Nhánh Sơn Triều khởi đầu từ Hòn Gian.
Còn nhánh chạy xuống Quy Nhơn mệnh danh là nhánh Dương An Sơn.
Đó là mượn tên hòn núi cao nhất và có danh nhất trong núi mà đặt tên.
Hòn Dương An Sơn nằm trong vùng Vân Canh, hình dáng kỳ đặc khôi hùng. Chu vi hơn trăm dặm, đỉnh cao chót vót, lúc nào cũng có mây vần (Không biết độ cao của núi là bao nhiêu; thời Pháp thuộc có nhiều lần chánh quyền cho người chuyên môn lên trồng bồ để đo, nhưng không thể lên thấu đỉnh). Cây cối sầm uất, phần lớn là danh mộc sống lâu đời và lớn từ một người ôm trở lên. Sườn núi dựng ngược và đá khối chập chồng, dù leo núi giỏi đến đâu cũng khó lên tới đỉnh.
Hòn Dương An không những làm chủ sơn trong dãy núi phía Nam Bình Định, mà còn làm chúa tất cả quần sơn trong toàn tỉnh. Niên hiệu Tự Đức thứ ba (1840), nhà vua ban cho núi tên Phước An và kê vào từ điển.
Vì làm chúa trong tỉnh, nên núi thường được tôn xưng là Núi Chúa hoặc Hòn Ông.
Trên núi có nhiều thú dữ.
Vì khó leo lại nhiều thú dữ, nên từ xưa đến nay thợ rừng chỉ làm súc ở dưới chân núi.
Truyền rằng:
Trên Hòn Ông có sơn thần trấn thủ, và thường có tiên thánh tới lui. Những đêm trời sáng gió trong, người địa phương thường thấy những luồng hào quang khi thì vàng, khi thì xanh, rộng và dài như một cây lụa đậu tư căng thẳng, bay từ Bắc vào hay từ Nam ra. Đến Hòn Ông thì từ từ hạ xuống. Liền đó ba tiếng sấm nổ vang. Kế đó trên núi, tiếng đàn tiếng địch đồng vọng trong ánh sáng lung linh, cho đến lúc trời mửng sáng.
Người trần bảo rằng đó là "thần tiên mở hội". Mỗi năm ít ra cũng một lần.
Những sơn thú, sơn cầm sống lâu năm đều qui tụ nơi Hòn Ông. Ngoài những cọp, beo, voi, gấu… có nhiều giống mãng xà sắp hóa rồng và nhiều con rít thân lớn như cột đình, sắc đen nhánh như huyền và răng có thể cắn vỡ đá trái. Những rắn rít trên núi, phần nhiều đều có ngọc. Cho nên ban đêm trên Hòn Ông luôn luôn thấy ánh sáng như ánh trăng, xanh xanh lạnh lạnh.
Hòn Ông tuy cây cối nhiều, nhưng trên đỉnh không bao giờ có lá rụng. Vì có bầy vượn canh voi, và chiều chiều cùng sớm sớm, hàng nghìn hàng vạn con công sè đuôi quét dọn, rồi từng bầy sơn điểu tha rác rến đem lấp nơi đồng hoang.
Những giống vật trên Hòn Ông đều tu hành, không bao giờ làm hại người lương thiện. Thợ rừng làm gỗ dưới chân núi, mỗi khi gặp cọp, gặp gấu… thì đứng nép bên đường, chắp tay "Mô Phật", là nạn khỏi tai qua. Nhưng bình sanh có làm chuyện gian ác thì dù có thắp hương mà lạy, thì cũng bị tát lở mặt, hoặc cấu thủng da. Bởi vậy, ai cũng cố làm lành, tránh điều dữ, một khi muốn đến Hòn Ông.
Trên núi lại còn có vườn tiêu mọc đủ thứ hoa thơm trái ngọt, mùi hương trộn gió bay ngát cả rừng sâu. Và những dòng suối trong như thủy tinh, chảy róc rách quanh năm không bao giờ cạn. Những ai có phước đến được để ăn trái ngon, uống nước ngọt, thở mùi hoa, thì nếu có bệnh, thì bệnh lành, bằng không có bệnh, thì thêm tinh thần, thêm sức lực. Nhưng chỉ được no lòng, uống đã khát, rồi thôi. Đừng có tham hái trái đem về, múc nước đem về, lòng tham sẽ làm cho mắt mờ, trí độn, không còn biết đường biết ngõ mà về nhà.
Hòn Ông đã có nhiều vẻ kỳ bí. Những huyền thoại càng làm cho kỳ bí thêm.
Người địa phương - người Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số - đều coi Hòn Ông là một Linh Sơn, thời nào cũng không dám xúc phạm. Đồng bào dân tộc thiểu số thì tuyệt nhiên không dám đi ngang.
Hòn Ông đứng giữa dãy Nam Sơn, chung quanh núi non la liệt, khói quyện mây tuôn. Nhưng đi trên Quốc lộ 1 và trên đường hỏa xa song hành, cũng như trên đường 19, chúng ta trông thấy rõ ràng: một cỗ bồng vĩ đại đơm đầy quả tử màu phi túy, khi tỏ khi mờ trong bóng khói trầm hương.
Cảnh trí tuyệt đẹp! Thật xứng đáng làm chúa tể các quần sơn trong mọi dãy Bắc, Nam, Tây.
Chung quanh Hòn Ông có nhiều núi cao và có danh. Như hòn Bà Cương hay Bà Phong tục gọi là Hòn Bà (chớ lộn với Bà Sơn tức Núi Bà ở Phù Cát), đứng trong Hòn Ông, phía Tây Bắc.
Hòn Bà là một ngọn núi cao nhất trong những núi cao về mặt Bắc dãy Nam Sơn. Nhưng đứng bên Hòn Ông thì mới "tới cổ". Bởi vậy ở địa phương có câu:
Hòn Ông đứng trong Hòn Bà,
Chồng cao vợ thấp đôi đà xứng đôi.
Và tuy cao lớn, Hòn Bà dáng trông hiền lành. Đồng bào dân tộc thiểu số ở trong vùng, không dám đi ngang qua Hòn Ông vì kiêng sợ, phải vòng ra phía trước Hòn Bà mà đi. Nên có câu phương ngôn "Sợ Hòn Ông qua hông Hòn Bà".
(còn tiếp)
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
|