Đi tìm cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa
11:9', 7/2/ 2005 (GMT+7)

Cành đào bích vua Quang Trung gửi báo tin chiến thắng từ Thăng Long vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa cách đây 216 năm phải chăng chỉ là một huyền thoại đẹp? Chi tiết này hoàn toàn không có cứ liệu lịch sử! Tuy nhiên, người dân trồng đào Nhật Tân khẳng định đó là một câu chuyện thật 100%. Phần đất đuôi của dinh Lẫm xưa, nơi chuyên trồng đào tiến vua nay hoa đào vẫn rộ mỗi độ gió đông về…

* Bích đào - Hoa của trời

Hoa đào Nhật Tân

Áp Tết Ất Dậu, tiết xuân đất Bắc vương vất giá lạnh, lây rây mưa bụi. Giữa một khoảnh đất trồng đào còn sót lại ven Hồ Tây thuộc vùng Nhật Tân, tôi chợt nhớ một hình ảnh đẹp trong lịch sử đã được học: Rằng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, sau khi đại chiến quân Thanh, tiến quân vào Ngọc Hồi, vua Quang Trung cho người mang cành hoa bích đào vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa. Cành bích đào đó được trồng trên chính vùng đất Nhật Tân - dinh Lẫm xưa, nơi tôi đang đứng cùng ông Nguyễn Văn Sửu - nghệ nhân trồng đào đang từng ngày nơm nớp lo cho số phận cây hoa đào.

Ông Sửu rút chiếc khăn tay ra thấm nước mưa phủ mờ trên cặp kính lão, giọng nói đầy ngậm ngùi: "Chẳng bao lâu nữa, sắc thắm đào bích chính gốc Nhật Tân sẽ biến mất, nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng biệt thự phục vụ công cuộc mà người ta cho là hiện đại hóa đất nước, bất chấp người dân lên tiếng gìn giữ cây đào truyền thống". Trước vườn đào, thoắt quên đi cái sự buồn, ông Sửu say sưa kể về những cây đào ông chăm chút gặp được người khách mua tâm đắc.

Ông Sửu đầy hào hứng khi nhắc tới câu chuyện cành đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa, nhưng niềm vui vuột biến mất trên khuôn mặt ông, ông bảo: "Cho tới nay, các nhà sử học vẫn cho câu chuyện ấy là truyền thuyết. Nhưng cụ nội tôi kể cho ông tôi nghe, ông tôi kể lại với bố tôi, rồi bố tôi kể cho tôi. Bốn đời người, tới nay tôi gần 70 tuổi, vậy mang tuổi tác của 4 đời người ra để so sánh với mốc lịch sử nửa đầu thế kỷ XVIII thì gần lắm! Tôi nghĩ, đôi khi các nhà sử học cũng quên những chi tiết khi ghi chép, và có thể câu chuyện này là một sự quên lãng".

Hãy khoan nói tới chuyện thật - giả, giả - thật ở đây. Bởi lẽ hình ảnh đẹp ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam rồi, dù là truyền thuyết. Riêng sắc đào bích đã gợi lên toàn bộ thế giới mơ mộng của tình yêu nguyên khai và đằm thắm nhất.

Người xưa bảo: Bích đào là hoa của trời. Cây bích đào trên trời sắc biêng biếc, còn xuống trần thì tựa hoa đào nhưng sắc rất hồng. Lá bích đào so với lá hoa đào cũng biếc hơn… Câu thơ cổ "Đào hoa y cựu tiếu đông phong" (Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông) gắn với tích: Một nho sinh thời xưa trên đường lên kinh đi thi, lúc về gặp người con gái trong mộng, tình yêu của họ nảy nở đúng vào mùa hoa đào. Họ hẹn ước với nhau, nhưng vì chiến tranh liên miên, nhiều năm sau chàng trai quay trở lại cũng mùa hoa đào nở, cảnh vẫn vậy, nhưng tìm người xưa không thấy. Rồi tích đào nguyên (khởi đầu nơi vườn đào) hay tích Tây Vương mẫu hiến bàn đào… Có thể nói, những gì tinh khiết nhất thường được người xưa ví với hoa đào.

Phải chăng, vì lẽ đó mà tráng sĩ hào hoa đất Bình Định đã gửi hoa của trời, loại hoa chỉ riêng đất Thăng Long mới có vào Huế tặng cho người con gái hoàng tộc đất Bắc. Trong giai đoạn lịch sử này, Ngọc Hân công chúa được ví như bông hoa rực rỡ nhất, được nâng niu nhất trong triều Lê đang tàn tạ. Với ai đó, mối tình này chỉ là một âm mưu chính trị, nhưng dường như, đây là sự tương ngộ giữa "Trai anh hùng, gái thuyền quyên".

* Truyền thuyết và lịch sử

Người dân Nhật Tân thủy chung với cây hoa đào như mùa xuân thủy chung với gió bấc, tháng bảy thủy chung với mưa ngâu… Vậy mà khối tình thâm sâu ấy lại bị chia cách. Bây giờ, đất trồng đào trong đồng coi như đã hết, vài năm nữa, các công trình xây dựng sẽ chễm trệ trên đất dinh Lẫm. Đương nhiên, con cháu đời sau sẽ không còn thấy sắc thắm hoa đào trên vùng đất gốc gác mỗi độ xuân về. Và có thể, hoa đào cũng chỉ được nhắc tới trong truyền thuyết.

Tôi nhớ, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng có lần phát biểu rằng, lịch sử của Việt Nam thường pha trộn truyền thuyết và hiện thực. Mà cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa là một ví dụ cụ thể. Theo giáo sư Vượng, mối tình sâu đậm giữa Ngọc Hân công chúa và vua Quang Trung là không có, chi tiết cành hoa đào bích xuân Kỷ Dậu 1789 lại càng là chuyện không thể. Thế nhưng, người dân Việt Nam hầu như ai cũng biết câu chuyện đẹp đó và xem như biểu tượng của một tình yêu sáng trong.

Tôi mang ý kiến của giáo sư Vượng ra trao đổi với ông Sửu, ông Sửu cười và nói: "Tôi cũng chẳng có ý định tranh cãi với các nhà làm lịch sử làm gì. Nhưng, người dân Nhật Tân luôn xem đó là niềm tự hào để tiếp tục phát huy truyền thống trồng cây hoa đào. Hôm nay, tôi vẫn được ngắm thành quả của mình trên đất dinh Lẫm, vậy là hạnh phúc rồi".

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một tượng đài cho Công chúa Huyền Trân  (06/02/2005)
Dấu ấn phong trào Tây Sơn qua một bài phú  (06/02/2005)
Hương vị Tết quê  (05/02/2005)
Ẩm thực xứ dừa: Cá tràu nấu ám  (04/02/2005)
Tín ngưỡng làng nghề  (31/01/2005)
Kiến trúc nhà ở của người Chăm H'roi Bình Định  (31/01/2005)
Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định  (31/01/2005)
Lời chối từ khôn khéo  (31/01/2005)
Hòn Chè  (31/01/2005)
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)