Trong dãy An Lão còn nhiều ngọn núi cao, càng lên trên càng cao ngất, nhiều ngọn trên 1.000 thước, song không nổi tiếng vì ở xa.
Dãy An Lão nằm phía Bắc ngạn sông Lại. Ở phía Nam ngạn, song song cùng dãy An Lão, Kim Sơn là tên vùng.
|
Đồng quê Tam Quan, Hoài Nhơn (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Gọi Kim Sơn vì vùng này có vàng. Vàng có ít. Người trong vùng thường đãi cát lấy vàng, nhưng làm lụng suốt ngày, số vàng bán chỉ đủ tiền công nhật.
Truyền rằng dưới triều Hậu Lê, vàng ở Kim Sơn đã góp một phần lớn trong công việc đúc người vàng để cống hiến Trung Quốc. Nhưng từ khi Nguyễn-Trịnh phân tranh, vàng tự nhiên cạn gần hết, chỉ còn cho người địa phương đủ dùng hàng ngày.
Vùng Kim Sơn thuộc địa phận Hoài Ân.
Núi trong dãy Kim Sơn, cũng như trong dãy An Lão, khi chưa xuống Hoài Nhơn, thì liên tiếp nhau không dứt, và cao chớm chở. Thế rất hiểm, khí rất hùng.
Có danh nhất là hòn Tổng Dinh.
Đó là mật khu của nghĩa quân Cần Vương ngày trước.
Nghĩa quân Cần Vương tỉnh Bình Định do anh hùng Mai Xuân Thưởng chỉ huy. Chia làm hai trấn, coi hai mặt. Mai Xuân Thưởng trấn phía Nam. Tăng Bạt Hổ trấn phía Bắc và đóng Tổng hành dinh tại núi này. Vì vậy núi mệnh danh là hòn Tổng Dinh.
Phía Nam hòn Tổng Dinh (hoặc Tổng Doanh) có hòn Trà Vinh, nghĩa quân cất kho tích trữ lương thảo. Do đó núi có tên nữa là Núi Kho (hay núi Đồng Kho).
Hòn Tổng Dinh và hòn Trà Vinh không cao lắm (495 thước và 428 thước) nhưng chung quanh có núi làm thành, có khe suối làm trì. Rõ là một cõi "trở sơn đái hà" có cái thế "bách nhị". Nhờ vậy mà quân của bọn Việt gian tay sai thực dân Pháp là Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc, mặc dù binh đông đúc và vũ khí tối tân, vẫn không thể lên tới. Nhưng sau khi đại bại trận Bàu Sấu, anh hùng Mai Xuân Thưởng tuẫn quốc, thì nghĩa quân ở mật khu Tổng Dinh cô thế, phải giải tán. Tăng Bạt Hổ xuất ngoại, rồi sau này cùng Phan Sào Nam hướng dẫn phong trào Đông Du.
Đi ngang qua Bình Định, nhìn thấy hòn Dinh hòn Kho cùng các hòn phụ bậc ẩn hiện trong bóng mây màu khói, những người biết rõ lịch sử cận đại, đố ai khỏi xúc mối cảm hoài. Cổ Bàn Nhân, gần đây đến viếng Hoài Ân, có mấy vần điếu cổ:
Mây chiều quấn quít Hòn Dinh
Nhớ Tăng Tổng trấn hết tình cứu dân.
Non sông chưa sạch bợn trần
Nắng mưa bao quản tấm thân quê người.
Tre tàn còn có măng tươi
Gương xưa còn tỏ còn người soi sương.
Đó là những danh sơn trong huyện Hoài Ân.
Dãy Kim Sơn, khi xuống đến Hoài Nhơn thì chia ra làm thành hai nhánh. Một nhánh chạy dọc theo tả ngạn sông Lại. Một nhánh chạy bẹt vô Phù Mỹ.
Nhánh chạy xuống tạm gọi là nhánh Hoài Nhơn. Nhánh chạy vô tạm gọi là nhánh Phù Mỹ.
Nhánh Hoài Nhơn không cao và thường bị đồng bằng làm gián đoạn.
Nhưng khi qua khỏi vùng núi Lại Khánh, thì núi lại nổi lên chất ngất và bao trùm hàng trăm dặm vuông. Mặt Bắc ngó xuống sông Lại quanh co lóng lánh. Mặt Đông sát biển cả, mây nước thương mang. Mặt Nam nhìn cánh đồng Phù Mỹ mênh mông và đầm Trà Ổ lai láng.
Đó là núi Bích Khê.
Trong núi có nhiều ngọn. Cao nhất là hòn Chớp Chài (653 thước) và hòn Cao (620 thước) đứng song song. Chớp Chài phía Nam, Hòn Cao phía Bắc, ngó xuống biển Đông. Ở phía Bắc hòn Cao, sát mé biển có hòn Hóc Mít tuy thấp (294 thước), nhưng có danh, vì giữa Hóc Mít và Hòn Cao có đường đèo nối Kim Giao (phía Bắc) và Lộ Giao (phía Nam) là hai nơi trù phú trong vùng. Những khách hàng hải khi cần củi nước... đều ghé vào Lộ Giao. Nên có câu:
Non xanh suối biếc đẹp ghê
Muốn cần nước củi, ta về Lộ Giao
Đèo Lộ Giao, Kim Giao ở phía Tây, hòn Hóc Mít ở phía Đông, sát biển, còn một đèo nữa chạy từ Lộ Giao ra Diêu Quan, tục gọi là Đường Gành. Trên non dưới nước, phong cảnh thật là thanh kỳ. Nơi gành phía đông lại có một kẽ đá rộng lớn. Đứng trên đèo ngó xuống thấy nơi vách kẽ, phía Bắc, một người đá cưỡi con ngựa đá đương phi. Kích thước bằng người ngựa thiệt, dáng điệu rất linh động, trông như sống. Vật thiên nhiên mà in như là tác phẩm của một nhà điêu khắc dày công khổ tứ. Rõ là một kỳ quan.
Phía Nam Lộ Giao còn một đèo thứ ba nữa, chạy vào Phú Thứ thuộc Phù Mỹ.
Thế là Giao Lộ ở giữa hai ngả đèo. Nhờ những đèo ấy mà đường giao thông ở phía biển khỏi bị gián đoạn vì núi Bích Kê.
Hình thế núi Bích Kê rất hiểm yếu.
Năm Quí Tỵ (1773), tướng chúa Nguyễn là Tôn Thất Hương, đem ba chục ngàn quân vào đánh nhà Tây Sơn. Đến Bích Kê, phục binh của Tây Sơn do hai tướng Trung Hoa là Tập Đình và Lý Tài chỉ huy chận đánh. Tôn Thất Hương bị tử trận. Quân Tây Sơn thừa thắng kéo thẳng ra đánh lấy Quảng Nghĩa rồi Quảng Nam.
Năm Nhâm Tuất (1802), Lê Văn Duyệt và Lê Chất chiếm cứ được núi này, rồi đánh vào thành Quy Nhơn. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bị chận đường rút lui về Bắc phải đem tượng binh theo đường núi qua Lào ra Nghệ An.
Xem thế thì biết Bích Kê hiểm yếu bao nhiêu!
(còn tiếp)
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) |