Núi non Bình Định (kỳ 13)
15:48', 11/3/ 2005 (GMT+7)

Mai Nguyên Soái nói trong thơ là nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng. Mai anh hùng được toàn thể tướng sĩ Cần Vương tôn làm Bình Tây Nguyên Soái, lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp. Chiến khu chính lập tại vùng núi này. Cơ quan chỉ huy toàn tỉnh tại Lộc Đổng tức Đồng Hươu. Còn cơ quan bí mật đóng trong núi tại Linh Đổng.

Mật khu Linh Đổng do Thống binh Nguyễn Hóa trấn thủ, nên tục thường gọi là Hang Thống Nguyễn.

Linh Đổng (Đồng Le) ở phía Tây Lộc Đổng (Đồng Hươu) cách Hầm Hô chừng bốn năm cây số. Đường vào khúc khuỷu quanh co.

Linh Đổng còn có tên nữa là động Linh Phong, gồm hai hang, một trước một sau. Cả hai đều ăn sâu vào núi.

Hang Trước không rộng lắm, chứa cũng được vài chục người. Phía trước có một ngọn núi đứng dựng như một bức bình phong. Phía sau chảy quanh co một dòng suối. Qua khỏi suối đến Hang Sau. Hang này rộng gấp bảy, gấp tám hang trước. Miệng hang rộng đến vài bước, cao đến trên ba thước. Lòng hang bồng bềnh. Bóng mặt trời lọt qua các kẽ đá tỏa ánh sáng lờ mờ. Trước cửa cây cối mọc um tùm che khuất cả miệng hang.

Không phải người quen thuộc đường lối, không thể nào tìm ra được hang. Vì vậy sau khi nghĩa binh bị đại bại ở Bàu Sấu (An Nhơn), Mai anh hùng vào Linh Đổng ẩn náu, quân địch lùng kiếm hết sức mà không thể tìm ra tung tích.

Ở Linh Đổng có đường ra Lộc Đổng, mà cũng có đường sang Đồng Vụ là nơi tích trữ lương thực. Kho lương thực ở Đồng Vụ gọi là Nam Trại, thuộc Trinh Tường (Bắc Trại ở Thuận Ninh).

Đồng Vụ và Đồng Hươu hiện đồng bào ở đông đúc. Còn Linh Đổng, từ khi phong trào Cần Vương bị dập tắt, trừ một đôi người đi săn bắn, khách du quan ở xa cũng như người thường dân ở gần, không mấy ai dám đến, vì tiếng đồn nhiều cọp và rất linh thiêng, ai vào, nếu không bị cọp ăn thì cũng bị quỉ thần quở.

Vùng núi Bình Phú là đoạn đầu của dãy Nam Sơn.

Từ Phú Phong (Bình Khê) cho đến Thọ Lộc (An Nhơn) dãy Nam Sơn chạy thẳng về Đông. Nhưng đến khỏi Thọ Lộc thì chia làm hai nhánh, một chạy ra phía Đông Bắc, một chạy thẳng xuống Đông, giáp bờ biển Quy Nhơn.

Nhánh Đông Bắc gọi là Sơn Triều Sơn, chạy ra đến đường 19 tại Cầu Gành thì dừng lại. Hình giống lưỡi câu liêm ngửa lên hướng Tây Bắc, ngay hòn Trưng Sơn ở Phú Lạc.

Truyền rằng vì núi hướng về chầu hòn Trưng Sơn là nơi phát tích vua Thái Đức và vua Quang Trung, nên mệnh danh là Sơn Triều Sơn.

Trước mặt núi (Tây Bắc) là đồng bằng và một phần của sông Côn.

Phía sau lưng (Đông Nam) có một cái đầm ở thôn Dương Hội (Tuy Phước) tục gọi là Đầm Kim Ngân. Đầm mang tên như thế là vì xưa kia, nơi này cứ mỗi năm vào độ tháng giêng, người địa phương đốt giấy vàng bạc để cáo Sơn Thần trước khi vào núi hái củi. Đầm này (thường gọi là Đầm Dương Hội) thông lưu cùng Đầm Thanh Huy ở thôn Thanh Huy nằm về phía Đông. Nước hai đầm này do con suối từ Sơn Triều Sơn chảy xuống.

Phía Tây Nam có một đường đèo chạy từ đường 19 đến Dương Hội, gọi là Đèo Phú Quí.

Những ngọn núi trong nhánh Sơn Triều Sơn không cao (từ Đèo Phú Quí ra đến cuối dãy, không một ngọn nào cao đến 350 thước) mà cũng không rậm. Có một ngọn ở gần Đầm Kim Ngân, chỉ cao có 47 thước, tục gọi là Núi Bé. Cạnh đó (ở dưới chân Đèo Phú Quí) lại có một cái hố, tục gọi là Hố Giang. Phong cảnh của núi và hố không có gì đặc biệt, song danh đã theo câu ca dao ở địa phương mà bay xa:

Ngó lên Núi Bé ve kêu (thường các bà các cô ở xa Núi Bé và Hố Giang cứ hát "Ngó lên Suối Bé…" là sai).

Hố Giang nước chảy nhiều điều đắng cay.

Phía Tây Đèo Phú Quí, về phía đường 19 có một hòn núi trọc, hình giống con cóc ngồi le lưỡi, tục gọi là Hòn Cóc. Hòn Cóc ngó ngay xuống làng Đông Viên thuộc xã Nhơn Thọ, An Nhơn. Từ xưa đến nay, người Đông Viên làm ăn rất cần mẫn, song vì đất đai càn táo, nên những nhà khá giả nhất cũng chỉ "đỏ lửa ngày hai". Người ta đổ thừa "tại Hòn Cóc le lưỡi liếm hết lộc trời". Cho nên có lời than rằng:

Đời sanh ra cóc làm chi,

Lộc Trời liếm sạch lấy gì nuôi dân!

Phía Tây Hòn Cóc lại có Hòn Gian. Đối với các hòn trong nhánh Sơn Triều Sơn, Hòn Gian cao hơn hết (538 thước). Hình núi đứng phía nào trông cũng vuông vức cân phân.

Truyền rằng xưa kia trên núi có một con rít to lớn, tu lâu đời đã có ngọc. Ban đêm ánh ngọc chiếu sáng cả đầu núi. Một người Tàu động lòng tham, tìm cách đoạt ngọc. Và đào một cái giếng sâu dưới chân núi, làm thịt gà bỏ xuống giếng nhử rít. Rít bắt mùi tanh tìm đến. Sợ ngọc dính đồ bẩn, rít thả ngọc trên miệng giếng, rồi mới bò xuống ăn. Người Tàu rình sẵn, lén đến cướp ngọc, rồi trốn đi… Vốn tu đã thành linh vật, rít tìm được nơi trú ẩn của gian hoa, cắn chết, lấy ngọc lại. Do chuyện cướp ngọc rít của tên Tàu kia mà núi bị mang tiếng là Hòn Gian! Kể thật phi lý. Người làm xấu mà núi mang nhơ. Lại càng phi lý hơn nữa là người Ngô "ăn" mà núi Việt "chịu"!.

Đi ngang qua Hòn Gian, nghe chuyện ngọc rít, Thi Nại Thị có ngẫu chiếm mấy câu:

Gian tham rước họa vào thân,

Non lây tiếng xấu kém phần thắm tươi!

Ngô làm Ngô chịu đáng đời,

Trách ai để Việt nhận lời thị phi!

Nước trong sẵn đấy,

Hãy rửa vết nhơ đi,

Kẻo trong thủy tú sơn kỳ,

Còn nghe mãi tiếng tử qui não lòng.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi non Bình Định (kỳ 12)  (09/03/2005)
Đi hội vía Bà   (08/03/2005)
Những vị nữ tướng thời Tây Sơn  (07/03/2005)
Hàng chục ngàn người đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 11)  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 10)   (04/03/2005)
Vài nét về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Ba na Kriêm Vĩnh Thạnh   (04/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 9)  (03/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 8)  (02/03/2005)
Quan niệm về ma chay, cưới hỏi của người Chăm   (01/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 7)  (28/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 4)  (23/02/2005)
Đập Đá  (22/02/2005)