Đào Nhữ Tiếu) đều học giỏi, văn thơ hay; các con gái của cụ (Đào Trúc Tiên, Đào Chi Tiên) đều có học vấn uyên thâm, đặc biệt giỏi về tuồng và thi ca.
|
Nhà Đào Tấn ở Tuy Phước (ảnh: Đào Tiến Đạt)
|
Vào những năm 1946-1947, mẹ tôi có kể lại cho tôi nghe một câu chuyện cảm động: Vào quãng 1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, trên đường đến huyện Bình Khê (Bình Định) lĩnh chức tri huyện, vì mối tình cảm phục giữa những vị khoa bảng ngày xưa, vì lòng lân tài đối với cụ Đào Tấn, đã cùng với con trai là Nguyễn Tất Thành ghé làng Vinh Thạnh, tìm thăm cụ Đào Tấn. Tiếc thay lúc đó cụ Đào Tấn đã qua đời từ năm 1907. Cụ Phó bảng Huy cùng con trai chỉ còn biết đến bên bàn thờ, thắp nén hương viếng một bậc đàn anh lỗi lạc...
Lúc nhỏ, tôi hay quanh quẩn bên mẹ tôi, thường thấy mẹ trân trọng sắp xếp, vuốt ve vài chục vở tuồng bằng giấy bản, viết chữ Nôm, chữ Hán, gáy bồi vải, trong một tráp cũ kỹ mà mẹ tôi nâng niu quý giá, bảo là: "Đây là những bản tuồng của ông ngoại con, con phải biết quý".
Tiếc thay vào những năm 1951-1952, khi quê tôi, làng Vân Hội, phủ Tuy Phước bị ném bom hủy diệt thì tất cả di sản quý báu đó chỉ còn đống tro tàn.
Thời thơ ấu của chúng tôi đã thấm đượm không khí tuồng và thơ ca. Mẹ tôi thường giảng giải cho biết cái hay, cái tài của tuồng ông ngoại, bà thường hát rất hay nhiều đoạn đầy xúc động trong Hộ sanh đàn, Diễn võ đàn, Trầm Hương Các, phân tích rõ các nhân vật Lan Anh, Tiết Cương, Hoàng Phi Hổ, Triệu Khánh Sanh.
Trong Hộ sanh đàn, bà nhấn mạnh đến một nhân vật rất lạ lùng mà rất dễ thương: đó là vai Hồ Nô, một người vú nuôi của Tiết Giao, con Tiết Cương, có giọng hát líu lo của dân tộc ít người Nam Trung bộ.
Vào những năm cuối đời của ông tôi, quãng 1904-1907, lui về hưu trí tại quê nhà, ông tôi thường hay đạo diễn cho học trò tuồng bố trí diễn cơ động trên đường cái quan, từ cổng làng (Lý Môn) lên gần cầu Bà Gi. Nhân dân quanh vùng có khi kéo từ các tổng làng xa xôi đến, đã cơm đùm, cơm vắt từ hôm trước, kéo đến chờ xem dọc theo quan lộ, và đào, kép lẫn với dân, tiếng đàn, tiếng quyển, tiếng nhị véo von xen tiếng trống chầu được khiêng theo, đã cùng chuyển dần theo các lớp lang đầy tính trữ tình.
Mẹ tôi kể lại là người dân bên đường như say mê hòa nhập với dòng tuồng, có người ngã xuống ao, xuống ruộng lấm bê bết, song vẫn say sưa như bị cuốn hút vào lời ca tiếng hát, khi bi hùng ảo não, lúc mượt mà, đẹp đẽ yêu đời.
Rõ ràng là nghệ thuật đã đi vào dân cày, và người dân quê một nắng hai sương, sau năm ba ngày tan hội trở về với mảnh ruộng, con trâu đã hả hê cảm ơn ông Đào đã mang lại cho họ những giờ sảng khoái.
. Theo Đặng Hiếu Trưng (Địa chí Bình Định)
|