Núi non Bình Định (kỳ 5)
16:19', 24/2/ 2005 (GMT+7)

* Núi Triều Châu

Là một vùng cát trắng vun cao như núi, thỉnh thoảng nhô lên những ngọn núi đá, nối liền Cách Thử và chạy dài vào Nam tạo thành một bán đảo làm bờ phía Tây cho biển Đông và bờ phía Đông cho đầm Thị Nại.

Mũi Yến, Nhơn Hải, Quy Nhơn (ảnh: Cát Hùng)

Bán đảo Triều Châu rộng từ 2 cây số (chỗ hẹp nhất) đến 5 cây số (chỗ rộng nhất) và dài đến 20 cây số. Màu cát trắng nổi bật giữa vùng nước xanh trời xanh.

Từ Cách Thử trở vào, gần ngót 8 cây số, toàn vùng cát vun thành đống, thành gò, mênh mông bát ngát. Cổ nhân gọi là Trường Châu Lãnh (Núi Bãi Dài) hay Trường Chử Chủy (Mũi Bãi Dài).

Qua khỏi Trường Châu, đến Hưng Lương, sát mé biển Đông, nổi lên một ngọn núi thấp (98 thước) gọi là Đơn Cương (Núi Đơn) dưới chân khỏa cát và dài ra mặt nước như một ngón tay trỏ, và ngón tay trái giơ ra.

Kế đó đột khởi một vùng núi đá đen khá cao (361 thước) bích lập giữa vùng cát trắng, trong khoảng trời nước lục lìa ngoài biển trông vào giống in một bó mực tàu so le dựng đứng trên cuộc giấy quyến trải trên chiếc bàn phủ khăn xanh.

Đó là hòn Hắc Thạch Sơn, tục gọi là Hòn Đá Đen hoặc Hòn Đen.

Phía trong Hòn Đen, cũng dọc theo mé biển và cũng nổi giữa cát, một hòn núi hình yên ngựa, mệnh danh là Mã Cảnh Sơn (núi Cổ Ngựa) tục gọi là núi Giốc Ngựa (166 thước).

Tiếp theo Giốc Ngựa là Eo Vược, sách chép là Yêu Việt. Đó là eo đá hẹp (chừng nửa cây số) mà dài (gần hai cây số), phía Đông biển liếm thành hình bán nguyệt, phía tây đầm Thị Nại ăn sâu vào thành một vũng khá rộng nằm ôm lấy chân eo. Đứng phía đầm trông xuống thật giống sòng tát nước ở đồng quê. Tục gọi là Sòng Tát Khổng Lồ.

Vì sao lại gọi thế?

Truyền rằng:

Xưa kia, ông Khổng Lồ ngồi tát nước đầm Thị Nại để bắt cá ăn. Thình lình một con cá Vược to lớn nhảy vọt qua núi ra biển. Khổng Lồ nhảy theo chụp không được, tức mình dậm chân. Chân dậm quá mạnh, một phần đá sụp xuống thành vũng, phần còn lại thành eo.

Do đó, eo mệnh danh là Eo Vược, và vũng hợp với eo thành Sòng Tát Khổng Lồ.

Qua khỏi Eo Vược thì đến Phương Mai.

Đây là một vùng núi có nhiều ngọn đứng trên một căn đế. Những ngọn núi này chỉ cao từ 100 thước đến 316 thước mà thôi, được nhiều người biết là hòn Chớp Vung, hòn Mai, hòn Điệp Chữ tức Bãi Điệp… Trên núi không có cây to nên khe núi thường bị khô nước.

Ngoài những ngọn núi đá, Phương Mai còn hai mũi đá nhọn chạy thẳng ra biển. Một ở phía Đông Nam, trông như mũi mác, có chim yến làm tổ nơi gành, nên tục gọi là Mũi Mác hay Mũi Yến và khách Hà mặc gọi là Yến Chủy. Một ở phía Tây Nam, hình giống chiếc nanh cọp, ngó lên thành phố Quy Nhơn, tục gọi là Gành Hổ, sách gọi là Hổ Ky.

Vùng núi Phương Mai là điểm cuối cùng của dãy Triều Châu và là bình phong của cửa biển Thị Nại. Các nhà phong thủy bảo đó là đầu rồng, mà cổ là Eo Vược, khúc mình chạy từ Giốc Ngựa đến Cách Thử và khúc đuôi từ Cách Thử đến Đề Gi. Đi trên máy bay trông xuống thật giống in con khủng long đương bơi trên sóng biếc.

Dãy Triều Châu tuy toàn cát và đá núi, nhưng vẫn có làng có xóm, và dân cư nhờ có biển và đất đai ở vùng thung lũng vẫn được áo ấm cơm no. Trong vùng Phương Mai lại có mỏ dầu hỏa. Có một năm dầu trào lên làm chết cả hoa màu ở quanh vùng, và trong thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nhân dân địa phương đào được một vũng nhỏ lấy dầu thắp. Mỏ dầu này, theo các nhà chuyên môn thì còn non và không được nhiều nhiên liệu.

Trước kia trên núi Triều Châu, nhất là tại các ngọn núi có nhiều cây cối, có nhiều trâu rừng. Truyền rằng đó là trâu của bà Cố Hỷ.

Bà Cố Hỷ là một phu nhân (sống về thời nào không rõ) rất giàu ở thôn Huỳnh Giản. Nhà bà nuôi hàng nghìn con trâu thả ăn khắp núi. Sau khi bà chết không ai có thể chăn nổi, trâu trở thành trâu hoang. Hiện tại Huỳnh Giản còn có đền thờ phu nhân. Còn trâu vì mức sinh sản mỗi ngày mỗi kém dần, thời Pháp thuộc và thời chiến tranh, lại còn bị bắn giết quá nhiều, nên không còn được bao lăm.

Dưới chân Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ. Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh cao lớn bằng hình người. Phía sau lưng tượng có một hàng chữ bùa. Tượng này người địa phương tìm thấy ở dưới mé bàu. Truyền rằng xưa kia tượng ở tận ngoài Lao Xanh (Pou-lo-Gam-bir). Một hôm tự nhiên biến mất. Nhân dân tìm mãi không thấy. Sau nghe người Phương Mai được tượng Phật, bèn tới nhìn thấy quả là tượng Phật của mình, mới đòi lại. Nhưng hàng trăm người xúm khiêng mà giở lên không nổi, đành phải cúng lại cho người Phương Mai. Những năm có bệnh dịch, bệnh tả, thì tượng Phật tự nhiên đổ mồ hôi. Người địa phương lấy son thoa nơi lưng Phật, lấy giấy vàng in những hàng chữ bùa, đem về dán nơi nhà và đốt uống với nước lã. Người có bệnh lành bệnh, người không bệnh tránh khỏi bệnh.

Ngoài những di tích thần bí, Phương Mai còn nhiều di tích lịch sử. Đó là những dấu thành lũy, đồn bảo của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn Phúc mà nắng mưa chưa dịt hết vết tang thương.

Dãy Triều Châu xưa kia là một quần đảo. Sau khi cửa Cách Thử bị lấp, cát nối liền các hòn đảo lại, rồi ghép đảo vào đất liền thành một bán đảo cát trắng lẫn núi xanh, và làm điểm "chấm hết" cho dãy Vĩnh Thạnh.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 1)  (18/02/2005)
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)
Vua Tây Sơn tiếp một doanh nhân Anh quốc  (14/02/2005)
Soi bóng Huyền Trân  (12/02/2005)
Những phiên chợ Tết độc đáo  (08/02/2005)
Vài loại bánh Tết cổ truyền  (07/02/2005)
Đi tìm cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa  (07/02/2005)
Một tượng đài cho Công chúa Huyền Trân  (06/02/2005)
Dấu ấn phong trào Tây Sơn qua một bài phú  (06/02/2005)
Hương vị Tết quê  (05/02/2005)