Núi non Bình Định (kỳ 1)
15:50', 18/2/ 2005 (GMT+7)

Bình Định núi non trùng trùng, điệp điệp, và thuộc hệ thống dãy Trường Sơn.

Dãy Trường Sơn chẳng khác một cây đại thọ nằm vắt ngang ở mặt phía Tây, và nứt ra nhiều nhánh nhiều nhóc, lớp chạy thẳng xuống Đông, lớp chạy xiên xiên vô Đông Nam, lớp chạy lài lài ra Đông Bắc. Khi khởi khi phục. Khởi thì núi non bàn khác. Phục thì gò đống hoặc lúp xúp, hoặc ngổn ngang, hoặc lơ thơ, hoặc trơ trọi… Lắm khi bị gián đoạn hoặc vì sông suối, hoặc vì ruộng nương. Nên hình thể khi thấp khi cao, khi đứt khi nối… Nối thôi lại đứt, thấp rồi lại cao… nghĩa là luôn luôn thay đổi, khiến khách du lãm nhìn thấy mới mẻ luôn luôn.

Thác Dơi, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh (ảnh: Ngọc Lối)

Sơn hệ tuy chia, nhưng nhánh nhóc nhiều khi lẫn lộn. Muốn phân biệt rành mạch núi nào gò nào thuộc nhánh nào, cụm nào thuộc khóm nào theo mạch nào, thì thật là khó.

Cho nên chỉ tạm chia một cách đại khái.

* Các dãy núi

Dãy Trường Sơn chạy từ Bắc vào Nam, đến cuối Quảng Ngãi đầu Bình Định thì tách ra một nhánh lớn chạy từ Tây xuống Đông, quanh co khúc khuỷu, chất ngất nghênh ngang. Khi gần đến biển thì núi chạy vào Nam cho đến cửa Tam Quan.

Nhánh này tạm gọi là dãy Thạch Tân, tục gọi là Bến Đá.

Vì trong dãy có ngọn núi Thạch Tân nổi danh.

Núi nổi danh là nhờ có di tích lịch sử:

Năm Tân Dậu (1801) Trần Quang Diệu đương vây thành Quy Nhơn, nghe tin kinh thành Phú Xuân bị uy hiếp, liền sai tướng là Trần Văn Chiêu đem quân ra cứu. Trần Văn Chiêu ra đến Thạch Tân, bị quân của Lê Văn Duyệt ở Quảng Nam kéo ra chận đường, phải rút lui. Cũng năm ấy, Tống Viết Phước đem quân đến giải vây cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu bị khốn trong thành Quy Nhơn. Trần Quang Diệu chận đánh tại Bức Cốc. Tống Viết Phước tử trận, hài cốt được đem mai táng tại chân núi Thạch Tân. Đến khi Gia Long lên ngôi liền truy tặng tước Quận công và lập miếu thờ bên mộ.

Dãy Thạch Tân là ranh giới thiên nhiên của Quảng Ngãi và Bình Định. Núi non chia hẳn hai tỉnh ra làm đôi. Nhờ đèo Bình Đê mở nẻo lưu thông cho Nam Bắc.

Đèo Bình Đê trước kia gọi là đèo Thạch Tân. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) mới đổi tên trạm Thạch Tân ra trạm Bình Đê, nhân đó người ta cũng thấy tên trạm mà gọi đèo. Tuy vậy tên tục "đèo Bến Đá" vẫn còn giữ mãi.

Ngày xưa, người Bình Định, ngoài việc đi lính và đi làm quan, ít ai ra khỏi đèo Bến Đá. Cho nên người địa phương có câu:

Trung quân vương bến Đá trở ra

Hiếu phụ mẫu Bồ Đề trở lại

(Bồ Đề ở Tài Lương, Hoài Nhơn, có chợ có quán, bán buôn thạnh vượng)

Qua khỏi dãy Thạch Tân, vào địa phận Bình Định, Trường Sơn lại chia ra nhiều nhánh nữa. Để cho dễ kêu dễ nhớ, tạm mượn những vùng núi mà nhánh tách ra để đặt tên.

Vậy kế dãy Thạch Tân, là dãy An Lão.

Núi chạy từ vùng An Lão xuống Hoài Nhơn. Nhưng nửa chừng thì phục xuống thành bình cương (gò nổng) và bình dương (đồng bằng). Đến thôn An Giũ lại đột khởi thành núi, núi này gọi là Hương Sơn.

Gọi là Hương Sơn, vì xưa kia núi có nhiều cây dáng hương. Dưới chân núi phía Nam, có bàu nước sâu rộng. Dưới triều nhà Nguyễn, chánh quyền đốn cây dáng hương để cất kho tại lưng núi, tích trữ tiền thuế lúa, thuế trong hạt và lúa nghĩa thương của làng. Do đó núi có tên nữa là Núi Kho. Và cũng do việc cất kho này mà cây trên núi bị đốn hết.

Việc chuyên chở thường dùng voi. Voi nuôi từng bầy hàng ngày đến bàu uống nước và tắm. Vì vậy mà bàu mang tên BàuTượng.

Bàu Tượng nay đã lấp thành một nhánh sông nhỏ chảy vào sông Lại xuống cửa An Giũ. Và kho lương hiện vẫn còn di chỉ.

Núi Kho không cao (224 thước) nhưng có danh, vì có di tích lịch sử và nhất là nhờ vị trí: Đứng chênh vênh giữa khoảng đồng rộng trời cao: dân cư đông đúc, thì ai lại không "biết mặt biết tên".

Trong dãy có nhiều ngọn cao, khí thế rất hùng. Phần nhiều ở xa khuất, được nhiều người biết đến là núi Phước Đính (600 thước), lùn nhưng ngang ngửa, trông bệ vệ, uy nghi, chung quanh có nhiều núi nhỏ vây bọc, và ở trước mặt về phía đông có Hòn Đền (381 thước) ở hướng Bắc, Hòn Dốc Dội (461 thước) ở giữa, và hòn Đồng Bò tên chữ là Độc Dã Sơn ở phía Nam, cũng là những ngọn núi được nhiều người để ý.

Đứng tại An Giũ trông lên chúng ta thấy ba ngọn Hòn Đền, Dốc Dội, Đồng Bò là bộ Tam Sơn để trước bức bình phong là hòn Phước Đính. Còn Hòn Kho là chiếc lư nhỏ để trước án thờ.

Những ngọn núi kể trên, đi ngang qua Hoài Sơn đều trông thấy. Những ngọn núi cao, như Núi Cheu (952 thước), Nước Teup (963 thước), Nước Non (967 thước)… trừ đồng bào sinh sống ở vùng cao ra, ít người lên đến chân đến đỉnh.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)
Vua Tây Sơn tiếp một doanh nhân Anh quốc  (14/02/2005)
Soi bóng Huyền Trân  (12/02/2005)
Những phiên chợ Tết độc đáo  (08/02/2005)
Vài loại bánh Tết cổ truyền  (07/02/2005)
Đi tìm cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa  (07/02/2005)
Một tượng đài cho Công chúa Huyền Trân  (06/02/2005)
Dấu ấn phong trào Tây Sơn qua một bài phú  (06/02/2005)
Hương vị Tết quê  (05/02/2005)
Ẩm thực xứ dừa: Cá tràu nấu ám  (04/02/2005)
Tín ngưỡng làng nghề  (31/01/2005)
Kiến trúc nhà ở của người Chăm H'roi Bình Định  (31/01/2005)
Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định  (31/01/2005)
Lời chối từ khôn khéo  (31/01/2005)