Núi non Bình Định (kỳ 11)
13:10', 6/3/ 2005 (GMT+7)

Hòn Nghiên và Hòn Bút nằm bên hữu bên tả hòn Hoành Sơn, trông thật cân đối. Khách thơ ví von Hoành Sơn như bức bình phong, còn hai hòn Bút Nghiên là hai trụ ba biểu đứng hai bên, hơi lấn ra phía trước một ít.

Sát bên chân hòn Hoành Sơn lại có hai hòn núi nhỏ đứng song song, giống hệt bộ chuông trống nho nhỏ để chiếc áng thờ. Đó là Hòn Một và Hòn Giải. Cổ nhân gọi Hòn Một là Chung Sơn tức Hòn Chuông, Hòn Giải là Cổ Sơn tức Hòn Trống.

Cổ nhân đặt tên không phải dựa vào vị trí, nhưng dựa vào hình dạng.

Hòn Một trông phảng phất quả chuông đồng.

Còn Hòn Giải thì đứng ở phía Bắc trông vào thì dáng tròn tròn như cái trống. Nhưng đứng phía Đông mà ngó lại thấy hơi vuông vuông như một chiếc ấn. Vì vậy, Hòn Giải còn có tên nữa là Ấn Sơn tức Hòn Ấn.

Đặt cho Hòn Giải tên Ấn Sơn chẳng phải chỉ vì hình dáng mà còn vì ở phía Đông, nơi vùng Gò Sặt (Trinh Tường) có một hòn núi thấp và dài gọi là hòn Kiếm Sơn tức Hòn Kiếm. Có kiếm thì phải có ấn mới đủ đôi.

Có người bảo rằng núi mệnh danh là Hòn Ấn, Hòn Kiếm, không phải do hình dáng mà do một sự kiện lịch sử.

Truyền rằng:

Sau khi chiếm được long huyệt ở Hoành Sơn thì ba anh em Nguyễn Nhạc cùng phát tướng. Gương mặt trông sáng rỡ, và việc học hành, võ cũng như văn tiến bộ lạ thường. Thầy học là cụ giáo Hiến một người miền ngoài, giỏi văn lẫn võ, lại rành khoa tướng số trước kia vốn đã có biệt nhãn cùng ba anh em họ Nguyễn, nay thấy thần sắc, biết vận trời đã đến, bèn đem câu sấm "Tây khởi nghĩa, Bắc thu công" ra khuyên Nguyễn Nhạc về lo mưu đồ đại sự. Vâng lời thầy, ba anh em trở về Kiến Thành lo chiêu mộ hào kiệt.

Vùng đất Tây Sơn xưa kia núi rừng rậm rạp, chuyện thần linh quỷ dữ lan tràn khắp đó đây. Để qui tụ lòng dân, Nguyễn Nhạc bèn lợi dụng óc mê tín của quần chúng.

Hòn Trưng Sơn ở Phú Lạc tuy ở gần thôn xóm, nhưng ít ai dám lên vì sợ "mả mẹ chàng Lía" và nhất là sợ cọp. Thỉnh thoảng Nguyễn Nhạc cho người tâm phúc lên núi, nửa đêm nổi trống nổi chiêng. Người quanh vùng cho rằng hồn chàng Lía về cúng mẹ, người lại bảo đó là quỉ thần mở hội vui. Kẻ bàn người tán, không mấy lúc tiếng bay tận ngàn xa, một thành mười, mười thành trăm. HònTrưng Sơn từ xưa đã có tiếng càng thêm nổi tiếng.

Một hôm, nhà Nguyễn Nhạc có kỵ. Khách khứa đông đúc. Cỗ bàn vừa ăn xong thì trời đã khuya. Những người ở xa đều phải nghỉ lại, còn người quanh xóm thì lục tục ra về. Bỗng trên Trưng Sơn, tiếng trống tiếng chiêng vang dội, và trong bóng cây trên đỉnh, ánh lửa lập lòe. Ai nấy đều kinh dị, Nguyễn Nhạc rủ người lên xem "quỉ thần làm trò gì". Phần đông đều e ngại. Chỉ bốn năm tay lực sĩ xin theo.

Nai nịt gọn gàng, chân vũ hài, tay trường kiếm, đoàn người lần lần bước lên đỉnh Trưng Sơn. Khi đến gần đỉnh, trong ánh lửa mập mờ hiện ra một ông lão râu ba chòm bạc phếu, đầu đội mũ cánh chuồn, mình khoát áo đại bào, chân đi hia, bộ dạng giống hệt một ông lão văn trong các vở tuồng hát bội. Ai nấy đều ớn lạnh vì sợ, và không ai bảo ai, mọi người đều dừng lại một lượt. Ông lão cất tiếng bảo:

-     Trong anh em có ai là Nguyễn Nhạc chăng? Nếu có thì hãy lại gần đây nghe lệnh. Còn các người khác hãy đứng yên.

Nguyễn Nhạc run sợ bước ra, đến quỳ trước mặt ông lão. Ông lão phất tay áo, lấy ra một tờ chiếu rồi đọc lớn:

-     Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc vi Quốc Vương.

Đoạn trao tờ chiếu cho Nguyễn Nhạc rồi quay bước đi vào trong bóng tối.

Từ ấy tiếng đồn khắp nơi, và ngôi Quốc Vương của Nguyễn Nhạc nằm vững trong tâm trí quần chúng. Trong đám sĩ phu, trừ cụ Giáo Hiến, không mấy ai biết đó là kế của Nguyễn Nhạc.

Chưa lấy làm đủ, Nguyễn Nhạc còn tìm một thanh bảo kiếm và đúc một quả ấn vàng, rồi đem dấu trong vùng núi Trinh Tường.

Một hôm cùng bộ hạ ở An Khê về, đến Hoành Sơn thì ngựa Nguyễn Nhạc lồng lên, rồi thẳng cổ chạy nước đại. Nhưng không chạy rẽ qua hướng Bắc để qua sông về Kiên Thành, lại chạy vào hướng Đông Nam. Đến chân núi phía trong Gò Sặt, cương ngựa bị đứt, Nguyễn Nhạc té nhào, trặc chân không đứng dậy nổi. Đám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới đỡ, khi đứng dậy để lên ngựa trở về, Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên lấy thì là một thanh kiếm xưa lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng là "của trời ban".

Về nhà, Nguyễn Nhạc nói cùng hai em và thuộc hạ:

-     Ngọc Hoàng đã sắc phong ta làm Quốc Vương. Lẽ tất nhiên là phải ban ấn kiếm. Nay kiếm đã có rồi ta phải đi tìm ấn.

Đoạn tổ chức ngay lễ cầu đảo tại chân núi Hoành Sơn.

Cầu đảo ba đêm ngày. Đêm làm lễ ngày cho người đi tìm khắp nơi. Đã hai ngày liền, hàng trăm người chia nhau đi khắp các khe núi quanh Hoành Sơn, mà không có kết quả. Đêm thứ ba, lúc nửa đêm, tiếng trống hành lễ vừa dứt, thì một vòi lửa như một vòi pháo thăng thiên bay xẹt từ Hòn Một đến Hòn Giải thì rơi xuống. Tiếp đó một tiếng nổ nhỏ như tiếng pháo tre, rồi một tiếng nổ lớn có phần dữ dội làm chấn động cả vùng. Ai nấy đều thất kinh. Sáng sớm, Nguyễn Nhạc đem người đến Hòn Giải xem, thì thấy sườn núi phía Nam có một vùng như bị sét đánh lở và nám đen. Trèo lên xem thì một ấn vàng nằm trong kẽ đá tại nơi bị lở. Ai nấy đều tin là "ấn trời ban".

Việc được kiếm được ấn thêm vào việc Ngọc Hoàng ban sắc phong vương, làm thiên hạ tin một trăm phần trăm rằng: "Nguyễn Nhạc quả có chân mạng"…

Nhân việc được kiếm được ấn mà núi mệnh danh là Kiếm Sơn và Ấn Sơn, tức Hòn Kiếm, Hòn Ấn.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi non Bình Định (kỳ 10)   (04/03/2005)
Vài nét về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Ba na Kriêm Vĩnh Thạnh   (04/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 9)  (03/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 8)  (02/03/2005)
Quan niệm về ma chay, cưới hỏi của người Chăm   (01/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 7)  (28/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 1)  (18/02/2005)
Phong cảnh Bình Định  (17/02/2005)
Nghề đẽo đá ong ở Bình Định xưa   (16/02/2005)