Núi non Bình Định (kỳ 10)
16:34', 4/3/ 2005 (GMT+7)

Trước khi xuất binh, Nguyễn Nhạc đã sai Nguyễn Lữ đi vận tải lương thực đến chân núi Đồng Phong. Khi xuống đến Đồng Phong thì lương thực cũng vừa tải đến. Nguyễn Nhạc cho đóng binh lại để phát lương và nghỉ ngơi để chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Tướng sĩ được lãnh lương thực tại Đồng Phong nên gọi núi Đồng Phong là hòn Lãnh Lương.

Từ hòn Ông Nhạc đến hòn Lãnh Lương, núi chạy dọc, xiên xiên xuống hướng Đông Nam. Nhưng đến địa đầu thôn Trinh Tường, núi lại quay ngang ra hướng Bắc, tạo thành hòn Hoành Sơn, tức là Núi Ngang, nằm theo hướng Tây Nam Đông Bắc.

Núi Ông Bình ngó ngay xuống Hoành Sơn và làm hậu tẩm cho Hoành Sơn vậy.

Hòn Hoành Sơn không cao (364 thước), nhưng dài và rộng. Phía Tây và phía Nam, dòng suối Đồng Tre và Chi Lưu ôm sát bên chân. Đường Quốc lộ 19 chạy dài ở phía Bắc. Trước mặt, đồng Trinh Tường tiếp đồng Phú Phong, và bên chân một con hương lộ chạy từ Bắc vào Nam, hợp cùng quốc lộ 19 và hai nhánh suối Đồng Tre, thành một chữ nhật làm ranh giới cho núi.

Mộ của Nguyễn Phi Phúc, thân sinh của Tây Sơn tam kiệt, nằm trong hòn núi này.

Truyền rằng:

Niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê (1740-1786), trong khoảng Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) trị vì miền Nam, có một ông thầy địa lý Trung Hoa, tục gọi là thầy địa Tàu, thường ngày cứ đi đi lại lại trong vùng Tây Sơn. Nguyễn Nhạc theo rình xem. Một hôm thấy thầy địa đến Hoành Sơn, dùng hai cây trúc cành lá xanh tốt và giống in nhau, đem cắm nơi triền phía Đông, một cây ngoài Bắc, một cây trong Nam, rồi bỏ đó mà đi thẳng.

Biết rằng vùng Tây Sơn là một đại địa, và thầy địa Tàu không tìm ra huyệt tinh nên tìm cách để thử huyệt khí, Nguyễn Nhạc bèn lưu ý đến nơi trồng hai cây trúc và ngày ngày đến thăm chừng. Cách mấy hôm sau, cây trúc phía Bắc héo lá rồi khô dần. Còn cây bên Nam, đến ba tháng vẫn còn sống và tươi tốt như lúc mới trồng. Đó là chứng ứng cho biết rằng long huyệt nằm ở đó. Nguyễn Nhạc hết sức vui mừng, bèn nhổ cây khô cắm vào chỗ cây sống, và đưa cây sống đến cắm vào chỗ cây khô…

Mươi hôm sau, tính đúng một trăm ngày từ khi trồng trúc, thầy địa Tàu đến. Thấy hai cây trúc đều chết cả hai, thầy địa nhún vai trề môi, bỏ đi không thèm trở lại nữa. Bởi thầy cho rằng đó chỉ là "giả cuộc" mà thôi.

Nguyễn Nhạc bèn về bốc mộ ông thân sinh đem táng nơi chân trúc phía Nam.

Lại có người bảo:

Thầy địa lý Tàu vốn quen thân với Nguyễn Nhạc. Lúc đến vùng Tây Sơn "tìm long điểm huyệt", thường tá túc nơi nhà họ Nguyễn, và chính Nguyễn Nhạc là người dẫn lộ cho thầy Tàu. Đi khắp cả vùng núi Tây Sơn, thầy địa chỉ chú ý đến hòn Hoành Sơn. Thầy đi qua đi lại không biết mấy lần, hết đem đặt địa bàn ở chỗ này thì đem đặt ở chỗ khác, ngắm nghía, tính toán, có vẻ đắc ý lắm. Đoạn thầy bỏ đi đâu mất biệt. Hơn một năm sau thầy trở lại và cũng ghé nghỉ nơi nhà Nguyễn Nhạc. Lần này ngoài chiếc địa bàn, thầy có mang theo một chiếc trắp nhỏ, bọc trong một chiếc khăn điều.

Đoán biết rằng thầy Tàu đã tìm được "huyệt mả đại phát" nơi Hoành Sơn nên về Tàu hốt cốt tiền nhân đem qua chôn, Nguyễn Nhạc bèn tìm cách đánh đổi. Nhưng làm sao đánh đổi được, vì thầy Tàu không khi nào rời chiếc trắp ra, thậm chí cả những lúc "đi sông đi bãi". Nguyễn Nhạc đóng một chiếc trắp giống hệt chiếc trắp của thầy địa, và hốt cốt ông thân sinh đựng vào, rồi đem dấu sẵn nơi chân Hoành Sơn…

Đến ngày đã chọn, thầy Tàu lén mang chiếc trắp cùng địa bàn đi lên Hoành Sơn. Vừa đến chân núi thì một con cọp tàu cau to lớn ở trong bụi, gầm lên một tiếng, nhảy ra vồ. Thầy tàu hết hồn, quăng trắp và địa bàn mà chạy. Hồi lâu không thấy cọp đuổi theo, liền quay lại chỗ cũ. Thấy chiếc trắp và địa bàn còn nằm lăn lóc đó, thầy mừng như chết đi sống lại, vội trực chỉ lên nơi long huyệt đã tìm ra…

Chôn cất xong yên thầy trở về Trung Quốc, không ngờ rằng chiếc trắp thầy chôn vốn đựng di hài Nguyễn Phi Phúc và con cọp kia chỉ có lốt ngoài mà thôi.

Hai thuyết không biết thuyết nào đúng.

Hai bên chỉ khác nhau ở chi tiết. Cả hai đều đồng một điểm chính là mộ của Nguyễn Phi Phúc chôn ở Hoành Sơn.

Song không ai biết đích xác ở chỗ nào. Chỉ nghe truyền rằng mộ gối đầu lên dãy núi phía Tây Nam (mộ thì gối đầu ở dãy Tây Nam, còn núi thì gối đầu nơi hòn Ông Bình) và lấy hòn Hương Sơn ở Kiên Thạch (Bình Khê) làm nội án, hòn Mò O (An Nhơn) làm ngoại án. Hai hòn này nằm xiên xiên hướng Đông Bắc hòn Hoành Sơn.

Vì có mộ của Nguyễn Phi Phúc, nên Hoành Sơn được tôn xưng là Thiếu Tổ.

Các thầy địa lý Việt Nam cũng như Trung Hoa đều công nhận cuộc đất Hoành Sơn là đại địa, vì có nào bút nào nghiên nào ấn nào kiếm, nào cổ nào chung, ở hai bên tả hữu. Trước mặt trên ba nổng gò, đá mọc giăng hàng giống như những toán quân đứng chầu chực. Và xa xa có hổ phục long bàn.

Không phải khoa ngôn:

Bút đó là hòn Trưng Sơn ở bên Phú Lạc, xa trông phảng phất như ngòi bút chép mây.

Nghiên đó là hòn Hợi Sơn tục gọi là Hòn Dũng trong địa phận Trinh Tường về phía Nam, đứng đối trí cùng hòn Trưng Sơn ở phía Bắc.

Cũng như hòn Hoành Sơn và hòn Trưng Sơn, hòn Hợi Sơn không cao lắm (491 thước), nhưng trông đồ sộ uy nghiêm. Trên núi có một vũng nước vừa rộng vừa sâu, quanh năm không bao giờ cạn. Người địa phương lên vỡ đất làm ruộng, đất tốt không kém dưới đồng bằng. Vì núi có vũng nước nên đám bình dân gọi núi là Hòn Vũng thay vì Hòn Dũng.

Còn đám hàn mặc thì coi vũng nước là nghiên mực của trời, nên đặt cho núi một tên nữa là Nghiên Sơn, tức Hòn Nghiên vậy.

Lên chơi Hòn Nghiên, Định Phong có mấy câu cảm hứng:

Trên non có nước,

Gắng bước mà lên.

Nước non còn nợ chớ quên

Lòng trong với nước gan bền cùng non.

Trời Tây mây kéo hoàng hôn,

Biển Đông thấp thoáng sóng dồn bình minh.

Nghiên son mài ráng lung linh,

Bút tuôn hàng nhạn chép tình nước non…

(Còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vài nét về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Ba na Kriêm Vĩnh Thạnh   (04/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 9)  (03/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 8)  (02/03/2005)
Quan niệm về ma chay, cưới hỏi của người Chăm   (01/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 7)  (28/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 1)  (18/02/2005)
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)
Vua Tây Sơn tiếp một doanh nhân Anh quốc  (14/02/2005)