Đi hội vía Bà
9:45', 8/3/ 2005 (GMT+7)

Hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch (24 và 25 tháng 2), con đường từ bến xe ngựa ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn) xuống chợ Cảnh Hàng (xã Nhơn Phong) tấp nập người xe: người ta trẩy hội vía Bà…

         Miếu Bà đêm hội.

Chưa tới chợ, đã thấy người và xe: xe máy, xe đạp, lại có cả những chiếc xe ô tô mang biển số ngoại tỉnh đứng chật cả con đường. Đầu chợ Cảnh Hàng, hàng quán lao xao và những bãi giữ xe đã nêm kín. Cả khu Cảnh Hàng rực rỡ với những chiếc đèn lồng được các gia đình treo trước cửa nhà, dọc theo hai bên những đường trục và cả trong miếu Bà tạo nên một không khí thật đặc biệt.

Chưa đến giờ lễ chính, người đã đứng xếp lớp lễ bái, khói nhang nghi ngút. Kẻ thì cầu được may mắn, bình an trong năm mới, người thì cầu cho con dâu, con gái "nở nhụy khai hoa" được "mẹ tròn con vuông", còn lớp thanh niên thì nhiều khi đi chỉ để xem hội. Gặp tôi ở trước sân miếu khi đang mải xem hát bội, ông Nguyễn Thành, 78 tuổi, ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tâm sự: "Năm nào tôi cũng về dự hội. Vừa là để cầu sự may mắn, vừa là được xem hát bội, múa lân". Còn một lão bà giấu tên, năm nay hơn 80 tuổi, thì cũng cất công từ Cát Nhơn (Phù Cát) về, chủ yếu là để được xem hát. "Còn hát là tui còn đi"- bà nói, giọng cứ sang sảng. Cụ ông Trương Đình Ba, 77 tuổi, người Cảnh Hàng, đang chuẩn bị đọc văn cúng hành lễ, thì vui vẻ tiết lộ rằng những khi con, cháu ông "nở nhụy khai hoa" gia đình ông đều đến lễ Bà. Và đây vừa là niềm tin, vừa là một phong tục không chỉ của người Nhơn Phong mà cả các vùng lân cận.

Lễ chính được bắt đầu vào 11 giờ khuya. Ban tế lễ gồm 1 chánh tế, 1 tả phân hiến, 1 hữu phân hiến, 1 khỉ cổ và 4 học trò gia lễ, trong trang phục tế lễ, thực hiện theo nghi lễ truyền thống. Hành lễ xong, đội lân đã túc trực để khai phần xướng hát lễ, với hai vị cầm chầu, múa lân, sư tử, rồng để cúng bà. Sau màn biểu diễn lân là hát án vở Cổ thành. Đến quãng 3 giờ sáng ngày 17, phần khai lễ kết thúc.

       Múa lân ở hội vía Bà.

Sáng ngày 17, người đến xem hội càng đông. Trước sân miếu đoàn tuồng Ánh Dương (Phù Cát) đang biểu diễn. Những cụ già, khăn vắt vai, tay cắp thêm chiếc đòn, bước vội về trước miếu để xem hát bội. Lớp thanh niên thì tụ tập để chờ xem trò đập ấm, thi đấu bóng chuyền, kéo co. Đặc biệt nhất là trò chơi cổ nhơn. Tất cả diễn ra sôi động cho đến chiều.

Khi màn đêm dần buông, cũng là lúc những chiếc đèn lồng hai bên đường chính và các trục đường khu chợ Cảnh Hàng được thắp sáng. Sân hát bội vẫn còn tưng bừng, nhưng một số người đã dần theo đoàn lân để xem múa lân, giựt lèo.

Những năm trước, trong đêm hội ngày 17 còn có tục chưng cộ và đốt cây bông. Kiệu bà được trang hoàng rực rỡ, hai bên có hai em bé một trai, một gái tượng trưng cho những sinh linh nhỏ bé khi ra đời được bà cứu giúp đi theo cùng với 7 chiếc kiệu đại diện cho 7 thôn của xã Nhơn Phong. Kiệu khởi hành từ miếu Bà đến gò Trại cách miếu chừng 500m về hướng Đông sẽ đốt cây bông 12 tầng, tượng trưng cho 12 con giáp. Trên đường kiệu Bà về, các gia đình thiết bàn thắp hương, mong đón kiệu Bà và lân vào nhà để được hưởng phước.

Tôi gặp ông Diệp Thanh Cam, Trưởng ban coi sóc miếu Bà và được nghe câu chuyện truyền tụng về sự tích ngôi miếu. Chuyện xảy ra cách nay chừng ba thế kỷ. Hồi đó, vùng quanh chợ Cảnh Hàng có một người đàn bà tên Đỗ Thị Tân. Bà sống một mình trong túp nhà tranh (vị trí ngôi miếu hiện tại), trước mặt nhà là hồ nước. Bà buôn gánh bán bưng và đỡ đẻ cho người dân trong vùng. Mỗi khi có ai cần, chẳng quản đêm hôm, mưa gió, bà đều có mặt để giúp cho những sinh linh ra đời được "mẹ tròn con vuông". Hổ dữ ở chốn rừng sâu cũng nghe tiếng bà đến cào cửa đón bà đi đỡ đẻ. Thậm chí, bà còn xuống đỡ cho cả công chúa con vua Thủy Tề… Về sau, vua Tự Đức đã ban sắc Ân đức độ nhân (trước còn treo trong miếu). Rồi một hôm, hồ nước trước mặt nhà bà dợn sóng, dân làng không còn thấy bà đâu nữa. Các cụ già bèn lấy quả bưởi, ghi tên bà thả xuống hồ nước. Quả bưởi được nước xoáy xuống sâu rồi mất hẳn, sau mới thấy nổi lên ở ngoài cửa Đề Gi… Những câu chuyện đậm chất dân gian, pha thêm khí vị huyễn hoặc.

Trước đây miếu Bà chỉ là ngôi miếu làm bằng tranh. Trong chiến tranh, ngôi miếu bị tàn phá, cả tấm sắc cũng bị cháy hết. Năm 1991, người dân địa phương đóng góp dựng nên ngôi miếu hiện tại. Năm 2001, cũng bằng hình thức đóng góp, cổng miếu đã được dựng lại, khang trang, to đẹp, có phần hơi giống cổng những hội quán của người Hoa. Theo anh Nguyễn Văn Dư, người coi sóc miếu, hiện nay, đã có những nhà hảo tâm đóng góp để xây dựng lại miếu. Hy vọng, nếu được xây dựng lại, ngôi miếu sẽ được đầu tư tương thích về kiến trúc. Lễ hội chùa Bà khi đó sẽ có sức thu hút xa hơn với khách thập phương.

. Lê Viết Thọ

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những vị nữ tướng thời Tây Sơn  (07/03/2005)
Hàng chục ngàn người đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 11)  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 10)   (04/03/2005)
Vài nét về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Ba na Kriêm Vĩnh Thạnh   (04/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 9)  (03/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 8)  (02/03/2005)
Quan niệm về ma chay, cưới hỏi của người Chăm   (01/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 7)  (28/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 2)   (20/02/2005)