Dấu ấn phong trào Tây Sơn qua một bài phú
17:32', 6/2/ 2005 (GMT+7)

Xin nói ngay đó là bài phú Đập Ông Cá của Đinh Duy Tự, không thể tìm thấy trong tập sách Văn học Tây Sơn do GS Nguyễn Lộc tuyển chọn, giới thiệu (Sở VHTT Nghĩa Bình, 1986) hay một tuyển tập nào tương tự, bởi lẽ bài phú được viết từ đời nhà Nguyễn (cụ thể là năm 1872, dưới triều Tự Đức) và tác giả của nó - Đinh Duy Tự - hoàn toàn không phải là một tác gia văn học trứ danh.

Ngay ở đương thời bài phú này cũng không được in trong tuyển tập nào và nó chỉ được truyền miệng. Không sao cả. Và không vì thế mà bài phú kém phần giá trị như nó vốn có.

Trước hết xin nói về tác giả, cũng đồng thời là giới thiệu xuất xứ của bài phú. Theo tư liệu của dòng họ Đinh, Đinh Duy Tự (1807-1888) hiệu Kim Sơn, người Trà Bình Trại, một làng quê chân núi, nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Học giỏi, nhưng ông chỉ đỗ tú tài (Nho học) và sau đó ông được vua Thiệu Trị cho vời ra kinh đô Huế làm một chức quan nhỏ, tham gia giảng dạy con cháu vua, thảo giấy tờ, văn tế, làm tuồng góp vui trong cung đình. Khi Tự Đức lên ngôi vua, nhớ ơn thầy, vua phong cho ông tước Nghè, sau cho ông về hưu dưỡng từ năm ông 50 tuổi (1856). Về quê, Nghè Kim dạy học, bốc thuốc, làm nhiều thơ trào phúng mang đậm chất hiện thực, chất dân gian. Ông lập "ruộng đồng môn" để giúp học trò nghèo hiếu học. Đặc biệt, thấy Trà Bình Trại, cũng như các làng quê chung quanh nằm sát chân núi, rất khô khát, ông đã tổ chức dân làng đắp lại đập Ông Cá để cải thiện dân sinh. Lúc này quan bố chánh Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, còn lưu lại ở Quảng Ngãi để chuyên lo việc thủy lợi, có về dự khánh thành đập và viết bài "Đinh Gia yển ký" (Ghi về con đập nhà họ Đinh), đến 1910 khắc trên tấm bia dựng tại đập. Tiếc rằng chúng tôi chưa có dịp truy tầm văn bia này còn mất và viết những gì, tuy nhiên tên bài văn đã cho thấy Nguyễn Thông đánh giá rất cao công sức của Đinh Duy Tự (lấy họ Đinh đặt tên cho đập). Đập Đinh Gia cũng tức là đập Ông Cá. Điều đáng lưu ý nữa là, tổ chức dân Trà Bình Trại đắp lại đập này, Đinh Duy Tự đồng thời có bài phú viết về con đập và vẫn dùng tên cũ là đập Ông Cá. Bài phú do chỉ được lưu truyền miệng nên có thể còn chưa thật sát với nguyên tác, nhưng vẫn hàm chứa được nhiều nội dung thú vị. Đinh Duy Tự viết bài này không để ca ngợi công lao của mình, mà để ca ngợi dân làng, thể hiện niềm vui chung, và sâu xa hơn là để ca ngợi công đức của người khai đập thuở trước - tức Ông Cá - Nguyễn Mỗ, một nghĩa sĩ của phong trào nông dân Tây Sơn.

Bài phú Đập Ông Cá có ba đoạn:

Đoạn đầu giới thiệu về con đập, người khởi công đắp đập (Nguyễn Mỗ) và lợi ích dân sinh lớn lao, lâu dài trong quá khứ của nó: Dân chúng cậy nhờ bảy tám mươi năm, thiên hạ làm ăn đằm thắm các thôn nhiều xã.

Đoạn giữa kể việc "lụt to phá đập, dân tình đói khổ" kể từ năm Kỷ Mùi 1859, sự trễ biếng của người dân, sự lơ là của quan lại đối với việc đắp đập khiến vườn ruộng trở nên xơ xác, hoang tàn.

Đoạn cuối kể việc "đập đắp lại rồi, mặc ấm ăn no", việc huy động dân góp công góp của đắp lại đập suốt 4 tháng của năm 1871 và niềm vui khôn tả khi nước trở lại đồng cho cơm no áo ấm. Kết thúc là lời tưởng nhớ người xưa có công khơi đập: Ông Cá - Nguyễn Mỗ.

Như vậy, bài phú mở đầu bằng việc khởi đắp đập của Nguyễn Mỗ (Ông Cá) và kết thúc cũng bằng lòng biết ơn Ông Cá.

Trước hết, qua bài phú ta có thể thấy nổi lên sự quan tâm của một vị chỉ huy quân Tây Sơn đối với việc thủy lợi, cụ thể ở đây là việc khai đập Ông Cá vào thời kỳ đầu của phong trào Tây Sơn, khi mà ở miền Bắc vẫn còn tồn tại triều Lê Cảnh Hưng, tức trước năm 1786:

Cùng thời Lê Cảnh Hưng quân Tây (Sơn) khai ruộng đôi bên

Ông Cá động binh kinh doanh, đắp bờ ngăn suối, vét mương hai ngả

Dẫn nước về đồng, tưới ruộng tưới vườn, dân chúng cậy nhờ bảy tám mươi năm, thiên hạ làm ăn đằm thắm các thôn nhiều xã.

Ta cũng có thể thấy với một sự ngạc nhiên đến thú vị khi tác giả dường như không sợ cái "án văn tự" vẫn đang treo lơ lửng trên đầu mình. Dưới triều nhà Nguyễn vốn không đội trời chung với Tây Sơn, tìm mọi cách xóa hết dấu tích của Tây Sơn, thì tác giả vẫn công nhiên bày tỏ niềm biết ơn với Tây Sơn, nhắc nhớ Tây Sơn. Thậm chí tác giả không ngại phê phán gay gắt thái độ của bọn quan lại triều Nguyễn không đoái hoài gì đền dân tình, đến việc đắp lại đập:

Trải hơn mười năm đằng đẵng, dân phải đền bù thuế khống cho quan

Để vậy sao đang, phó tổng Đinh Cơ, cứ lời nhiều làng chạy bẩm, huyện phủ chẳng đâu đoái hoài

Thây kệ mặc bay, quan hay việc khác, xâu thuế, cướp giật, thật ra tốn hao biết mấy của cải nhân dân tổng Hạ, tổng Trung.

Công lao của Đinh Duy Tự trong việc đắp lại đập Ông Cá là điều khỏi phải bàn. Mà tinh thần, thái độ của ông khi viết bài phú phải kể là một sự dũng cảm tuyệt vời. Đinh Duy Tự sinh năm 1807, khi mà triều đại Tây Sơn đã cáo chung cách đó năm năm. Cho nên có thể khẳng định đập Ông Cá và bài phú của Đinh Duy Tự về con đập chính là ánh hồi quang, là dấu ấn mà phong trào Tây Sơn đã để lại từ hàng trăm năm trước. Mặc dù sinh ra sau này, nhưng hình như Đinh Duy Tự đã vẫn tiếp được cái hào khí từ thời Tây Sơn, ngay cả trong tinh thần quyết tâm đắp lại đập.

Nhưng cái đáng quý ở đây không chỉ là thái độ chính trị của tác giả. Nói cách khác, thái độ chính trị của Đinh Duy Tự là ở phía nhân dân, ông đứng ở nền tảng đại nghĩa để hành động và sáng tác và những cái hay của bài phú cũng từ cảm hứng ấy mà ra. Chọn phú là một thể văn tương đối tự do, Đinh Duy Tự đã kết hợp kể với cảm, tự sự với trữ tình, đưa cả một khối lượng hiện thực lớn vào tác phẩm đồng thời thể hiện được những cung bậc của tâm hồn mình, của nhân dân mình. Không hề quanh co, tác giả bộc lộ thẳng niềm vui, nỗi buồn của mình qua những lời gọn ghẽ như: "Đập vỡ, hỏng rồi. Than ôi! Đói to!" hay "Vui thay! Đã đứt nay lại nối! Sướng ghê! Mặc ấm chắc ăn no!". Ông hòa lòng mình trong tâm tư quần chúng nên ngôn ngữ cụ tượng, sống động, dân dã cũng tuôn ra một cách tự nhiên đầy sức gợi tả như nó vốn có, và khiến đến nay khi được đọc, ta vẫn cảm thấy như hiển hiện cái không khí thuở ấy trước mắt.

Chẳng hạn đây là cảnh sung túc vui vầy khi đập được khởi đắp:

Thuở ấy xóm làng im rợp bóng râm, nhà nhà đầy chuồng heo, bò, ngựa, dê, trâu, nghé

Om trời nghe tiếng gà, vịt, ngan ngỗng, chim cu

Đường xuống chợ, nẻo lên nguồn, chen chúc dù ô ngựa tía

Lều anh Văn, quán chị Tửu dập dìu áo lụa quần là

Đây là cảnh sau khi đập vỡ:

Nắng non đầm, đìa cạn kiệt, mạ lúa khô khan, tiêu điều đất xấu vườn hoang, nhân dân đói rách

Nào cảnh đồng khô ruộng trôi, ấp lý điêu tàn, các xã quanh đập ruộng đất bỏ hoang, lên chồi như rú.

Còn đây là đập sau khi được đắp lại:

Nước được trả lại trên đồng, ai nấy vỗ tay mừng a-a! ha ha! Bấy chừ cày bừa tở mở, đồn nói um sùm.

(…) Ngước trông lúa trỗ phau phau, có đập, có đìa, phải biết nhờ ơn tổ tiên phụ mẫu, tiền hiền khai thổ, hậu hiền hồi cơ.

Và không thể bỏ qua câu kết đầy ngụ ý của tác giả:

Nghĩ lại sự đời lắm nỗi: còn trời còn đất, hãy nên nhớ tới công lao đạo đức nghĩa sĩ Trung phò: Nguyễn Mỗ - Ông Cá.

Giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, văn chương của bài phú đã quá rõ. Chỉ xin nói thêm: Trà Bình Trại quê hương của tác giả tuy là vùng quê, chân núi nhưng lại là vùng quê văn hiến, xuất hiện những con người đầy khí tiết, thường được nhắc tới với một ông Cử, ông Tú thời nho học: Tú Danh, cử Phạm Thúc, Phạm Khuếch. Tú tài Nguyễn Văn Danh cùng thời với Đinh Duy Tự được vua Tự Đức ban tặng biển vàng "Hiếu hạnh khả phong". Sau này trong những năm 1923-1926 Trà Bình cũng là nơi Trương Quang Cận âm thầm xây dựng "Cộng sản lạc thôn", trong đó có việc thủy lợi và mở trường; là nơi là thời tiền khởi nghĩa tháng Tám 1945, đội du kích Ba Tơ sớm hạ sơn để xây dựng lực lượng.

. Theo Cao Chư

(Tạp chí Văn nghệ Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hương vị Tết quê  (05/02/2005)
Ẩm thực xứ dừa: Cá tràu nấu ám  (04/02/2005)
Tín ngưỡng làng nghề  (31/01/2005)
Kiến trúc nhà ở của người Chăm H'roi Bình Định  (31/01/2005)
Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định  (31/01/2005)
Lời chối từ khôn khéo  (31/01/2005)
Hòn Chè  (31/01/2005)
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)