Soi bóng Huyền Trân
10:23', 12/2/ 2005 (GMT+7)

Huyền Trân công chúa - út nữ yêu quí của thượng hoàng Trần Nhân Tông. Mùa thu năm Bính Ngọ (1306), vì nghĩa nước non, để giữ hòa hiếu Việt - Chiêm chống lại thế lực Nguyên Mông, nàng đã gạt lệ xuống thuyền vượt trùng dương làm dâu Chiêm quốc với tên gọi mới: hoàng hậu Paramecvari.

Nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn và một góc bộ sưu tập cổ vật Champa

Để lại quê nhà nỗi đau tê tái của người yêu dấu - nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Đỗ Khắc Chung - vị tướng trẻ dũng mãnh toàn tài, vốn được vua yêu ban cho quốc tính họ Trần.

Một sớm mai của thế kỷ 21, tôi - kẻ hậu sinh viết những dòng này - thốt nhiên bắt gặp hình bóng quyến rũ của Huyền Trân công chúa trong ngôi nhà trăm tuổi của một người gốc Hoa nơi phố cổ Hội An. Đúng hơn là trong những chiếc gương.

Những chiếc gương đồng đã hàng ngàn năm tuổi tìm thấy trong các di chỉ Champa của dải miền Trung mà gia chủ thuộc dòng họ Diệp ở 80 Nguyễn Thái Học (Hội An) bấy lâu cất công sưu tầm và gìn giữ được. Những chiếc gương dành cho những bậc nữ lưu chăm sửa sắc đẹp, chủ yếu là những khuê phòng chốn hoàng cung Chiêm quốc.

Trong hàng ngàn cổ vật quí giá của nhà sưu tập Diệp Gia Tùng, có khoảng 20 chiếc gương quí như vậy. Đó là những miếng kim loại với nhiều hình thù, đa số hình tròn, một số hình cánh sen, hình vuông, chữ nhật lớn hơn gang tay, một mặt được mài bóng để soi, mặt sau với nhiều họa tiết nổi rất đẹp và cũng rất kỳ lạ.

Những họa tiết trên vừa để trang trí, nhưng nhiều khi cũng là những bảng "mật mã" bí hiểm của thuật phong thủy, dịch học, đạo giáo với những hình vẽ, chữ viết, ký hiệu mà qua hàng ngàn năm chưa có ai giải mã hết được. Thường có một núm lồi với lỗ nhỏ phía mặt sau của gương để xâu dây hoặc gắn vào giá để bàn, và nhiều khi thay vào đó là một cái cán dài để cầm tay. 

Qua sự giới thiệu của họ Diệp, tôi ngỡ ngàng phát hiện tại một ngôi nhà trên đường Lê Lai, Đà Nẵng có cả một kho tàng gương đồng cổ. Chủ nhân là ông Hồ Xuân Em - một nhà sưu tập và nghiên cứu đồ cổ Champa nổi tiếng.

Ngôi nhà này thật sự là một bảo tàng cổ vật Champa tầm cỡ với vài nghìn hiện vật, phần lớn là kim loại, trong đó có hàng vài trăm chiếc gương cổ có niên đại từ 1711 đến 770 trước Công nguyên, khiến GS Trần Quốc Vượng phải thốt lên: "Đây là một bảo tàng cổ vật thật sự, còn thật và phong phú hơn nhiều bảo tàng nhà nước".

Những chiếc gương cổ đa phần do người Trung Hoa chế tác, nhưng trong bộ sưu tập của họ Hồ cũng có rất nhiều chiếc do chính những người thợ Champa tự chế, tuy mức độ tinh diệu có phần kém hơn. Ông Hồ Xuân Em đã qua đời năm 2003, kế nghiệp ông là con trai - luật gia kiêm nhà nghiên cứu và sưu tầm văn hóa Champa Hồ Anh Tuấn.

"Kho tàng cổ vật này được cất công sưu tập và truyền lại từ nhiều thế hệ trong dòng họ - anh Tuấn cho biết - Việc chuyên sưu tầm cổ vật Champa là một ý thức nhất quán của các bậc tiền nhân chúng tôi, bởi biết không thể nào "đấu" lại với những người chuyên sưu tầm cổ vật Trung Hoa, và cũng không thể bằng chính người Trung Hoa trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, miền Trung Việt Nam vốn là chiếc nôi của nền văn hóa Champa, cho đến nay vẫn là ẩn số chờ khám phá". Tiếng tăm về "kho cổ vật" của gia đình họ Hồ đã được nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới quan tâm. Trong đó đáng kể là những chuyến viếng thăm của nhà quản lý Bảo tàng Victoria & Albert (vương quốc Anh) - chuyên gia hàng đầu về phương Đông học John Guy, và GS Pierre Baptiste - phụ trách Bảo tàng Nghệ thuật Guimet (Paris, Pháp).

Nhà nghiên cứu Hồ Anh Tuấn cầm lên một chiếc gương lớn hình cánh hoa bằng bạc nặng trĩu, bên trong chạm nổi hai bụi sen lớn và hai chim phượng hoàng đang múa: "Chiếc gương này chúng tôi tìm thấy tại một di chỉ ở vùng Trà Kiệu, đi cùng với một chiếc nhẫn bằng vàng chạm hai chữ Vương và Nguyệt. Có nhiều cơ sở để khẳng định chủ nhân của những vật dụng này là một hoàng hậu. Có một điều rất đáng lưu tâm, là chữ Nguyệt viết thiếu một gạch. Theo GS Hà Văn Tấn, đây là lối viết để tránh phạm húy của đời nhà Trần. Liệu có liên quan gì đến Huyền Trân công chúa?".

Những chiếc gương nặng trĩu trên tay, sức nặng thời gian. Sương khói ngàn năm đã thổi mờ đi tất thảy. Nhưng vẫn như thấy hiện về đâu đây bóng Huyền Trân. Một vẻ đẹp u sầu, trễ nải. Với một khối tình thiên cổ đoạn trường...

. Theo Trần Tuấn

(Báo Tuổi Trẻ)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những phiên chợ Tết độc đáo  (08/02/2005)
Vài loại bánh Tết cổ truyền  (07/02/2005)
Đi tìm cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa  (07/02/2005)
Một tượng đài cho Công chúa Huyền Trân  (06/02/2005)
Dấu ấn phong trào Tây Sơn qua một bài phú  (06/02/2005)
Hương vị Tết quê  (05/02/2005)
Ẩm thực xứ dừa: Cá tràu nấu ám  (04/02/2005)
Tín ngưỡng làng nghề  (31/01/2005)
Kiến trúc nhà ở của người Chăm H'roi Bình Định  (31/01/2005)
Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định  (31/01/2005)
Lời chối từ khôn khéo  (31/01/2005)
Hòn Chè  (31/01/2005)
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)