Núi non Bình Định (kỳ 4)
16:28', 23/2/ 2005 (GMT+7)

Núi trong dãy Vĩnh Thạnh có nhiều ngọn cao lớn, tạo cho dãy một hình thế hiểm yếu không kém các dãy Kim Sơn, An Lão. Như hòn Nong Bong, hòn Bong Bong cao độ gần nghìn thước, chất ngất sum sê.

Mũi Rồng, Phù Mỹ (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Hòn Bong Bong thường gọi tắt là hòn Bong. Đó là một danh sơn trong dãy Vĩnh Thạnh. Núi đứng nghiêng nghiêng về hướng Tây Nam, hình giống người đàn bà vừa "đi việc cần" xong đứng dậy, tay còn xách quần. Nên người địa phương thường gọi là Núi Xách Quần và đặt ra câu hát rằng:

Xứ em có núi Xách Quần

Lấy ai thì lấy em đừng lanh chanh

Yêu anh thì giữ lấy anh

Em đừng ăn tỏi chê hành là hôi.

Xách quần chạy ngược chạy xuôi

Chạy mỏi cẳng rồi đứng lại bơ vơ

Trên đầu mây kéo bạc phơ

Dưới chân nước chảy lững lờ về đông.

Núi Bà tên chữ là Bà Sơn. Lại có tên nữa là Bô Chinh Đại Sơn.

Núi Bà không phải là một hòn độc sơn, mà là một quần sơn tụ hợp trên một căn đế như Bích Kê và Lạc Phụng.

Núi đột khởi tại Chợ Gồm thuộc thôn Vĩnh Trường. Từ Chợ Gồm, núi chạy xiên xiên xuống Đông Nam qua các thôn Đại An, Khánh Hậu, Chánh Lộc, Phương Phi… đến Cách Thử. Đó là mặt trong. Còn mặt ngoài, thì từ Chợ Gồm núi chạy xuống hướng Đông Bắc, qua thôn Chánh Danh, Gia Thạnh… Đến Chợ Gành trên bờ đầm Đạm Thủy tức đầm Nước ngọt, gần cửa biển Đề Gi, thì quay vào Đông Nam, chạy dọc theo bờ biển, qua thôn Phú Dõng, Chánh Thiện, Tân Thắng, Chánh Oai, rồi chạy thẳng vào Nam, cũng theo mé biển qua các thôn Thanh Hà, Tân Lý, Vĩnh Hội, Trung Nghĩa (vùng Cách Thử).

Núi chiếm một vùng rộng có đến hàng trăm dặm vuông.

Núi ngó ra biển, hùng vỹ, hoành tráng.

Trong núi có nhiều ngọn cao chất ngất, như Hòn Hòe ở phía Đông Nam, Hòn Hang Rái ở phía Đông Bắc, Hòn Chuông ở phía Tây v.v…

Đó là ba ngọn cao nhất. Nhưng cao hơn hết và đặc sắc hơn hết là Hòn Chuông (892 thước).

Hòn Chuông cũng gọi là Hòn Chung.

Hình tròn trịa, đồ sộ, bên mặt có núi nhỏ bao quanh. Trên đỉnh có một tảng đá lớn nằm ngang, bằng phẳng, và bên cạnh một tảng khác đứng thẳng trông cao lớn dềnh dàng. Đứng xa trông giống hình quả chuông úp sấp.

Ngọn núi này đứng phía nào cũng thấy vì vượt hẳn lên trên các ngọn khác. Đứng nơi cầu đá Quy Nhơn nhìn ra, thì trong mây khói lờ mờ, có thể lầm là một ngọn cổ tháp xây trên đỉnh núi.

Chính hòn Chuông là chủ sơn, đại diện toàn thể Núi Bà, nên người địa phương thường gọi Hòn Chuông là Hòn Bà. Và có lẽ do đó mà Núi Bà mệnh danh là Bô Chinh Đại Sơn, vì Bô Chinh là "chiêng đồng đi trốn", mà "chiêng" với "chuông" có thể coi là "đồng loại".

Có người bảo rằng khi đặt tên chữ cho Núi Bà, cổ nhân nhắm hình dáng của toàn thể vùng núi. Vùng núi đứng trên cao ngó xuống thấy hơi tròn như một chiếc mâm đồng bị méo móp. Hòn Chuông nổi lên ở chính giữa như là một cái núm. Nhìn toàn diện giống một "chiếc chiêng đồng úp sấp và có dáng khép nép" nên mới gọi là Bô Chinh, và vì tình thế rộng lớn nên thêm chữ "Đại" vào.

Đó là ức đoán.

Trên Hòn Chung, lại có một khoảng đất bằng, tục gọi là Ba Sân. Truyền rằng:

Năm Quí Sửu (1793), Nguyễn Ánh đem quân vào cửa Thị Nại. Vua Thái Đức sai thái tử Nguyễn Bảo đem binh ra chống giữ. Nhưng Nguyễn Bảo bị thua, thành Quy Nhơn bị quân nhà Nguyễn kéo lên công phá. Vua Thái Đức thấy thế giặc mạnh, liệu khó chống nổi, bèn sai người cầu cứu ở Phú Xuân. Trong lúc binh cứu viện chưa đến, nhà vua thường lên nơi Ba Sân, đứng ngó ra Bắc mà trông đợi.

Có người không tin là chuyện có thật, vì nghĩ rằng:

-    Thành Quy Nhơn đóng tại thành Đồ Bàn cũ, ở cách Núi Bà rất xa. Trong khi quốc gia hữu sự, vua Thái Đức làm gì có dư thì giờ để ra tận nơi Ba Sân mà đứng trông đợi.

Không tin là chỉ xét về mặt địa lý chớ không xét kỹ mặt lịch sử.

Sử chép rằng "dưới núi có kho Càn Dương. Chỗ kho này, Tây Sơn dùng làm Tân phủ, cùng thành Quy Nhơn nương tựa nhau".

Thuộc xã Cát Minh, phía Đông thôn Chánh Danh và phía Tây Chợ Gành, có một nổng gò tục gọi là Gò Kho. Kho Càn Dương cất tại gò ấy.

Khi đến Tân phủ, vua Thái Đức vì nóng lòng đợi quân Phú Xuân, có thể lên núi trông lắm.

Lại truyền rằng: Năm Quí Sửu (1793) khi Nguyễn Ánh đem quân vào đánh thành Quy Nhơn thì chia một đạo binh ra tấn công kho Càn Dương. Quân Tây Sơn dựa núi bắn xuống, quân Nguyễn Ánh không tiến được. Tên Trần Công Hiến, người Quảng Nghĩa xin lén vào trong quân Tây Sơn để làm nội ứng. Khi vào được rồi Hiến ra ám hiệu cho quân Nguyễn Ánh biết, rồi cho người mật báo rõ những nơi hiểm yếu của đối phương… Tướng của Nguyễn Ánh nhờ vậy mà biết rõ được địa thế, liền nhắm những nơi nhược điểm mà đánh vào. Khi binh ngoài đánh vô thì Trần Công Hiến ở trong đánh ra. Không kịp phòng bị, quân Tây Sơn bị thua. Quân Nguyễn Ánh phá được thành lũy, chiếm được núi.

Lại truyền rằng:

Khi Nguyễn Ánh chiếm cứ được Núi Bà rồi thì kéo quân vào đóng tại Khánh Lộc (thuộc xã Cát Hanh bây giờ). Lương thảo tích trữ tại kho Càn Dương dùng tiếp tế cho quân Khánh Lộc. Một vị quan coi việc quân nhu, tải lương trên một cỗ xe bánh gỗ, vừa đến chân gò vùng Gia Thạnh, thì xe bị gãy bánh, phải sửa chữa, nên lương đến trễ. Nguyễn Ánh bắt tội chém đầu. Đầu bay đến thôn Trung Chánh (thuộc xã Cát Minh hiện tại và gần Gia Thạnh) rơi trên một nổng gò, tục gọi là gò Loi. Còn nổng ở Gia Thạnh, sau khi xảy ra việc gãy xe, liền mệnh danh là gò Xa Tó, tức gò xe gãy.

Vị quan kia tên gì không rõ, chỉ nghe truy chức tước là "Kỷ Vị khoa Tấn sỹ Phi Vận Đại tướng quân". Hiện có hai nơi thờ là Khánh Lợi, nơi chôn xác, và Trung Chánh, nơi chôn đầu.

Núi Bà nổi danh một phần do di tích lịch sử.

Trong núi còn có Đá Vọng Phu ở vùng Chánh Oai, sự tích nửa hư nửa thực, có chùa Linh Phong, cất trên một ngọn núi ở vùng Phương Phi, phong cảnh thanh tú sự tích kỳ dị.

Và núi tuy cao và liền lạc nhau, nhưng bốn mặt đều có khe có suối, và giữa núi có nhiều thung lũng trồng tỉa rất tốt. Nhân dân địa phương lập thôn ấp trong một vài thung lũng. Như thôn Chánh Hùng là một.

Thôn Chánh Hùng nằm trơ trọi một mình, bốn bề núi non vây bọc. Nhờ hai đường đèo mới tiếp xúc được với đồng bào ở bên ngoài. Một đèo chạy ra phía Bắc, đến thôn Phú Dõng, gọi là Đèo Nhỏ. Một đèo nữa chạy vào phía Nam, đến thôn Mỹ Thuận, Mỹ Long, Chánh Mỹ, gọi là đèo Tố Mộ tục gọi là Tó Mọ hay Đèo Lớn.

Ở mặt phía Đông, có nhiều nơi chạy sát biển, làm trở ngại việc giao thông của nhân dân ở dọc theo mé biển. Như phái trong Chánh Oai, tại Thanh Hi, núi chạy thành một mũi đá hiểm hóc, thọt ra biển, gọi là Mũi Đá Giăng. Nhờ có đường đèo vắt ngang mà người phía Bắc phía Nam mới qua lại được.

Nhưng cũng như đèo Nhỏ, đèo Tố Mộ, đèo Mũi Đá Giăng rất khó đi vì nhiều đá dăm mọc lởm chởm.

Ở phía ngoài đèo Mũi Đá Giăng, từ Chánh Oai, Tân Thắng trở ra tới ngoài Chánh Lợi, cát nổi thành truông. Có nhiều chỗ cát vun thành gò. Qua lại rất bất tiện nhất là mùa hạ nắng nung.

Bởi vậy những người qua lại vùng này rất e ngại đèo và truông. Nên ca dao Bình Định có câu:

Anh về em cũng muốn theo

Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm.

Nhưng để an ủi người thương, khách đa tình lại cười duyên, nói nhỏ:

Đá dăm anh đã lượm rồi,

Còn truông cát nóng em bồi bùn non.

Đó là những nét đại cương ở trong và ngoài Núi Bà.

Mới trông qua Núi Bà, có lắm người tưởng không có liên hệ cùng dãy Trường Sơn ở phía Tây, và ở mặt Đông, núi dừng lại ở nơi Đề Gi và Cách Thử.

Nhưng sự thất thì Núi Bà, thuộc sơn hệ dãy Vĩnh Thạnh là một nhánh lớn của Trường Sơn, như trên đã nói, và tới Cách Thử thì phục xuống, sơn mạch chạy ngầm dưới đất và biển nổi lên thành dãy núi Triều Châu.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 1)  (18/02/2005)
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)
Vua Tây Sơn tiếp một doanh nhân Anh quốc  (14/02/2005)
Soi bóng Huyền Trân  (12/02/2005)
Những phiên chợ Tết độc đáo  (08/02/2005)
Vài loại bánh Tết cổ truyền  (07/02/2005)
Đi tìm cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa  (07/02/2005)
Một tượng đài cho Công chúa Huyền Trân  (06/02/2005)
Dấu ấn phong trào Tây Sơn qua một bài phú  (06/02/2005)
Hương vị Tết quê  (05/02/2005)
Ẩm thực xứ dừa: Cá tràu nấu ám  (04/02/2005)