Năm Tân Mão (1771) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 nhà Lê, cuộc khởi nghĩa nông dân ở ấp Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo giành được thắng lợi ở một phần xứ Đàng Trong.
Lúc đầu, Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, lấy vùng Tây Sơn hạ làm trung tâm hành chính. Mấy năm sau thì ông xưng đế, lấy đế hiệu là Minh Đức hoàng đế, niên hiệu Thái Đức, cho cải sửa thành Đồ Bàn đã hoang phế từ lâu làm cung thất của mình rất nguy nga tráng lệ, đặt tên thành Hoàng Đế.
Vua Tây Sơn vừa lo xây dựng lực lượng chống với quân Trịnh ở mặt Bắc, quân Nguyễn ở phía Nam vừa xây dựng kinh tế lớn mạnh, mở rộng giao thương buôn bán với thương nhân nước ngoài.
Hồi đó, các tàu buôn của Anh quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa thường qua lại các cảng biển nước ta như Phố Hiến (Miền Bắc), Thuận An, Thị Nại (Miền Trung), Gia Định (Miền Nam) để buôn bán hàng hóa. Một thương nhân người Anh tên là M.Sap-man làm chủ chiếc tàu buôn A-ma-dôn đã có lần được vua Tây Sơn Thái Đức Nguyễn Nhạc tiếp kiến.
Ngày 8-7-1778, tàu buôn A-ma-dôn thả neo tại vịnh Quy Nhơn. Viên thư ký của Sap-man đến chào vị quan chỉ huy cảng biển, báo cho ông biết chiếc tàu buôn là của nước Anh đi từ Băng-gan tới với mục đích là thiết lập quan hệ hữu nghị và thương mại giữa hai nước.
Vị quan coi cảng báo cáo với triều đình và được lệnh cung cấp đồ ăn thức uống đầy đủ cho thủy thủ đoàn của tàu A-ma-dôn và nói Sap-man chờ ý kiến của nhà vua. Tàu A-ma-dôn được tặng một con heo để làm thực phẩm và hàng ngày vị quan coi cảng thay mặt nhà vua đến tàu thăm hỏi thủy thủ đoàn. Theo gợi ý của vị này, Sap-man cử viên thư ký đến gặp em trai nhà vua, tức Nguyễn Huệ lúc đó làm Long Nhương tướng quân, quyền hành rất lớn. Sap-man gửi biếu Nguyễn Huệ một tấm lụa mút-xơ-lin, 2 tấm vóc hồng Ấn Độ và một số chai nước ngọt. Nguyễn Huệ đón tiếp viên thư ký nhiệt tình và hứa sẽ tâu lại với vua anh để việc buôn bán giữa hai bên được thuận lợi.
Ngày 22-7-1778, theo đúng hẹn, Sap-man cùng đoàn tùy tùng lên bờ làm việc với vị chỉ huy cảng để hôm sau vào yết kiến vua Tây Sơn. Tối ấy, phái đoàn tàu buôn Anh được xem các vũ nữ biểu diễn. 8 giờ sáng hôm sau, Sap-man được ngồi cáng bằng lụa đẹp, còn những người khác cưỡi ngựa vào trong thành Hoàng Đế. Mất một ngày đi, hôm sau mới tới nơi vua ngự. Viên quan lễ tân tiếp đoàn, mời trầu nước và cùng xem những tặng vật mà Sap-man muốn dâng nhà vua. Sáng 24-7, vua Tây Sơn mới chính thức tiếp nhà buôn Sap-man. Cùng tiếp có Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ ngồi ghế đầu bên phải nhà vua, ghế bên trái là của Tiết chế Nguyễn Lữ đang trấn giữ Đồng Nai để trống. Các quan ngồi tiếp sau hai ghế đó theo phẩm hàm. Sap-man nhận xét: "Tính mực thước và kiểu trang hoàng ở đây chứng tỏ Đức vua là người có uy quyền và được kính trọng".
Sap-man trình bày với nhà vua rằng ông ta được chính phủ Anh ở Băng-gan cử đến yết kiến, đề nghị nhà vua thiết lập quan hệ hữu nghị và thương mại giữa hai nước. Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc nói rằng những chiến công của người Anh, ông đã được nghe. Nguyễn Nhạc vui lòng cho phép người Anh ra vào buôn bán ở các cảng biển do Tây Sơn kiểm soát. Nhưng ông cũng cảnh cáo rằng người Anh phải tôn trọng chủ quyền của vương quốc này: "Nước Anh đã vượt các nước khác về số lượng tàu thuyền và tài năng của các thủy thủ. Nhưng nước Anh cũng lạm dụng thế mạnh đó để tiến công bất kỳ ai, bắt hoặc diệt các tàu thuyền bắt gặp". Sap-man ghi lại lời Nguyễn Nhạc như vậy. Sau đó nhà vua giới thiệu các sản phẩm địa phương như hồ tiêu, quế, gỗ quí, ngà voi, thiếc và nhiều thứ khác có thể trao đổi với hàng hóa của các nước mà tàu A-ma-dôn đem tới.
Cuộc tiếp kiến của vua Tây Sơn với Sap-man, một thương nhân người Anh đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho ông ta. Trước khi rời cảng Quy Nhơn đi Tua-ran (Đà Nẵng), Sap-man còn được vua Tây Sơn tiếp một lần nữa. Nhưng tiếc rằng do chiến tranh, việc buôn bán mà hai bên đã bàn bạc không thực hiện được. Dù sao, ta cũng phải nhìn nhận rằng từ hồi đó, nhà Tây Sơn đã mạnh dạn mở cửa giao dịch với nước ngoài rồi.
. Nguyễn Văn Chương |