Một đêm ngồi trên thuyền rồng dạo chơi trên sông Hương, tôi đã có dịp thưởng thức lại điệu Nam bình quen thuộc trong tiếng đàn bầu nỉ non:
Nước non ngàn dặm ra đi
Mối tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô Lý...
Tôi thích Nam bình không chỉ vì sự truyền cảm của nhạc Huế mà còn vì một nội dung lớn hơn: đó là cuộc tình Ô Lý của nàng Công chúa Huyền Trân. Tưởng cũng cần nhắc lại chút ít tư liệu lịch sử. Huyền Trân là con gái Vua Trần Nhân Tông và em gái Vua Trần Anh Tông, đều là những vị anh quân trong thời cực thịnh của nhà Trần. Từ khi nhà Trần lên ngôi, giặc Nguyên Mông đã ba lần sang xâm lược. Trước khi sang, nhà Nguyên thường lấy cớ mượn đường sang đánh Chiêm Thành nhưng lần nào cũng bị nhà Trần từ chối với lý do: "Tự bản quốc sang Chiêm Thành, không có đường nào thuận tiện cả".
Vì sự sống còn của mình, nhân dân và triều đình hai nước Việt - Chiêm đã liên minh kháng chiến rất hiệu quả. Cuối năm 1282, đội hải quân hùng mạnh của giặc Nguyên do tướng Ô Mã Nhi tấn công thành Đồ Bàn (Vijaya, nay là Quy Nhơn). Thái tử Chiêm Thành là Chế Mân (Harijit) cầu viện Đại Việt. Vua Trần đưa 20.000 quân và 500 chiến thuyền tham chiến. Cuối cùng ta đánh bại được quân Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi. Đây là một thời kỳ quan hệ hữu nghị tốt đẹp nhất giữa hai nước Việt - Chiêm. Năm 1301, Chế Mân đã lên ngôi vua, mời Thượng hoàng Nhân Tông sang chơi bên Chiêm quốc đến 9 tháng mới trở về. Trong dịp này, Chế Mân ngỏ lời cầu hôn Công chúa Huyền Trân. Lúc bấy giờ triều đình có nhiều người không thuận. Ngoài những vấn đề khác biệt chủng tộc, cách trở biên cương còn một lý do quan trọng về phong tục tập quán. Một khi đã làm hoàng hậu Chiêm Thành, nếu Chế Mân chết, Huyền Trân sẽ bị đưa lên giàn hỏa thiêu sống. (Tập tục này là giáo điều của đạo Bà La Môn có từ 3.000 năm trước, đến nay một số bộ tộc ở Ấn Độ theo đạo Hindou vẫn còn giữ mặc dù bị chính quyền ngăn cấm). Riêng Huyền Trân, có lẽ còn một tâm sự khác: nàng đã có một mối tình với viên tướng trẻ Trần Khắc Chung. Nhưng Chế Mân đã quá say mê Huyền Trân nên xin cắt đất hai châu Ô và Lý để làm lễ vật.
Hai châu Ô - Lý (bao gồm Thừa Thiên-Huế, một phần Quảng Trị và một phần Bắc Quảng Nam ngày nay) là vùng đất mênh mông, phong cảnh xinh đẹp, sản vật phong phú - lại có đèo Hải Vân hiểm trở mang tầm quan trọng chiến lược. Suy ra tài sắc của Huyền Trân phải cỡ nào mới khiến Chế Mân dâng lễ cưới trọng hậu như vậy. Sau khi cân nhắc, Huyền Trân đã đặt quyền lợi quốc gia và nền hòa bình của hai dân tộc lên trên, hy sinh tình riêng và chấp nhận cả nguy cơ lên giàn hỏa, nhận lời cầu hôn. Thế mới biết sự hy sinh của nàng đối với tổ quốc và nhất là đối với xứ Huế thật là to lớn.
- Công của nàng là công lao mở cõi mà không tốn một mũi tên hòn đạn, lại gìn giữ được hòa bình hữu nghị giữa hai nước.
- Tài sắc của nàng đáng thiên kim vạn lượng.
- Mỹ đức của nàng là tấm lòng vì dân vì nước.
Thế mà cho đến nay:
- Ở Hà Nội và ở Huế trước đây đã có con đường mang tên Công Chúa Huyền Trân nay đều bị xóa bỏ. Chỉ còn một con đường nhỏ xíu mang tên nàng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Xin hãy xây một tượng đài.
Hơn ai hết, người dân Huế ngày nay cần thay mặt đồng bào cả nước và đồng bào Huế - Quảng Trị - Quảng Nam - có một hành động văn hóa với lịch sử. Xin hãy xây cho nàng Công chúa Huyền Trân một tượng đài. Ở đâu và bằng cách nào?
Địa điểm đẹp nhất và hấp dẫn du khách có lẽ là trên đỉnh đồi Vọng Cảnh hoặc khu vực đền Ngọc Trản (điện Hòn Chén). Thực hiện theo công thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước bật đèn xanh, cấp mặt bằng. Những người có lòng ngưỡng mộ và biết ơn Công chúa Huyền Trân, những người yêu Huế trong và ngoài nước góp của, góp công thực hiện. Nên mở một cuộc thi lấy ý tưởng và mô hình tượng đài theo cách nào đó để có thể có được cái tốt đẹp nhất.
Người Pháp còn xây tượng đài cho Công nương Diana của nước Anh vì nàng có công... tử nạn ở Paris. Người Bỉ xây tượng nhân vật cao bồi Lucky Luke và cả chú chó Milou trong truyện tranh Tintin để trưng bày trong viện bảo tàng.
Thế mà một xứ Huế chuyên làm văn hóa và làm du lịch thì không biết bao giờ mới xây nổi một tượng đài cho nàng Công chúa Huyền Trân!
Đây là một việc lớn nhưng không phải là ngoài tầm tay hoặc không khả thi. Riêng đối với người viết bài này thì đây là lời tâm huyết, không phải là một đề nghị hoang tưởng và lãng mạn. Mong thay!
. Theo Hoàng Phủ Ngọc Phan
(Báo Thanh Niên) |