Núi non Bình Định (kỳ 7)
15:59', 28/2/ 2005 (GMT+7)

Hiện nay ở dưới chân đèo Bồ Bồ, phía Thuận Ninh, có mấy nấm mộ đất to lớn dị thường. Nếu trên ngọn không có hình con cá chép đào thủng xuống (hình trên các nấm mộ đất) và không có dấu dẫy, thì có thể lầm là những nấm gò. Có một nấm đồ sộ như một ngôi nhà cặp. Không biết đó có phải đó là mả Ông Bồ chăng? Các vị cố lão không còn, các anh chị em thanh niên ở trong vùng lại ít để ý đến những gì không cần thiết hàng ngày, nên không biết hỏi ai cho rõ!

Khi đi lên đèo thì những nấm mộ này phía tay trái. Ở phía tay phải lại có một vùng gò mênh mông, tục gọi là Ba Gò hay Lăng.

Vùng Lăng rất linh thiêng. Không ai dám vào.

Thác nước ở đầu nguồn Vĩnh Sơn - ảnh: Đào Tiến Đạt

Truyền rằng khi vua Gia Long lên ngôi cửu ngũ, nửa đêm người ở quanh vùng thình lình nghe tiếng kèn tiếng trống từ hướng Nam đưa lần lần tới. Trở dậy ra ngoài xem thì thấy bóng cờ bóng liệu từ từ đi đến phía Ba Gò. Có người theo rình xem, thì thấy vào Ba Gò rồi biến mất. Tiếng kèn trống cũng im từ ấy những đêm thanh gió mát, thường nghe tiếng nhã nhạc, văng vẳng trong Lăng.

Có người ngờ rằng Ba Gò là nơi dấu thi hài của vua Thái Đức. Cho nên Ba Gò mới có tên nữa là Lăng.

Đó chỉ là ức đoán mà thôi. Song không ai dám quả quyết rằng không đúng.

Phía Đông Hòn Bạc Má và Đông Nam Ba Gò có một cánh đồng rộng mênh mông, tục gọi là Đồng Quan. Đó là hậu cứ của Nghĩa quân Cần Vương. Những quân lính, sau một thời gian đi chinh chiến, trở về đây nghỉ ngơi và lo việc tăng gia sản xuất. Trong vùng có cất kho trại chứa lương thực và để quân lính ở gọi là Bắc Trại (Còn Nam Trại ở vùng Đồng Vụ). Do đó cả vùng cùng gọi là Bắc Trại.

Bắc Trại thuộc về Thuận Ninh. Đất đai phì nhiêu vì quanh năm có nước suối. Đường vô ra lại rất hiểm trở vì chung quanh đều có núi gò bao vây.

Phía Nam Bắc Trại có cái truông gọi là Truông Xe. Trong thời nghĩa quân Cần Vương nổi dậy chống Pháp những xe cộ chở lương thực vào Bắc Trại, hoặc đến Bắc Trại để chở lương thực ra ngoài tiền tuyến, đều phải dừng nơi Truông. Vì vậy nên gọi là Truông Xe.

Chính những di tích lịch sử này mà làm cho những hòn Da Két, Nước Đỏ, Bạc Má… nổi danh nhiều hơn là những điểm đặc biệt của núi.

Từ hòn Bạc Má trở vô, còn nhiều ngọn núi hiểm, như hòn Sống, hòn Ngang…, nhưng ngoài người địa phương ra ít ai để ý. Núi ở phía Tây đèo Bồ Bồ cũng thế. Đó là vì đường đi khó khăn, khách du lãm xưa nay không đủ phương tiện đến viếng thăm.

Nhưng ở vùng Tiên Thuận, lại có đôi ngọn núi thấp nhỏ, mà danh tiếng được bay xa. Như Hòn Cấm ở Tiên Bình.

Hòn Cấm tuy thấp (246 thước) nhưng rừng rậm cây cao. Có nhiều danh mộc to lớn, hình thù cổ quái. Ngày xưa có người thợ rừng vào núi làm súc. Thấy một cây cổ thụ vừa cao lớn, vừa thẳng, bèn ra tay rìu. Nhưng lưỡi rìu vừa phạm vào thân cây liền gãy đôi. Người thợ rừng dùng lưỡi rìu khác sắc bén và chắc chắn hơn. Lần này rìu không bị gãy nhưng bị mẻ. Lưỡi rìu khác gang thép già gấp đôi thay vào, và cây bị đốn ngã.

Cây vừa ngã thời nơi gốc, ngay chỗ bị đốn, trồi lên một đầu lâu, tóc chờm bờm và xanh như cỏ, đôi mắt mở trừng trừng nhìn người thợ rừng. Người thợ rừng không chút sợ hãi chống rìu đứng trố mắt nhìn lại. Hồi lâu đầu biến mất. Người thợ rừng đẵn cây làm súc đem về bán. Họ Bùi ở trong thôn Tiên Thuận mua súc ấy về làm nhà. Nhà vừa cất xong thì trong gia đình xảy ra liên tiếp những tai biến. Người thợ rừng hối hận đến thuật lại chuyện "thần tóc xanh"! Biết rằng thần cần có chỗ nương tựa, họ Bùi liền khấn vái rồi lập miễu tại nơi cây bị đốn mà phụng thờ. Từ ấy trong nhà yên ổn. Họ Bùi bèn làm đơn kể hết sự tình, trình lên quan địa phương xin cấm không cho đốn cây nơi rừng. Quan chuẩn y.

Do đó núi mệnh danh là Hòn Cấm.

Câu chuyện có phần hoang đường. Nhưng phần đông đồng bào địa phương rất tin, nên ít người dám vào Hòn Cấm. Lắm người không tin, nhưng vẫn thích nghe kể và cũng ưa kể lại cho người khác nghe. Ai cũng lấy làm lý thú. Kẻ bàn ra người tán lại, câu chuyện mỗi ngày mỗi thêm phổ biến. Nhờ thế mà Hòn Cấm nổi danh.

Cũng ở vùng Tiên Thuận, còn có một cụm núi nữa, cũng không cao lớn, nhưng được xa gần mến danh. Đó là Hòn Kho ở tại Tiên An.

Trong núi này, nghĩa binh Cần Vương đã cất kho tích trữ lương thực để chống Pháp. Coi giữ kho là nghĩa sĩ Huỳnh Ngạc nổi tiếng là cương cường liêm chính. Do có kho của nghĩa binh cất trên núi, núi mệnh danh là Hòn Kho.

Dưới chân Hòn Kho có dòng suối Từ Bi phát nguyên từ vùng đèo Bồ Bồ ở phía Bắc, rồi chảy ra sông Hà Giao (tục gọi là sông Hà Riêu, một ngọn nguồn của sông Côn) ở phía Nam.

Phong cảnh thật hữu tình. Vì vậy, khách làng thơ thường đưa nhau đến ngâm vịnh, và có truyền lại nhiều vần khả ái. Như:

- Hòn Kho chất chứa gan trung

Tình sâu đất nước thấm dòng Hà Giao.

Bao phen đổi vật dời sao

Hoa thơm giữa tiếng anh hào càng thơm

(Thơ của Trường Xuyên và Định Phong).

- Rừng xanh mướt bóng sơn thôn

Dấu cũ Cần Vương núi một hòn   

Thơm thảo lòng Dân kho chất chứa,

Ngọt ngào ơn nước suối khơi tuôn.

Dòng trôi cuộc bụi theo dâu bể

Đá tạc hồn trung vững nước non.

Biết có đâu đây đền nghĩa liệt?

Hương đưa phảng phất gió hoàng hôn

(Thơ của Trường Xuyên và Định Phong).

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 1)  (18/02/2005)
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)
Vua Tây Sơn tiếp một doanh nhân Anh quốc  (14/02/2005)
Soi bóng Huyền Trân  (12/02/2005)
Những phiên chợ Tết độc đáo  (08/02/2005)
Vài loại bánh Tết cổ truyền  (07/02/2005)
Đi tìm cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa  (07/02/2005)
Một tượng đài cho Công chúa Huyền Trân  (06/02/2005)