Đào Duy Từ bắt đầu trổ tài như thế nào ?
10:21', 25/12/ 2005 (GMT+7)

Hẳn nhiên, việc xin làm người đầy tớ chăn trâu cho nhà phú ông ở thôn Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn, bất quá cũng chỉ là kế tạm nương thân trong lúc chờ thời của Đào Duy Từ mà thôi. Ông đã tỏ cho mọi người biết tài học của mình như thế nào? Sách Trịnh - Nguyễn diễn chí (quyển 2) viết:

"Một hôm, nhà phú ông mời các bậc Nho sĩ trong vùng tới dự tiệc và đàm đạo văn chương. Chập tối, khi mọi người đang vui vẻ đàm luận kinh sử thì Đào Duy Từ lùa trâu về chuồng. Buộc trâu đóng chuồng xong, Đào Duy Từ bước vào, tay cầm roi chăn trâu, nón lá thì trật xuống vai, lưng vẫn để nguyên chiếc khố vải, đến trước mặt các khách làng Nho, đặt chân lên bậc thềm mà nhìn chằm chằm. Khách có người quát đuổi, Đào Duy Từ chỉ nhếch mép cười, giả làm như không biết gì. Gia chủ liền mắng:

- Ngươi chỉ là đứa ở chăn trâu, chưa từng biết đạo Khổng Mạnh, đã lùa trâu về chuồng rồi thì xuống bếp tìm cơm mà ăn, ăn xong thì nghỉ đến sáng mai còn đi chăn trâu, đứng đấy nhìn làm gì cho uổng sức mệt thân. Huống chi, các bậc Nho sĩ đây đều là quân tử, chẳng như ngươi là hạng tiểu nhân, sao lại dám ngang nhiên đứng trước mặt, chẳng biết cung kính giữ lễ gì cả. Như vậy là có tội, biết không?

Đào Duy Từ nghe xong thì cười vang rồi nói:

- Trong làng Nho cũng có Nho quân tử, lại cũng có Nho tiểu nhân. Trong bọn chăn trâu, cũng có kẻ chăn trâu anh hùng và kẻ chăn trâu đúng là tôi tớ. Tất cả, cao thấp đều không giống nhau, tài giỏi và ngu muội tách bạch chớ không phải là một. Nay tiểu nhân tôi nếu có nhìn thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự tôn quý của chư vị, có tội gì đâu mà phải bị đuổi đi.

Khách nghe Đào Duy Từ đáp như thế thì lấy rất làm ngạc nhiên, bèn hỏi:

- Người bảo ai là Nho quân tử, ai là Nho tiểu nhân?

Đào Duy Từ cười nhạt và đáp:

- Phàm là Nho quân tử thì phải thông hiểu tam tài (gồm có trời, đất và người). Khi ở nhà thì lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng, khi ra giúp việc nước thì phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân, cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày kinh bố trận, vào chính ra kỳ (chính kỳ là thuật ngữ quân sự cổ, theo đó thì đại để, chính là đánh trực diện, đánh công khai, còn kỳ là đánh bí mật ở phía sau, đánh mai phục), phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ. Nho quân tử thì thời nhà Thương có Y Doãn, thời nhà Chu có Thái Công, thời nhà hán có Vũ Hầu Gia Cát Lượng… Còn như Nho tiểu nhân thì tài học nhiều lắm cũng chỉ ở mức tầm chương trích cú, chỉ muốn thong dong nơi bút mực văn chương để cầu danh lợi, mượn Nho để cười gió giỡn trăng, coi thường những kẻ hào kiệt ở đời. Họ làm sao có thể hiểu được ý chí của thánh hiền, làm sao có thể được đại đạo vua tôi. Với bọn họ, đang không may mà được ra làm quan, được trao việc trị dân và trông coi chính sự trong thất thời, thì lập tức tìm trăm phương ngàn kế để mưu lợi lộc riêng, chẳng hề biết rằng sâu dân mọt nước là điều đáng khinh khi. May mắn hơn nữa, nếu họ mà được dự bàn kế sách lớn, giải quyết các việc thuộc quốc gia đại sự, thì chỉ biết bàn tán thao thao mà vô bổ, cứ để mặc mọi điều cho người khác lo toan, đại để như bọn Kiều Hạo và Vương Diễn đời Tấn, có gì đáng bàn đến đâu.

Khách nhà Nho nghe nói thì cả kinh, bèn hỏi tiếp:

- Thế nào là kẻ chăn trâu anh hùng, thế nào là kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ, ngươi thử nói tiếp cho rõ ràng xem.

Đào Duy Từ lại mỉm cười rồi nói:

- Kẻ chăn trâu anh hùng thì đại để như Ninh Thích phục hưng được nước Tề, như Điền Đang (cũng người nước Tề) dùng kế hỏa công mà thu phục những thành trì bị người nước Yên chiếm cứ, như Hứa Do (người thời vua Nghiêu) dắt trâu ra khe uống nước mà cũng biết được lẽ hưng vong, thịnh loạn, như Bách Lý Hề đi chăn dê vùng miền trung nước Tần mà cũng nắm vững sự thịnh suy, bĩ thái… Còn như kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ, thì trong cõi này, lấy xe to mà chở, lấy đấu lớn mà lường cũng chẳng hết. Bọn họ chỉ biết đói thì ăn, no thì bỏ, ngày bỏ mặc trâu để đi ăn trộm quả, đêm ngủ say mà quên cả việc bỏ rơm cho trâu bò ăn thêm. Bọn ấy chỉ biết thân mình, dầm mưa dãi gió, ra không biết kính sợ quỷ thần, vào không biết làm gì cho mẹ cha nhờ cậy, lêu lổng chơi bời vô độ, ngu muội cũng vô chừng, khi vui thì mặc sức reo hò múa hát, khi giận thì chẳng kể ruột thịt thân sơ, làm xấu cả cha anh, gieo oán hờn cho làng xóm. Bọn ấy chẳng cần hỏi tới làm gì.

Khách làng Nho nghe Đào Duy Từ ứng đối lưu loát, đã bác cổ lại thông kim, nên ai nấy đều ngồi nhìn, lấy làm kinh hãi. Xong, tất cả cùng đứng dậy khoanh tay mà thưa rằng:

- Ông quả là bậc thầy cao minh.

Nói rồi họ cùng mời Đào Duy Từ ngồi, nhưng Đào Duy Từ vẫn cứ khiêm nhường đứng yên. Tất cả cùng xuống mời Đào Duy Từ lên ngồi chiếu trên. Gia chủ cũng lấy lạ, giục khách hỏi thêm thật nhiều, nhưng, từ Bách Gia Chư Tử đến tam Giáo Cửu Lưu, Lộc Khê Đào Duy Từ đều trả lời một cách cặn kẽ và trôi chảy, ai ai cũng đều rụt đầu lè lưỡi vì ngạc nhiên. Gia chủ thấy vậy thì mừng vui khôn xiết, vỗ vai Lộc Khê Đào Duy Từ mà nói rằng:

- Tài giỏi như thế sao lại giấu mặt lão phu, để đến nỗi cả mấy tháng trời áo lấm bụi, ngọc đá lẫn lộn? Lão phu thật có tội vì không sáng suốt. Thật có tội! Thật có tội!

Từ đó, gia chủ may sắm quần áo mới cho Đào Duy Từ, mời ngồi giảng sách chớ không bắt đi chăn trâu nữa. Sau, gia chủ tiến cử Lộc Khê Đào Duy Từ cho nhà quan Khám Lý Cống Quận Công Trần Đức Hòa. Cống Quận Công ngày đêm cùng Lộc Khê Đào Duy Từ luận việc cổ kim, không điều gì không tâm đầu ý hợp. Cống Quận Công hết sức yêu quý, bèn đem con gái gả cho Lộc Khê Đào Duy Từ, cốt để thêm gắn bó tình thân".

Lời bàn:

Suốt mấy tháng trời, Đào Duy Từ thà cam phận làm kẻ chăn trâu chớ quyết không nói nửa lời, thậm chí còn làm người khù khờ. Đào Duy Từ không nói, không phải vì Đào Duy Từ không muốn nói, mà chẳng qua là vì không thể nói đó thôi. Đàn gảy trai trâu, phỏng có ích gì? Cổ nhân có dạy rằng, cần phải biết nói lời không thể không nói đúng vào lúc đáng nói nhất thì sẽ chẳng bao giờ sai. Chí lý thay!

Ngay cả khi thấy khách làng Nho đàm đạo, Đào Duy Từ cũng bắt đầu bằng sự lắng nghe, ấy là bởi Đào Duy Từ cũng cần thẩm định xem, Nho ấy có phải Nho quân tử không đã. Ở đời, thiếu niềm tin là đau khổ còn trao niềm tin sai địa chỉ là tai họa. Trong cùng một dạng thức, tai họa đối với kẻ khó bao giờ cũng nặng nề hơn người sang. Chỉ những ai không biết gì mới không biết được điều đơn giản này.

Cái giỏi của Đào Duy Từ lúc này ngoài sự thông kim bác cổ, còn là sự giữ đúng tư thế tạm thời là kẻ chăn trâu. Muốn được uyên bác thì phải khổ công học tập một đời, nhưng muốn có bản lĩnh chắc chắn, cũng không phải ngày một ngày hai mà có được. Khó thay!

Phú ông ở thôn Tùng Châu quả là đáng kính. Một là biết quý người tài, hai là có lòng hăng hái tiến cử người tài. Xin chớ vội cho rằng đó là sự thường, bởi vì xưa nay vẫn thế, chỉ có người tài mới biết quý người tài, và chỉ có người tài giàu lòng cao thượng mới hăng hái tiến cử người tài trong muôn người tài, may ra mới có được một người tài giàu lòng cao thượng, hăng hái tiến cử người tài một cách vô tư đó thôi.

Nơi muốn rời bỏ thì Đào Duy Từ đã rời bỏ được, còn nơi cần đến thì Đào Duy Từ còn phải tiếp tục cuộc hành trình. Chớ lo con đại bàng không bay qua nổi dải đất hẹp, nhưng, xin được bắt chước La Quán Trung, tác giả của tiếu thuyết lịch sử nổi tiếng là Tam Quốc Diễn Nghĩa, rằng chuyện tương lai của Đào Duy Từ, xin xem… giai thoại sau sẽ rõ.

. Theo Nguyễn Khắc Thuần (Giai thoại dã sử Việt Nam)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bún nước tro ở Hoài Nhơn  (22/12/2005)
Kỷ niệm về ông ngoại tôi: Đào Tấn  (20/12/2005)
Hồ Sĩ Tạo - Vị tiến sĩ rẽ ngang một tâm hồn cao thượng  (18/12/2005)
Hồ Sĩ Tạo - Vị tiến sĩ rẽ ngang một tâm hồn cao thượng   (15/12/2005)
Canh chua lá dang  (13/12/2005)
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804)  (11/12/2005)
Biệt dấu trà Cam Khổ  (09/12/2005)
Đinh Ruối - Người con anh hùng của dân tộc H're  (08/12/2005)
Thú câu cá trê  (06/12/2005)
Trái tim và trái bom  (04/12/2005)
Tìm thấy một bản in bằng chữ Nôm dưới triều Quang Trung - Tây Sơn  (02/12/2005)
Bánh in  (01/12/2005)
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng  (29/11/2005)
Đào Phan Duân - Cụ phó bảng đánh Tây, bỏ quan, được thưởng   (27/11/2005)
Thăm cảnh chùa Hang  (25/11/2005)