Ngày xưa - có lẽ ngày nay cũng vậy:
Học trò Bình Định ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Để đi cho đành, trước khi ra về, anh học trò Bình Định bèn rủ:
|
Bãi tắm Hoàng Hậu (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Mãn vui Hương Thủy Ngự Bình,
Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng Kinh đô,
Bình Định đồng khô cỏ cháy.
Năm dòng sông chảy,
Sáu dãy non cao,
Biển đông sóng vỗ dạt dào,
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.
Mấy lời của anh học trò đa tình kia đã nói lên được những nét đại cương của tỉnh Bình Định.
Đông là biển cả; ba mặt Nam Tây Bắc là ba dãy non xanh nối nhau lại thành hình một chiếc ngai rồng vĩ đại. Và chính giữa, ba con sông Cái là Côn giang, La Tinh giang và Lại Dương giang chảy ngang qua một cánh đồng phì nhiêu đã từng nuôi sống nhân dân địa phương và đồng bào ba tỉnh lân cận.
Một tỉnh mà nền văn minh Chăm pa còn để dấu nơi cổ thành cổ tháp đã chịu bao nhiêu tang thương trong bao nhiêu tinh sương mà vẫn tồn tại.
Một tỉnh mà tiếng anh hào của ba vua Tây Sơn ngày xưa và của Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ… gần đây, vang dội trong lòng người Việt Nam như tiếng sóng cửa Thị Nại vỗ vào Gành Ráng, Phương Mai, vỗ vào bóng mây trời giăng mặt biển.
Bình Định đại khái là thế.
Và phong cảnh Bình Định, như anh học trò đã thú thật, không có vẻ thanh lịch, không có vẻ yêu kiều, cũng không được tráng lệ. Nhưng rất hữu tình trong vẻ thuần phác, trong vẻ kỳ cổ, trong vẻ thâm u… Và những vẻ đẹp ấy vốn ẩn tàng chứ không bộc lộ, khách vô tình hay khinh bạc không dễ thấy được chân tướng của non sông.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
|