Những phiên chợ Tết độc đáo
10:45', 8/2/ 2005 (GMT+7)

Người Việt mình có lệ sửa soạn và sắm Tết trước cả tháng trời. Những buổi chợ mở gần ngày Tết Nguyên đán được gọi là phiên chợ Tết.

                  Chợ Gò

Trước đây, ở chốn thôn quê Việt Nam, các chợ không mở thường ngày như ở các đô thị. Các chợ phủ, huyện hay làng lân cận nhau, thường luân phiên nhóm họp vào các ngày nhất định trong tháng để người đi buôn (bán hàng) và người đi chợ (mua hàng) có thể tới mua và bán ở các chợ này vào những ngày mà mình thấy thuận tiện. Bởi vậy, các phiên chợ Tết rất quan trọng. Đây là những ngày họp chợ lớn nhất trong năm vì người mua và kẻ bán đều đổ dồn về các chợ này để mua bán trao đổi cùng nhau.

Tùy theo địa phương, các phiên chợ Tết thường được mở chậm lắm là trước ngày 23 tháng Chạp âm Lịch (là ngày người ta làm lễ tiễn đưa ông Táo về trời). Các phiên chợ mở vào ngày gần Tết thì gọi là phiên chợ giáp Tết, và phiên chợ cuối cùng của năm cũ gọi là phiên chợ cuối năm.

Tại các phiên chợ Tết, người ta thường mua bán những thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Việc mua bán này gọi là sắm Tết.

Ở Việt Nam có những phiên chợ, mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp giáp Tết hay đúng vào ngày Tết. Xa xôi, cách trở, bận rộn mấy, người ta cũng đến để du xuân, cầu duyên, cầu tài lộc hay đơn giản chỉ là dịp để gặp gỡ thăm hỏi, chúc Tết nhau. Chợ một phiên dịp Tết đã trở thành một thú vui ngày xuân, một cách giao duyên đầu năm mới.

Chợ Gà hay còn gọi là Chợ Ó của làng Xuân Ổ - tức làng Ó, thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh mở vào đêm mồng 4 Tết. Khi trời tờ mờ sáng, dân làng đã đến chợ. Tương truyền, theo quan niệm tín ngưỡng của nhân dân ngày xưa, họp tối để người trần thế và âm phủ có thể cùng đi dự chợ được. Chợ chỉ mua bán những con gà đen tuyền, vì cho rằng giống gà này có thể nhập được vào cõi âm dò xét tình hình nơi ấy về tâu bẩm với đấng Thành hoàng, để Ngài liệu bề phù hộ cho dân. Nhà nào có gà đen đem mang bán ở chợ để hiến tế Thành hoàng sẽ được hưởng phúc lớn. Chợ Gà vừa tan thì ngay trên khu vực chợ, nhiều quán trầu của các bà cụ mọc lên để cho các "liền anh", "liền chị" mời nhau xơi trầu và hát quan họ. Nếu quán chật chỗ thì họ lại trải thêm chiếu trên nền sân chợ, hoặc ngồi trên cánh đồng chung quanh mà hát suốt đêm.

Chợ Cưới là chợ phiên đặc biệt của đồng bào H'Mông xã Tam Lộng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Chợ họp vào ngày 25 tháng Chạp. Trai gái trong bản làng kéo tới đây rất đông, có cả ông bà già đi theo để chứng kiến lời giao ước tâm tình của họ. Họ có thể đã yêu nhau, hoặc đến đây tìm hiểu nhau. Mặc cho mưa phùn gió lạnh, từng đôi, từng đôi đứng túm tụm trên nền chợ, bờ ruộng, gốc cây bày tỏ nỗi niềm từ sáng sớm đến chiều tối khi lời giao ước một cuộc hôn nhân tương lai được quyết định, họ rủ nhau vào các quán chợ ăn uống, rồi mới chia tay. Chợ Cưới, thực chất là một kiểu chợ tình ở miền núi vậy.

Ngoài giêng, một số chợ thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn. Thanh niên nam nữ đến đây chơi chợ, mua bán và hát lượn, một điệu hát trữ tình dân tộc để bày tỏ tình cảm với nhau. Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ cái chợ một phiên này. Họ hát say sưa, bằng cả trái tim của tuổi trẻ, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tàn phiên mới chịu rời nhau.

Chợ Bến ở Đồng Hới (Quảng Bình), chỉ họp ba ngày đầu năm. Chợ họp không có địa điểm nhất định, dọc theo bờ sông Nhật Lệ. Trên bộ xe cộ tấp nập, dưới sông thuyền ghe chen nhau san sát. Mấy hôm trước Tết, nhân dân địa phương dựng lều trại, mở bài chòi. Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản ở quê hương mình như các đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em... kẻ mua người bán dù không quen biết nhau vẫn chào hỏi, chúc tụng lẫn nhau và không cần cò kè bớt một thêm hai như những phiên chợ thường. Đi chợ chỉ mong cầu sự may mắn, phúc lộc cho năm mới. Đám thanh thiếu niên thì reo hò quanh các trò vui như chọi gà, leo cột mỡ, đi cầu nối trên sông hay túm tụm quanh các điểm bài chòi.

Chợ Cồn hay Chợ thịt heo họp tại xã Mỹ Lợi, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào các ngày 29 và 30 tháng Chạp. Chợ không họp ở chợ thường ngày mà họp trên những chòi cao mới cất ở gần khu chợ thường ngày. Chợ Tết xã Vĩnh Mỹ cũng thuộc huyện Vĩnh Lộc, họp những ngày mồng một, mồng hai Tết tại một cồn cát cách khu chợ thường ngày khoảng 1.500 m. Do địa điểm lập chợ là cồn cát nên còn gọi là chợ Cồn. Về lý do tại sao không họp chợ Tết trên nền chợ thường ngày, các bô lão đương thời giải thích là trong những ngày Tết, "người cõi âm" cũng về họp chợ những nơi ấy nên người trần phải nhường họ mà họp chợ ở những chỗ khác.

Chợ Gia Lạc (Huế) họp mỗi năm một phiên, đông vui nhất là sáng mồng một Tết. Chợ Gia Lạc bày bán đủ thức ăn, đồ chơi trẻ em trong ba ngày Tết. Những đặc sản của các địa phương như: bún bò, bánh bèo, bánh phu thê, kẹo mứt, đặc biệt có chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần, trầu cau Nam Phổ... Chợ Tết Gia Lạc hình thành cách đây gần 200 năm. Người khởi xướng là Định Viễn công Nguyễn Phước Bình, hoàng tử thứ tư con vua Gia Long. Đầu tiên, chợ họp ở phủ đệ, sau mới dời đến ngã ba đường Dương Nỗ - Ngọc Anh, cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km.

Chợ Tết mục đồng Yên Thư, vùng quê của xã Yên Thư, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, theo truyền thống xa xưa để lại, người dân ở đây có lệ nhóm chợ Tết đặc biệt cho giới "mục đồng", thông lệ chợ này được nhóm vào ngày 28 tháng Chạp hàng năm. Vào sáng ngày 28 các trẻ em "mục đồng" được cha mẹ cho bận quần áo mới rủ nhau đi đến đây để họp chợ. Các em bé chăn trâu, bò, gia súc… này sẽ trưng bày hàng của mình trên 1 khoảng đất trống trải, do đó tạo nên một khung cảnh ồn ào, tấp nập đúng như một phiên chợ Tết thực sự. Các em sẽ bày trước mặt mình những sản phẩm của gia đình làm ra như: hoa giấy, các loại bánh trái, gà vịt, mũi đệm… và chợ Tết của các em buôn bán thật sự kéo dài cho đến hết ngày hôm ấy.

Chợ Tết đồng quê ở làng Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam còn giữ lại lệ xưa. Cả làng sẽ nhóm chợ phiên độc nhất trong năm vào ngày 25 tháng Chạp trên một cánh đồng làng. Buổi sáng ngày hôm đó, làng đều tổ chức cuộc thi thơ, chủ trì do các cụ lớn tuổi thích văn thơ đứng ra tổ chức, địa điểm tại một ngôi đình gần chợ. Nhiều nhà văn, nhà thơ ở các địa phương lân cận cũng sẽ tựu về đây tham dự và thưởng thức chợ Tết. Sau cuộc thi thơ, người đoạt giải sẽ được thưởng thức rượu ngon cùng các già làng, nhằm lựa ra được loại rượu ngon nhất dùng vào việc cúng tế thần hoàng đầu năm.

Chợ tình tại xã Tam Lộng, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, có tục lệ họp chợ "tình yêu" hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp, khác hẳn những phiên chợ Tết khác là trao đổi, mua bán hàng hóa, chợ tình Tam Lộng là nơi trai gái chưa lập gia đình đến đây để tìm hiểu, hẹn hò, chợ tổ chức công khai cho trai gái giao duyên, nhiều thanh niên các dân tộc nhân dịp này đến đây để kiếm ý trung nhân. Tại chợ có nhiều nghệ nhân đến đây hòa nhạc bày nhiều nhạc cụ dân tộc tạo thêm không khí rộn ràng cho phiên chợ, mọi người tề tựu tại đây, thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau, tặng quà tế và rủ nhau vào các hàng quán để ăn uống, chợ cũng tổ chức các trò vui chơi như: ném còn, đá cầu, múa xòe, hát lượn… và cuộc vui diễn ra suốt cả ngày. Tại đây các cặp trai gái có dịp làm quen nhau, sau đó các cụ sẽ làm mai mối, sau phiên chợ này, đã có nhiều đôi "kết tóc se tơ" gắn bó cuộc đời với nhau đến răng long đầu bạc.

Ở Bình Định thì có chợ Tết ở gò chân núi Trường Úc ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước.

Chợ họp một năm có một phiên

Người bán người mua ở khắp miền

Mùng một kêu nhau đi họp chợ

Tưng bừng khăn áo bước chân chen.

Những câu thơ trong bài "Chợ Gò" của Nguyễn Văn Chương đã nêu lên khái quát khung cảnh chợ. Tương truyền chợ do nghĩa quân Tây Sơn tổ chức để vui xuân những ngày đầu khởi nghĩa. Chợ Gò Trường Úc có tục lệ nhóm chợ Tết vào đúng ngày mùng một, địa điểm được tổ chức trên một gò đất cao ở dưới chân núi Trường Úc, nằm cạnh thị trấn Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 8 km.

. Khả Xuân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vài loại bánh Tết cổ truyền  (07/02/2005)
Đi tìm cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa  (07/02/2005)
Một tượng đài cho Công chúa Huyền Trân  (06/02/2005)
Dấu ấn phong trào Tây Sơn qua một bài phú  (06/02/2005)
Hương vị Tết quê  (05/02/2005)
Ẩm thực xứ dừa: Cá tràu nấu ám  (04/02/2005)
Tín ngưỡng làng nghề  (31/01/2005)
Kiến trúc nhà ở của người Chăm H'roi Bình Định  (31/01/2005)
Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định  (31/01/2005)
Lời chối từ khôn khéo  (31/01/2005)
Hòn Chè  (31/01/2005)
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)