Núi non Bình Định (kỳ 12)
16:30', 9/3/ 2005 (GMT+7)

Cũng trong vùng Gò Sặt, phía trên Hòn Kiếm, có Hòn Ông Đốc, hình thù giống một con hổ phục, đầu ngó lên Hoành Sơn. Núi không cao, và tuy trông giống hình cọp, song ngó bộ hiền lành như con cọp tu lâu đời. Nơi triền phía Bắc hiện có một ngôi chùa thờ Phật. Cảnh nhân tạo thật là hợp với vẻ thiên nhiên.

Đó là điểm "hổ cứ" đã nói trên kia.

Một góc Hầm Hô (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Còn "long bàn" là hai nhánh của con sông Côn, một từ phía Tây Bắc chảy xuống, một từ phía Tây Nam chảy ra, hợp nhau tại địa đầu thôn Phú Phong, trông như hai cánh tay ôm choàng lấy cuộc đất của Hoành Sơn vậy.

Từ vùng Hoành Sơn trở vô, càng vô trong, núi càng cao, nhiều ngọn cao trên nghìn thước. Nhưng trừ các tay thợ rừng tuổi tác, người đồng bằng ít ai biết tên. Người ta gọi chung là Núi Xanh vì đứng ngoài trông vào sắc xanh như nhuộm lục.

Qua khỏi vùng Hoành Sơn, từ địa đầu thôn Phú Phong trở xuống Xuân Hòa, An Xuân, Thú Thiện thuộc huyện Bình Khê, đến Thọ Lộc thuộc huyện An Nhơn, núi dồn hẳn vào Nam, nhượng chỗ cho đồng ruộng. Trong vùng này núi non la liệt, chập chồng.

Được thường nhắc nhở trong văn chương là hòn Kính Sơn tục gọi là hòn Xà Kính, vì là chủ sơn trong nhóm núi Bình Phú (Phú Phong, Xuân Hòa, An Xuân).

Núi nằm trong thôn Phú Phong. Không cao (377 thước) nhưng dài và rộng. Sắc xanh mịt mịt và vẻ trông ngang ngạnh. Chung quanh, quần sơn bao bọc làm cho khí thế thêm hùng.

Ca dao địa phương có câu:

Nghênh ngang kìa ngọn Kính Sơn,

Tình chung đất nước không sờn nắng mưa.

Trong bài Vịnh Phú Phong của Trường Xuyên cũng dùng hòn Kính Sơn làm thi liệu:

Chàm pha núi Kính cây sum trái,

Lụa trải sông Côn nước khỏa dòng.

Và trong bài văn tế Nhạc mẫu, Định Phong cũng mượn Hòn Kính để gởi tâm sự:

Cành tang tử đã chen bóng núi, đỉnh Kính Sơn

không ngừng ngọn gió lay;

Trăng đoàn viên vừa rạng mặt sông, dòng Thái Thủy

bỗng nổi cơn sóng vỗ.

Phía Đông hòn Xà Kính có hòn Chóp Vàng, hình giống như Kim Tự Tháp, thân xanh màu chàm, ngọn vàng màu lá mạ.

Hòn Chóp Vàng thấp hơn hòn Xà Kính (370 thước), song vì đứng mói ra phía trước, nên đi ngoài Quốc lộ 19 nhìn vào trông cao hơn tất cả các ngọn núi trong vùng.

Nằm sau hòn Xà Kính có núi Xà Cù, tức là hòn Thiếu Lĩnh, đỉnh vượt hẳn lên trên đám quần sơn bốn bên (815 thước). Hình thù kỳ dị. Dưới chân thì chỉ có tranh săn và cây lúp xúp. Đến nửa chừng núi thì cây cối mọc dày, thân cao bóng cả. Càng lên cao cây càng to. Trên lưng núi lại có nhiều đá tảng chập chồng, và nhiều hang hố chứa đầy rắn rít. Đồn rằng có nhiều con rít lớn tày bằng bắp chân và dài đến mấy sải, và nhiều con rắn nuốt trọng được cả bò trâu. Người ta gọi rắn lớn như thế là Ông Dài.

Ông già bà cả thường kể chuyện rằng:

Trên hòn Xà Cù có những Ông Dài sống trên ngàn năm, lớn đến mấy ôm và dài đến hàng trăm trượng. Mắt sáng như chớp lạch, miệng rộng như cửa đình làng. Mỗi lần đi thì nổi gió làm cây ngã cát bay. Sức hút cũng ghê gớm. Lúc đói chỉ nằm há miệng, hễ thấy mồi trước mặt thì hút một hơi mồi liền chạy tuột vào miệng. Một hôm, một toán người, vừa mửng sáng lên Xà Cù cắt tranh, bị Ông Dài hút. May lúc bấy giờ bụng ông dài còn trống, đoàn người chạy thẳng phía sau đít mà chui ra.

Nghe kể lại như vậy, ai tin được thì tin cho vui.

Trên Xà Cù quả có nhiều rắn lớn rít lớn thật, song chỉ lớn hơn rắn thường rít thường gấp vài ba lần thôi, nhưng đến giống trăn thì lắm con nuốt sống nổi trâu nghé.

Tôi còn nhớ một năm (chừng lối 1922 hay 1923) vào khoảng tháng 10 âm lịch, trong khi nước lụt xuống ngập cả đôi bờ sông Côn thì nghe đồn rầm lên rằng "có rồng hiện nơi Cây Da Bến Gỗ thôn An Xuân". Thiên hạ kéo nhau đến xem: quấn chặt nơi rễ cây đa, một con vật kỳ hình, mình rắn vảy bạc, đầu tua tủa gạc nai. Nếu có thêm bốn chân với móng vuốt và bộ râu xồm xàm, thì hệt con rồng vẽ trong các bức tranh và ở các vách đình miếu. Phần đông đều tin là rồng giáng hạ. Nhưng sự thật đó là một con trăn to lớn đương nuốt một con nai chưa hết trọn. Con trăn ở trên núi Xà Cù, bị nước lụt trôi xuống Đồng Sim rồi trôi ra sông Côn. Đến Bến Gỗ, gặp rễ da, liền bám lấy chờ nước dựt mà trở về non.

Trăn cỡ ấy, những người đi săn, đi cắt tranh ở Xà Cù thường gặp. Họ không chút sợ. Chẳng những không sợ mà còn mừng, vì trăn càng lớn càng chậm chạp dễ đánh. Gặp được là phát tài, vì thịt trăn và da trăn rất có giá.

Vì nhiều trăn nhiều rắn nên núi mang danh là Xà. Còn Cù không biết ở đâu mà cùng Xà kết đôi lứa.

Phía trong hòn Xà Cù, có hòn Kiền Kiền.

Hòn Kiền Kiền không cao nhưng rậm (325 thước). Trên núi mọc toàn gỗ kiền kiền là một thứ danh mộc quí giá:

Bằng lăng tốt gỗ dễ cưa

So tài lương đống còn thua kiền kiền.

Do đó mà Kiền Kiền nổi danh.

Cũng như vùng Bình Tường (Trinh Tường), núi vùng Bình Phú càng vào trong Nam càng cao. Lắm hòn cao vút mây. Nhưng ngoài những tay thợ rừng cao niên, ít ai đi đến, nên hỏi tên cho biết, không mấy ai nói cho rành.

Vùng này núi cao hùng thắng. Có suối Hầm Hô và động Linh Đổng là hai thắng cảnh của Bình Khê nói riêng, Bình Định nói chung.

Đứng trước hai cảnh này, người Phú Phong thường hát:

Ngó vô Linh Đổng mây mờ,

Nhớ Mai Nguyên Soái dựng cờ đánh Tây.

Hầm Hô cữ nước còn đầy,

Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang.

(Còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi hội vía Bà   (08/03/2005)
Những vị nữ tướng thời Tây Sơn  (07/03/2005)
Hàng chục ngàn người đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 11)  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 10)   (04/03/2005)
Vài nét về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Ba na Kriêm Vĩnh Thạnh   (04/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 9)  (03/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 8)  (02/03/2005)
Quan niệm về ma chay, cưới hỏi của người Chăm   (01/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 7)  (28/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 3)   (21/02/2005)