Núi non Bình Định (kỳ 9)
15:59', 3/3/ 2005 (GMT+7)

Núi vùng An Khê liên tiếp với núi vùng Cao Nguyên.

Phía Đông đèo An Khê, thuộc Tây Sơn Trung, núi cũng cao chớm chở như ở vùng Tây Sơn Thượng, tức vùng An Túc. Ngọn núi có danh nhất là hòn Ông Bình.

Hòn Ông Bình nằm ở phía Tây sông Thượng Giang. Tuy cao chỉ có 793 thước, song trông rất kỳ vĩ và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng sự thật thì có nhiều đường lối ra vào. Nơi triền phía Bắc, có đường đèo đi từ Đồng Hào ở ngả Đông, lên Trạm Gò. Cửa An ở ngả Tây. Đèo này gọi là đèo Vạn Tuế, tuy ngắn song dốc và đá mọc lởm chởm, nên rất khó đi. Ở triền phía Nam có con đường mòn chạy theo hướng Đông Nam để đến đèo An Khê. Đó là con đường lịch sử.

Đối trĩ cùng hòn Ông Bình, xiên xiên về hướng Đông Nam có hòn Ông Nhạc cao và rậm không kém hòn Ông Bình. Khí thế cũng rất hùng hiểm.

Từ hòn Ông Nhạc, núi chạy lớp thì vào thẳng trong Nam, lớp thì chạy xiên xiên xuống hướng Đông Nam. Danh sơn đều nằm trong dãy Đông Nam. Trước hết là hòn Tâm Phúc tục gọi là hòn Bà Phù.

Hòn Tâm Phúc không cao, hình giống như chiếc nón lá úp sấp. Núi có nhiều cây cổ thụ và nhiều thú rừng, nhất là heo. Đây là một hòn núi cấm, không ai được vào đốn củi, săn thú. Nhưng không cấm cũng ít ai dám vào, vì truyền rằng núi rất linh thiêng. Bà Thiên - Y A - Na thường tới lui, hào quang sáng chói. Thường ngày lúc mặt trời gần lặn, người ở gần núi thường nghe tiếng ụt heo inh ỏi. Người ta bảo rằng đó là tiếng của những kẻ bộ hạ ở nuôi heo cho bà Thiên Y.

Vì núi có bà Thiên Y tới lui nên mới mệnh danh là hòn Bà Phù tức là hòn núi của bà có Phù Phép.

Gần hòn Bà Phù có hòn Màn Lăng. Hai núi đối trĩ nhau. Thầy địa gọi hòn Màn Lăng là hòn Nhật, hòn Bà Phù là Hòn Nguyệt.

Giữa hòn Màn Lăng và hòn Bà Phù có một thung lũng bằng phẳng và kín đáo, tục gọi là Hóc Yến.

Qua khỏi Hóc Yến đến núi Đồng Phong tục gọi là hòn Lãnh Lương.

Đi xuống nữa thì đến hòn Hoành Sơn, tục gọi là Núi Ngang.

Những ngọn núi thượng dẫn liên hệ mật thiết với nhau, chẳng những về phương diện địa lý vì cùng một sơn mạch mà còn liên hệ về mặt lịch sử, lịch sử nhà Tây Sơn.

Nhà Tây Sơn, trước khi khởi nghiệp đã dùng dãy núi Tây Sơn làm căn cứ quân sự. Và đạo quân tiên phong gồm hầu hết người Thượng.

Truyền rằng: Tất cả các bộ lạc ở vùng Tây Sơn đều theo tam kiệt. Chỉ có người Thượng Xà Đàng ở vùng An Khê không phục. Để cho họ tin rằng mình người của Trời sai xuống trị thiên hạ, Nguyễn Nhạc dùng giỏ bội gánh nước.

Họ Nguyễn lấy một đôi giỏ bội mới, dùng giấy bổi quét dầu trong phất ở phía trong lòng giỏ. Rồi mỗi sớm gánh đôi giỏ xuống khe múc nước về. Người Thượng đứng ở xa trông thấy nước không chảy ra các lỗ giỏ, đều cho Nguyễn Nhạc là kỳ nhân. Nhưng viên chúa đàng cho rằng có phù phép, chớ không phải chân mạng đế vương.

Nhân trên núi Hiển Hách có bầy ngựa rừng, hễ thấy bóng người liền chạy trốn. Người chúa đàng bảo Nguyễn Nhạc nếu gọi được bầy ngựa ấy chạy đến thì mới thật là người Trời. Nguyễn Nhạc về nhà mua một con ngựa cái tơ thật tốt, dạy dỗ thật khôn, hễ nghe tiếng hú thì chạy đến. Đoạn đem thả ngựa vào núi cho theo bầy ngựa rừng. Ngựa rừng xúm lại "ve vãn" và luôn luôn kèm bên chân. Nguyễn Nhạc cất tiếng hú, ngựa cái chạy đến. Bầy ngựa rừng cũng chạy theo, nhưng vừa thấy bóng người thì quày trở lui. Song chạy được một đoạn xa xa, ngoảnh lại trông, thấy ngựa cái vẫn đứng với người một cách thân mật, thì dừng lại đứng ngó. Nguyễn Nhạc lấy bó cỏ cho ngựa cái ăn, rồi bỏ ra về. Bầy ngựa rừng bèn kéo đến ăn cỏ… hôm sau Nguyễn Nhạc lại đến hú và lấy cỏ cho ngựa ăn… Bầy ngựa rừng thấy người không có ý làm hại giống nòi, lần lần làm quen… Nguyễn Nhạc bèn đến tìm chúa Xà Đàng, hẹn ngày và nơi gọi ngựa.

Đến kỳ hẹn, Nguyễn Nhạc cùng chúa Xà Đàng và một ít bộ hạ đến núi Hiển Hách. Nguyễn Nhạc đứng giữa hai tảng đá dựng cao lút đầu người, và bảo chúa Xà Đàng cùng bộ hạ núp phía sau, im hơi lặng tiếng. Đoạn cất tiếng hú. Nghe tiếng chủ hú, ngựa cái từ trong rừng sâu chạy ra. Bầy ngựa rừng chạy theo sau. Nguyễn Nhạc lấy cỏ cho ăn. Đã quen người quen lệ, bầy ngựa rừng không chút sợ hãi. Nguyễn Nhạc vuốt ve con cái rồi từ từ đến gần bầy ngựa, vuốt mỏ vuốt lưng, hết con này đến con khác. Vì thấy ngựa cái đứng yên để vuốt ve, bầy ngựa rừng cũng vững tâm đứng yên ăn cỏ…

Người Thượng Xà Đàng thấy Nguyễn Nhạc "gọi" được bầy ngựa rừng, thì tin rằng là "Người Trời", nên thần phục và chịu theo đánh giặc.

Những người Thượng cũng như người Kinh, tuyển mộ được bao nhiêu đều đem về hòn Ông Bình và Ông Nhạc để tập luyện. Dinh trại đều cất trong hai núi này. Nguyễn Nhạc trấn thủ một núi, Nguyễn Huệ trấn thủ một núi. Vì vậy hai ngọn núi này mang tên hai vị chỉ huy: Ông Nhạc, Ông Bình.

Bình là tên chữ của Nguyễn Huệ (Nguyễn Quang Bình). Đối với Nguyễn Huệ, người địa phương ít hay gọi tên Húy. Lúc nhỏ thì thường gọi là "Chú Ba Thơm" (Hoa Huệ có hương), lớn lên lại thường gọi tên Chữ "Ông Bình". Tên Nguyễn Quang Bình tuy đã đặt từ trước, nhưng mãi sau khi lên ngôi cửu ngũ lấy niên hiệu Quang Trung, đánh đuổi quân Mãn Thanh rồi, mới thấy xuất hiện trong sử sách. Sau khi vua Quang Trung thăng hà, miếu hiệu Thái Tổ Vũ Hoàng Đế, thì hòn Ông Bình được tôn xưng là hòn Thái Tổ.

Còn hòn Ông Nhạc thì người sau đọc trại là Ông Nhược.

Nhà Tây Sơn cử binh đánh nhà Nguyễn năm Tân Mão (1771). Trước khi cử sự, binh đóng ở hòn Ông Nhạc đều dồn qua hòn Ông Bình. Rồi đại binh kéo đến đèo An Khê làm lễ tế cờ khởi nghĩa.

Lễ tế cờ cử hành gần nơi cây Cầy và cây Ké. Cho nên tục có câu "Cây Ké phất cờ, cây Cầy khí cổ". Cây Cầy hiện vẫn còn; còn Cây Ké đã bị chính quyền cũ, thời Ngô Đình Diệm, đốn lấy gỗ cất trụ sở. Ở các nước văn minh, Đông cũng như Tây, các di tích lịch sử đều được bảo tồn, coi là quốc bảo. Nếu hai cây lịch sử ở đèo An Khê được sanh ở một nước văn minh thì chắc được vun quến chăm coi, trừ sức tàn phá của thời gian, búa rìu không bao giờ nỡ chạm đến.

Những di tích Tây Sơn ở Bình Khê hầu hết đều bị nhà Nguyễn hủy hoại. Hai cây Ké cây Cầy, vì ít người để ý, nên mới còn sống. Nay lại chỉ còn có một cây.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi non Bình Định (kỳ 8)  (02/03/2005)
Quan niệm về ma chay, cưới hỏi của người Chăm   (01/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 7)  (28/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 1)  (18/02/2005)
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)
Vua Tây Sơn tiếp một doanh nhân Anh quốc  (14/02/2005)
Soi bóng Huyền Trân  (12/02/2005)
Những phiên chợ Tết độc đáo  (08/02/2005)