Núi non Bình Định (kỳ 6)
11:33', 27/2/ 2005 (GMT+7)

Đến nửa huyện Vĩnh Thạnh, dãy Trường Sơn chạy thẳng vào đến Phú Yên. Núi non chồng chất, liên tiếp thành một bức tường lũy có nhiều lớp lồng vào nhau, hùng hiểm hoành tráng.

Đoạn núi này nằm trọn trong địa hạt Bình Khê (Vĩnh Thạnh xưa thuộc về Bình Khê) và trước đây làm ranh giới giữa Bình Định và Gia Lai.

Đầu nguồn Hầm Hô, Tây Sơn (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Đối với tỉnh lỵ Bình Định (Quy Nhơn hiện tại cũng như thành Bình Định, Đồ Bàn ngày xưa), đoạn núi Trường Sơn này nằm chính hướng Tây, cho nên mệnh danh là dãy Tây Sơn.

Tên Tây Sơn đã có từ trước.

Vì núi mệnh danh là Tây Sơn, nên những vùng sơn cước ở quanh núi và vùng bình nguyên ở dưới núi cũng mệnh danh là Tây Sơn. Cổ nhân gọi là Tây Sơn Ấp.

Ấp Tây Sơn gồm có ba phần:

-  Tây Sơn Thượng là vùng An Khê gồm các vùng núi non và rẫy ruộng làng mạc thuộc huyện An Túc.

-  Tây Sơn Trung gồm các vùng sơn cước, từ chân đèo An Khê đến Hữu Giang, Tả Giang.

- Tây Sơn Hạ gồm vùng bình nguyên từ Trinh Tường, Phú Lạc đến cuối huyện Tây Sơn hiện tại. Hai cụm tháp Dương Long và Thủ Thiện là mốc ranh giới của ấp.

Đây là nơi sản sinh tam kiệt nhà Tây Sơn, nữ kiệt Bùi Thị Xuân và anh hùng Mai Xuân Thưởng.

Địa thế hiểm yếu rất có lợi cho việc dụng binh.

Dãy Tây Sơn còn có tên nữa là Trụ Lãnh và Phong Lãnh.

Vì thượng lưu sông Côn chạy lồng theo núi, nên dãy Tây Sơn bị chia làm đôi.

Núi tuy chia mà chẳng những sơn mạch không bị gián đoạn, địa thế nhờ có sông lại càng hiểm trở thêm, và phong cảnh đủ thủy tú sơn kỳ càng thêm tình thêm thú.

Trong dãy có nhiều ngọn cao lớn, trông đồ sộ hiên ngang. Nhưng nổi danh, hoặc vì có di tích lịch sử, hoặc có những đặc điểm làm cho mọi người chú ý là những ngọn sau đây, kể từ Bắc vào Nam:

Trước hết là Hòn Ngăn (785 thước) dính liền với hòn Bong Bong trong dãy Vĩnh Thạnh. Núi cao rậm. Có vẻ ngang ngược như muốn ngăn lối chặn đường khách đi rừng. Bốn mặt có suối khe bao bọc. Thế thật là hiểm hóc.

Phía đông Hòn Ngăn, cách một dòng suối, có hai ngọn núi cao ngất đứng song song như hai răng nanh, nhưng mỗi hòn có một hình dạng một sắc thái riêng. Đó là hòn Vỏ Cá và hòn Da Két.

Hòn Vỏ Cá (734 thước) đứng phía Bắc. Dưới chân thì nở chành bành ra, đến nửa chừng thì thon lần lại, khi gần tới đỉnh, vụt đứng sững lên như đống rơm vun ngọn.

Hòn Da Két (639 thước) đứng phía Nam, thấp hơn hòn Vỏ Cá. Dáng bệ vệ. Triền phía đông, từ lưng núi lên tới đỉnh, không có cây to, chỉ rải rác một ít bụi rậm trong những đám tranh săng mọc dày. Màu tranh săng phản chiếu bóng mặt trời ban mai trông non tươi như màu lông két. Do đó mà núi mệnh danh là Da Két.

Phía Tây Nam hòn Da Két, và liền với Hòn Ngăn ở phía Bắc, Hòn Nước Đỏ (563 thước) cũng có một hòn "anh chị" trong vùng.

Bốn ngọn núi này đứng chung trên một ngăn đế, và chỉ cách nhau do những dòng suối nhỏ chạy dưới chân.

Trên hòn Ngăn và hòn Nước Đỏ có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở. Họ đem lâm sản đổi chác cho nhau tại chợ Hà Nhe.

Chợ Hà Nhe ở dưới chân hòn Ngăn, phía Đông Nam, gần Nước Đỏ. Đó là một khoảnh đất trống ở trên một cái trảng rộng, không quán không lều. Chợ họp giữa trời, mỗi tháng sáu kỳ. Người Kinh ở các vùng lân cận, nhất là người Phù Mỹ, Phù Cát cũng đến, đem cá khô, muối, mắm… đổi lấy lâm sản đưa về vùng xuôi.

Cảnh chợ không có gì đặc sắc, ngoài cây gõ lâu đời.

Cây gõ này sống không biết bao nhiêu thế kỷ. Gốc lớn gần bốn người ôm, đọt ngó trật ót. Toàn thân đã thành lõi hết, chỉ còn lơ thơ đôi nhánh tươi. Người dân tộc thiểu số địa phương coi cây như thần, đụng đến phải tội vạ. Xưa, các nhà cầm quyền trong hạt, nhiều người muốn chiếm hữu. Nhưng dùng uy quyền không được, dùng tiền tài không được, đành phải để cây cổ quí nơi chợ làm của chung.

Những cây gõ to lớn như thế, ở trên núi cao không hiếm. Cây gõ Hà Nhe quí ở điểm: ở dưới thấp và đứng độc lập ở giữa một dãy trảng không cây cối, như một cột trụ kình thiên. Thợ rừng thợ săn đến hòn Ngăn, Nước Đỏ, đều lấy cây gõ này làm mục tiêu mỗi khi rủi lạc đường.

Tiếp theo hòn Nước Đỏ, có hòn Bạc Má (570 thước).

Đây cũng là một kỳ sơn. Bộ ngó "chằm vằm" và sắc núi trông đậm hơn các hòn chung quanh. Trên đầu núi, phía Đông Nam, một vùng đá trắng nổi lên như một gò má, đứng xa vẫn trông thấy rõ ràng. Do đó núi mệnh danh là Bạc Má.

Hòn Bạc Má và hòn Nước Đỏ có thể coi là một, nếu không có đèo Bồ Bồ chạy ngang qua, làm ngăn cách Bắc Nam. Không phải có ý trách đèo chia núi. Vì chia như thế không có hại gì cho phong cảnh, mà còn làm lợi cho đồng bào trong việc qua lại hàng ngày. Đèo mở đường giao thông giữa Tiên Thuận ở phía Tây và Thuận Ninh ở phía Đông. Người Phù Mỹ, Phù Cát muốn lên miền trên, thường dùng đường Bồ Bồ để đi cho ngắn.

Tại sao lại gọi là đèo Bồ Bồ? Bồ Bồ có phải tiếng dân tộc thiểu số chăng? Không phải, mà là tiếng thổ âm của Bình Định. Các ông già bà cả bảo rằng:

-  Đèo Bồ Bồ đã dài lại dốc. Thêm trước khi lên đèo ở phía Đông cũng như ở phía Tây, hành khách phải lên phải xuống nhiều trảng. Nên khi đến nửa đèo, phải xoay bồ bồ, nghĩa là bị chóng mặt. Cho nên mới gọi là đèo Bồ Bồ.

Truyền rằng tại đèo Bồ Bồ, xưa kia có một con voi to lớn, hai ngà trắng nõn và dài gấp rưỡi cây đòn gánh cong. Tục gọi là ông Bồ. Ông Bồ rất hiền. Ngày ngày thường ra nơi đèo đưa đón hành khách qua lại. Hành khách coi như một người bạn thân, luôn luôn đem chuối, mía đến cho ăn. Voi chết, xác chôn dưới chân đèo. Hành khách qua lại đều tỏ lòng thương tiếc, mỗi người lượm một viên đá hoặc cục đất để trên nấm mồ, lâu ngày cao thành gò.

Có người bảo do chuyện Ông Bồ ấy mà đèo mang tên là Bồ Bồ.

Hai thuyết không biết có thuyết nào đúng hay chăng?

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 1)  (18/02/2005)
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)
Vua Tây Sơn tiếp một doanh nhân Anh quốc  (14/02/2005)
Soi bóng Huyền Trân  (12/02/2005)
Những phiên chợ Tết độc đáo  (08/02/2005)
Vài loại bánh Tết cổ truyền  (07/02/2005)
Đi tìm cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa  (07/02/2005)
Một tượng đài cho Công chúa Huyền Trân  (06/02/2005)
Dấu ấn phong trào Tây Sơn qua một bài phú  (06/02/2005)