Theo các thư tịch Trung Quốc, dưới vương triều Vijaya trong tang lễ của người Chăm đã có sự quy định chặt chẽ. Nếu người chết là dân thường thì lễ an táng được thực hiện ngay một ngày sau đó, nhưng nếu người chết là một quý tộc hoặc một vị quan lại của triều đình thì ba ngày sau mới chôn cất. Cách táng tục, người chết được bỏ vào trong một áo quan đặt trên một chiếc xe, đi sau là đội nhạc kèn. Thân nhân của người chết cả đàn ông và đàn bà đều cạo trọc đầu để tỏ lòng hiếu thảo với người đã khuất. Khi đưa áo quan đến bờ sông, mọi người không khóc nữa, sau đó cho đặt áo quan trên đống củi đã chất sẵn và châm lửa thiêu cho đến khi xác chết cháy thành tro, rồi bỏ tro vào một chiếc lọ bằng đất thả xuống sông và im lặng ra về, không được gây một tiếng động nào. Theo họ, làm như vậy là để linh hồn của người chết không tìm được đường về quấy rối dân làng. Đối với người thuộc dòng quý tộc hay quan lại triều đình, cách thức mai táng cũng vậy, chỉ khác là bình đựng tro làm bằng đồng; với nhà vua, hài cốt phải bỏ trong một chiếc lọ bằng vàng và bỏ xuống biển. 7 ngày sau, thân nhân người chết mang hương, hoa đến khóc, đi vòng quanh nơi thiêu. Cứ cách nhau 7 ngày lại tiếp tục làm như vậy cho đến ngày thứ 100 thì bắt đầu cúng giỗ.
|
Mộ chum - Hình thức táng tục cư dân động Cườm, phải chăng đó là cách mai táng của người Chăm trong giai đoạn muộn đã có sự Việt hóa. |
Vài năm gần đây, tại Bình Định đã phát hiện được một số vò gốm bên trong đựng tro màu đen, rất có thể đó là tro hài cốt người chết, điều khác là những bình lọ này được chôn trên đất liền và có đồ tùy táng. Nếu so sánh với thư tịch của Trung Quốc thì có sự khác nhau trong cách thức mai táng. Phải chăng đó là người Chăm trong giai đoạn muộn đã có sự Việt hóa? Điều này cần được tiếp tục nghiên cứu.
Về tục lệ cưới hỏi, theo thư tịch Trung Quốc, người Chăm trước khi cưới nhờ một bà mối mang đồ sính lễ sang nhà gái cầu hôn. Đến ngày cưới hai họ tụ tập nhảy múa, trong ngày cưới cô dâu mặc áo vải được khâu bằng nhiều miếng chắp lại, tóc dắt đồ trang sức và hoa, có một vị sư nữ đi kèm, rồi cho đi dẫn người con trai về.
Người phụ nữ có chồng chết nhưng không tái giá thì có thể để tóc dài cho đến già. Vào thế kỷ thứ XIV, một người phương Tây tên là O.Pordenon, có chép "Champa là nước rất đẹp, có nhiều lương thực và của cải. Nhà vua có 200 con, vì ông ta có nhiều vợ. Khi người đàn ông chết người ta chôn vợ cùng người chết". Các sử liệu Đại Việt như Đại Việt sử ký toàn thư có nói tới Huyền Trân công chúa, nếu không được Trần Khắc Chân lập mưu cứu thì cũng bị thiêu cùng vua Chăm là Chế Mân. Theo các sử gia Trung Quốc thì giai đoạn sau, người vợ không phải chết theo chồng mà có thể "giữ sự chung thủy và làm việc thiện". Hiện nay, những người Chăm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định còn tàn dư của chế độ mẫu hệ: phụ nữ có quyền làm họ cho con và quyền chia tài sản, giữ ngôi thứ cao nhất trong các lễ nghi của gia đình, có quyền tự chọn lấy chồng cho mình và bắt con cái theo tôn giáo của mình.
. TS. Đinh Bá Hòa
|