Núi non Bình Định (kỳ 8)
16:26', 2/3/ 2005 (GMT+7)

Từ Tiên Thuận trở xuống, dọc theo con sông Côn, đến Hữu Giang, Phú Lạc, núi vẫn nối liền nhau, quanh co khúc khuỷu. Nổi danh nhất là hòn Trưng Sơn.

Hòn Trưng Sơn thuộc thôn Phú Lạc, quê hương của tam kiệt nhà Tây Sơn và anh hùng Mai Xuân Thưởng.

Núi không lấy làm cao (422 thước) nhưng trông rất khôi hùng.

Trông gần thì mập mạp hung hăng như con bò đực sung sức lúc nào cũng sẵn sàng để chiến đấu. Nên người địa phương thường gọi là Hòn Sung.

Rừng đầu nguồn An Lão (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Lưng núi có nhiều chỗ nổi từng vồng từng ụ, như bị đánh sưng. Nên nhiều người gọi là Hòn Sưng thay vì Hòn Sung.

Núi còn có tên nữa là Độc Xỉ Sơn và Độc Nhũ Sơn, vì ở xa, nếu đứng xiên một phía mà trông thì giống một chiếc răng nanh dựng ngược, còn đứng dưới mặt mà ngó thì tương tợ một nấm vú vung (theo truyền thuyết thì Độc là một mình; nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí chép chữ Độc là con bò nghé). Do đó núi lại có tên nữa là Bút Sơn.

Hòn Sung là tổ sơn trong vùng hữu ngạn. Mặt hướng về Đông Nam và lấy dãy Sơn Triều ở Cầu Gành, thuộc An Nhơn, làm tiền án và long mạch chạy xuống hướng Đông đến hòn Hạ Thiên Sơn tục gọi là hòn Mò O ở giữa An Nhơn và Phù Cát, thì hồi cố. Phía trước mặt và hai bên tả hữu, gò đống nổi đầy, cuồn cuộn nhấp nhô như sóng biển. Và những ngọn núi chung quanh đều xây mặt về triều cũng như các vị đại thần đứng chầu một đấng anh hùng. Còn gò đống kia là quân lính dàn hầu.

Đến viếng Hòn Sung, một du khách có để lại mấy câu rằng:

Hòn Sung tuy thấp mà cao

Trời cho làm chốn anh hào lập thân.

Kìa ai áo vải cứu dân,

Kìa ai ba thước gươm trần chống Tây.

Chuyện đời rủi rủi may may,

Hòn Sung cây trải đá xây bao sờn.

Trên đỉnh Hòn Sung có một vùng đá hình chữ nhật, bằng phẳng, bên cạnh có hai tảng đá vuông vức chồng lên nhau. Người ta bảo đó là "Mả Mẹ Chàng Lía".

Do đó người địa phương còn gọi Hòn Sung là hòn "Mả Mẹ Chàng Lía".

Sau lưng và phía Tả phía Hữu Hòn Sung, có nhiều ngọn núi không cao nhưng hiểm trở. Như hòn Hành Sơn tục gọi là Dốc Dài nối liền Hòn Sung và hòn Vĩnh Đỗ tức hòn Dồ ở Hữu Giang. Nhưng đặc sắc hơn hết là hòn Đá Dàn, tên chữ là Dương Thạch Sơn (Trong Đại Nam Nhất Thống Chí lại chép chữ Dương là khí Dương).

Hòn Đá Dàn ở phía Bắc Hòn Sung, cạnh Hòn Sõng.

Trên núi, đá chồng chất, lớp dựng lên, lớp giăng ra. Do đó núi mệnh danh là Đá Dàn (dàn bày ra). Dưới chân và trên triền núi, cây cối rậm rạp. Nhưng trên đỉnh lại chỉ có bụi còi. Đỉnh núi bằng phẳng và chạy dài như một con đường quan lộ. Có lối đi từ chân núi lên đỉnh rồi chạy qua Hòn Sõng, ra đèo Bồ Bồ… theo đường tắt ra vùng Kim Sơn. Chính nghĩa quân Cần Vương đã dùng con đường này để liên lạc với các mật khu trong hai vùng Bắc Nam.

Trong dãy núi phía sau lưng Hòn Sung, còn có ngọn suối gọi là Suối Đá vì khô quanh năm và trong lòng ngổn ngang đá là đá, thiên hình vạn trạng, chơm chởm, chập chồng. Đi vào trong sâu, có nhiều hang hố ẩn núp được kín đáo và muốn vào suối phải qua nhiều lớp gò nổng. Thật có thế "một người chống được cả trăm". Nơi đó là một trong những mật khu của nghĩa quân Cần Vương, do em ruột Mai anh hùng là Mai Xuân Quang trấn giữ.

Những núi non của dãy Tây Sơn ở phía hữu ngạn sông Côn đại khái là thế.

Còn bên tả ngạn, thì núi non cũng trùng trùng điệp điệp. Cùng theo một chiều, lớp chạy lên trên An Khê; lớp chạy thẳng vào biên giới Phú Yên; lớp chạy xiên xiên xuống hướng Đông Nam, từ Định Quang xuống Thượng Giang, Tả Giang, Trinh Tường, Phú Phong; thành từng dây dài, chằng chịt, liên miên…chằng chịt.

Đèo An Khê mở lối giao thông giữa Bình Định và vùng Tây Nguyên.

Tên An Khê mới thông dụng từ thời Pháp thuộc, trước kia gọi là đèo Vĩnh Viễn (hiện ở phía Tây đèo có một ấp lấy tên Vĩnh Viễn). Đèo An Khê cao đến 740 thước và dài trên 10 cây số, chạy từ Đông lên Tây. Đường đi rất hiểm trở. Ngày xưa khi quốc lộ số 19 chưa mở, hành khách phải chịu lắm nỗi gay go. Dọc đèo có nhiều nơi dốc ngược, đá mọc lởm chởm. Có khúc phải dãng hai chân mà leo mới khỏi té. Nơi này tục gọi là dốc Chàng Hảng. Dưới dốc Chàng Hảng về phía Đông có một cái ngoẹo, nơi ngoẹo có một cây khế rất sai. Hành khách lên đèo mỏi mệt, thường dừng chân nơi gốc khế để nghỉ ngơi và giải khát. Ngoẹo ấy tục gọi là ngoẹo Cây Khế. Cách ngoẹo Cây Khế chừng một khoảng có hai cây cổ thụ sống trên vài trăm năm, thân cao tán cả. Một cây Ké, một cây Cầy. Đó cũng là hai trạm nghỉ chân rất được hành khách lưu luyến. Trên đỉnh đèo có đồn Thượng An do người Pháp cất.

Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nơi đồn này đã xảy ra nhiều trận kịch chiến. Và trước ngày ký hiệp định Genève, quân Pháp ở trong đồn đã bị nghĩa quân tiêu diệt gần hết. Tiếp đó đồn An Khê ở phía Tây đèo, cũng bị bao vây. Thực dân Pháp và các nhà tư bản Việt Nam ở thị trấn An Khê phải tản cư bằng máy bay.

Trước đây gần 200 năm, đèo An Khê là con đường lên xuống của binh mã nhà Tây Sơn.

Hùng khí vẫn còn ngùn ngụt.

Chung quanh đèo, núi non chồng chất.

Ở vùng An Khê có núi Hiển Hách tục gọi là Hảnh Hót và Đại Nam Nhất Thống Chí chép là Hinh Hốt là một danh sơn có nhiều danh mộc, và chung quanh có nhiều ngọn núi qui triều.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quan niệm về ma chay, cưới hỏi của người Chăm   (01/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 7)  (28/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 1)  (18/02/2005)
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)
Vua Tây Sơn tiếp một doanh nhân Anh quốc  (14/02/2005)
Soi bóng Huyền Trân  (12/02/2005)
Những phiên chợ Tết độc đáo  (08/02/2005)
Vài loại bánh Tết cổ truyền  (07/02/2005)