Hương vị Tết quê
9:47', 5/2/ 2005 (GMT+7)

Mùa Tết là mùa của các loại bánh mứt. Vào một ngày cuối năm, chúng tôi về Hoài Nhơn và cảm nhận được sự "biến mất" dần của các loại bánh mứt truyền thống.

* Bánh mứt "bình dân" ngày càng giảm

Khoảng ba, bốn năm về trước, đi dọc vùng ven thị trấn Bồng Sơn hay những xóm gần khu chợ Tam Quan (Hoài Nhơn) vào những ngày này, hương vị bánh mứt thơm nồng, ngào ngạt tỏa ra từ những ngôi nhà. Các loại mứt như: dừa, gừng, thập cẩm… được làm với số lượng lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho dân trong vùng mà còn được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Những ngày cao điểm hàng làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mỗi nhà lời 500.000 - 700.000đ/ngày là chuyện thường. Bà Hồ Thị Thu - một người làm mứt lâu năm ở thị trấn Bồng Sơn - cho biết: "Bây giờ, khách hàng có quá nhiều thứ để lựa chọn nên cũng chẳng còn mấy người muốn thưởng thức những món bình dân như mứt gừng, mứt dừa. Sản phẩm làm ra bán không chạy nên không còn nhiều nhà làm mứt Tết nữa. Bản thân tôi cũng chỉ làm một ít cho có hương vị Tết và đỡ nhớ nghề".

Ông Phan Thanh Phong đang đóng bánh đậu xanh

Hoài Nhơn còn có những món bánh mang đậm khẩu vị "quê mình". Các loại bánh đậu xanh, bánh in… không chỉ được bán trong vùng mà còn mang đi bán ở các vùng lân cận và vẫn tiêu thụ được. Riêng bánh đậu xanh thì có khi được đi xa hơn, vào Sài Gòn, Vũng Tàu…, theo người xa xứ ra tận nước ngoài. Ông Phan Thanh Phong, một người chuyên làm bánh đậu xanh ở thôn Tân Thành (Tam Quan Bắc) - cho biết: "Số lượng bánh đậu xanh làm ra vẫn không giảm so với mọi năm. Tháng cuối năm, mỗi ngày tôi làm khoảng chục ký đậu, nhưng vẫn không đủ bán". Bánh đậu xanh Tam Quan có chất lượng và hương vị rất riêng nên được nhiều người ưa chuộng, có những kiều bào đã nhờ người thân mua gởi sang, dùng làm quà biếu, như một đặc sản quê hương".

* Giữ hồn quê

Tuy mứt gừng, mứt dừa không còn được làm với số lượng lớn như trước, nhưng trong mỗi gia đình vẫn dành một góc nhỏ cho những loại mứt mang hương vị truyền thống này. Hoài Nhơn là xứ dừa mà 3 ngày Tết không có ít mứt dừa trong nhà cũng cảm thấy thiêu thiếu. Vì vậy, năm nào họ cũng cố gắng làm một ít, cũng là một cách để giữ hương vị quê. Ngoài việc không thể thiếu mứt dừa, còn có bánh đậu xanh được bọc trong giấy bóng đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Bánh in được xem là một loại lương khô, vì vậy, nhà nào cũng làm thật nhiều bánh để dành ăn dần. Đó là chuyện của mấy năm về trước, bây giờ các loại bánh "hiện đại" đã có mặt ở hầu hết mọi nhà - một tín hiệu đáng mừng vì cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn. Nhưng có thể nói rằng, mặc dù không còn là món bánh được đem ra mời trong 3 ngày Tết, nhưng bánh in, bánh đậu xanh vẫn giữ nguyên ý nghĩa tinh thần của nó. Có lẽ vì ai đi xa cũng muốn giữ bên mình một chút hồn quê.

Năm hết Tết đến, không khí xuân đã tràn đến mọi nẻo đường. Mặc dù không còn mang nhiều giá trị kinh tế nhưng dường như với cái hồn văn hóa của mình, mứt dừa, mứt gừng, bánh in, bánh đậu xanh… vẫn là những món không thể thiếu cho những ai còn muốn níu giữ một chút hương quê trong ngày Tết cổ truyền.

. Mai Hồng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ẩm thực xứ dừa: Cá tràu nấu ám  (04/02/2005)
Tín ngưỡng làng nghề  (31/01/2005)
Kiến trúc nhà ở của người Chăm H'roi Bình Định  (31/01/2005)
Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định  (31/01/2005)
Lời chối từ khôn khéo  (31/01/2005)
Hòn Chè  (31/01/2005)
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)